Trong một cuốn sách gồm các bài giảng có tựa đề “Nói lên sự thật” (Telling the Truth), Frederick Buechner đã thách thức tất cả những người đi giảng và các tác giả thiêng liêng làm sao để nói một cách “trung thực khủng khiếp” về cuộc vật lộn của con người, ngay cả trong bối cảnh đức tin. Đừng bọc đường mọi việc một cách dễ dãi, ông cảnh báo:
“Hãy để người đi giảng nói lên sự thật. Hãy để vị đó nói lên tiếng nói của thinh lặng trong các tin tức của thế giới này, tắt âm thanh, để trong thinh lặng đó chúng ta có thể nghe thấy sự thật bi thương của Phúc âm vốn dĩ có nghĩa là thế giới nơi Chúa vắng mặt là một nơi trống rỗng đen tối và vang động; và sự thật khôi hài của Phúc âm vốn có nghĩa là chính trong chiều sâu của sự vắng mặt này mà Chúa hiện diện theo những cách tưởng như không thể và trong những con người tưởng như không thể như ông bà Sa-ra và A-bra-ham già nua, và có lẽ khi đúng lúc thì cả Phi-la-tô, ông Gióp… và cả bạn lẫn tôi đều cười toáng lên cho tới lúc nước mắt chảy dài trên má. Và cuối cùng hãy để vị đó giảng về bi kịch lan tràn này bằng hài kịch, giảng về ánh sáng lấn át bóng đêm, giảng về cái tầm thường bằng cái phi thường, vì câu chuyện này quá hay đến nỗi không thể không thành hiện thực, bởi lẽ phủ nhận rằng nó không thực có nghĩa là phủ nhận cùng với nó một hơi thở dốc, nhịp đập và nhịp đập gấp của con tim sắp khóc hoặc thậm chí đang khóc, điều mà tôi tin là linh cảm sâu xa nhất về sự thật mà chúng ta có được.”
Khi đọc đoạn đó, tôi nhớ lại một số bài giảng trong giáo xứ khi tôi còn là một cậu bé. Tôi lớn lên trong một cộng đoàn nhỏ, an toàn, gồm những nông dân nhập cư, trong lòng thảo nguyên Canada. Các linh mục trong giáo xứ chúng tôi, những con người tha thiết một cách tuyệt vời, ấy thế mà lại có khuynh hướng giảng cho chúng tôi như thể chúng tôi là một nhóm các gia đình bình dị trong loạt phim truyền hình “Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên.” Họ thường nói với chúng tôi là họ rất hài lòng được làm mục vụ cho chúng tôi, những bà con nông dân giản dị, sống cuộc đời không phức tạp, xa hẳn các vấn đề của những vị đang sống trong các đô thị lớn.
Dù còn nhỏ, chẳng tiếp xúc gì nhiều trong cuộc sống, mà không phải lúc nào tôi cũng nuốt trôi những lời đó. Trước hết, tôi không cảm thấy hết sức đơn giản và không phức tạp. Trong sâu thẳm tôi chất chứa nỗi bất an sâu sắc và tôi cảm thấy nhiều chuyện đau đầu nhiều hơn so với phần riêng của mình. Ngay từ hồi đó, cũng như bây giờ, tôi đã cảm thấy rằng cả cuộc đời con người và trái tim con người đều có một chiều sâu luôn luôn phần nào nằm ngoài tầm với của chúng ta. Đồng thời, cho dù cộng đoàn của chúng tôi tuyệt vời như vậy, nó cũng có những phần đổ vỡ, những vụ tự sát, những mối căng thẳng giữa con người với nhau. Bề ngoài, đôi khi chúng tôi trông có vẻ như những ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên, nhưng bên dưới, những điều sâu thẳm hơn luôn luôn âm ỉ. Không ai là không có vừa những bí ẩn tuyệt vời lẫn những nỗi ai oán rối rắm phức tạp của cuộc đời.
Nghệ thuật giỏi là giỏi chính vì nó nhìn nhận sự phức tạp đó một cách nghiêm túc và rọi ánh sáng vào trong đó theo một cách không phải là giải quyết mối căng thẳng này một cách quá dễ dãi. Nghệ thuật tồi lúc nào cũng ủy mị chính vì nó không nhìn nhận sự phức tạp đó một cách nghiêm túc, bằng cách không chịu thừa nhận điều đó hoặc bằng cách giải quyết nó một cách quá dễ dãi.
Điều này cũng đúng đối với thần học hay và tinh thần thiêng liêng hay. Nó cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc sự phức tạp của trái tim con người. Thánh Tô-ma Đa-canh từng đặt câu hỏi: Đối tượng phù hợp của trí óc và ý chí con người là gì? Theo cách nói thời nay, câu hỏi đó sẽ là: Điều gì sẽ thỏa mãn hoàn toàn từng nỗi đau và nỗi khao khát của chúng ta? Câu trả lời của ông là: Mọi hiện thể, mọi thứ, tất cả những gì tồn tại. Chúng ta sẽ phải biết và cách nào đó phải kết nối về mặt cảm xúc với mọi chuyện thì tâm trí và trái tim bất an của chúng ta mới đi tới chỗ bình an trọn vẹn. Xét điều này là không thể được trong đời này, chúng ta không nên ngây thơ về chuyện cuộc sống của chúng ta sẽ trở thành thường xuyên bất an và phức tạp như thế nào. Món quà vĩ đại trong các tác phẩm của Henri Nouwen là nói cho chúng ta biết về sự phức tạp của chính đời sống của chúng ta và rồi cho phép chúng ta hiểu chuyện đó là bình thường. Chúng ta không hẳn tham lam quá mức, hưởng tình dục quá mức, hay bất an quá mức. Chúng ta chỉ là những con người bình thường, đi đi lại lại với da thịt phàm trần. Đó chính là cuộc đời thật sự! Đó cũng là sự thật rõ ràng trong thánh kinh và phúc âm. Thánh kinh có đầy những câu chuyện về những người tìm thấy Chúa và giúp xây dựng nước Chúa, cho dù cuộc đời của chính họ đầy những hỗn độn, rối rắm, chán chường, phản bội, bất tín, và tội lỗi. Không hề có con người nào đơn giản, miễn nhiễm đối với những mối phức tạp về mặt thiêng liêng, tâm lý, tình dục và quan hệ vốn dĩ vẫn bao vây tất cả chúng ta.
Và rốt cuộc, đó là điều tốt: Bên cạnh những thứ khác, nó giữ cho chúng ta luôn luôn tỉnh thức, mà thường là trước nỗi sợ hãi và uể oải của chúng ta, và rằng bí ẩn của cuộc đời là vô cùng to lớn, lớn hơn rất nhiều so với những gì mà chúng ta phần lớn thời gian cảm thấy thoải mái. Căn bệnh phức tạp thường hằng của chúng ta ép chúng ta càng hướng gần tới ánh sáng lớn lao hơn.
Điều cũng quan trọng nữa là sự tỉnh thức và thái độ chấp nhận căn bệnh phức tạp thường hằng của chúng ta có thể là nơi chúng ta cuối cùng sẽ tìm thấy những mối dây thấu cảm và tha thứ: Cuộc đời đối với ai cũng khó khăn cả. Ai ai cũng đau đớn. Chúng ta không cần phải đổ lỗi cho ai hết. Tất cả chúng ta đều bị bao vây bởi cùng những vấn đề. Hiểu và chấp nhận điều đó có thể giúp chúng ta tha thứ cho nhau – và rồi tha thứ bản thân mình.