Một trong những công việc trong chức vụ linh mục của tôi là chủ lễ và giảng lễ trong các tang lễ. Không bao giờ là một công việc dễ dàng. Các chân lý sâu xa trong đức tin của chúng ta có thể mang tác dụng an ủi trong nhiều dịp nhưng lại thường không mang nhiều tác dụng khi cái chết đang sờ sờ trước mặt. Về sau, có thể sẽ có tác dụng, nhưng ngay tại tang lễ, nỗi đau thường quá lớn đến nỗi những lời đức tin dường như mất hút vào trong đó và thực sự chẳng gây được tác động an ủi gì mấy. Chỉ khi làm đúng cách và đúng lúc với nỗi sầu khổ của con người, những lời đó mới mang lại được tác động trọn vẹn.
Một câu an ủi mà tôi thường dùng ở đám tang là: Bây giờ anh ấy đã ở trong bàn tay an toàn hơn bàn tay chúng ta. Cô ấy giờ đây đang ở trong bàn tay êm ái hơn bàn tay chúng ta.
Lẽ thật trong những lời này có thể gây hiệu lực an ủi đặc biệt khi người nằm xuống còn trẻ, người vẫn còn cần đến bàn tay trần thế của cha mẹ và là người mà chúng ta mong được thế chỗ cho họ vì người đó quá trẻ để phải rời chúng ta xuống lòng đất cô quạnh. Và cũng như thế với một người chết không được trọn vẹn, chết do tự vẫn hay tai nạn vô lý. Chúng ta có một nỗi sợ nói không nên lời, và đó luôn luôn là những câu như, đáng ra phải cho thêm một ít thời gian nữa, đáng ra chúng ta phải làm thêm điều gì đó, đáng ra phải thận trọng hơn, nâng đỡ hơn, và rồi chúng ta lo lắng sợ người mình yêu thương phải xa rời trần thế một cách bất hạnh. Cuối cùng, chúng ta lo lắng như vậy cho những ai đã chết mà lúc còn sống dường như chưa bao giờ dứt ra khỏi những hoàn cảnh cực kỳ tồi tệ và chán nản, rồi chúng ta ước sao bằng cách nào đó mình có thể làm gì đó để thay đổi mọi chuyện được tốt hơn. Trong mỗi trường hợp như trên, chẳng gì an ủi hơn một niềm tin rằng người thân yêu này giờ đây đang được ở trong vòng tay đáng tin cậy hơn và êm ái hơn chúng ta nhiều.
Nhưng liệu đây chỉ đơn giản là một mong ước, một tiếng huýt sáo trong đêm để cho chúng ta can đảm hơn thôi sao? Chúng ta nói nhăng cuội về sự công bình của Chúa để xoa dịu mình hay sao?
Nếu chúng ta tin vào Chúa Giêsu, thì không phải như thế! Tất cả mọi điều Chúa Giêsu mặc khải về Thiên Chúa bảo đảm với chúng ta bàn tay Thiên Chúa êm ái hơn và đáng tin cậy hơn bàn tay chúng ta nhiều. Thiên Chúa là cha của đứa con hoang đàng, Ngài thông hiểu và thông cảm hơn cả chúng ta đối với bản thân mình. Chúng ta cũng thấy trong dụ ngôn này, Thiên Chúa không đứng đó chờ đợi chúng ta trở lại và tạ lỗi sau những trác táng và phụ bạc, mà Ngài chạy đến để gặp chúng ta, và chẳng đòi chúng ta phải tạ lỗi. Còn trong câu chuyện con chiên lạc, chúng ta cũng thấy dù chúng ta phạm tội, Thiên Chúa không để mặc chúng ta phải tự ý thức lấy và rồi trở về ăn năn hối hận, mà Ngài bỏ chín mươi chín con chiên khác, lên đường tìm kiếm chúng ta, lòng đầy lo lắng, khắc khoải, và sẵn sàng đưa chúng ta về nhà dù chúng ta vẫn còn mang thân tội lỗi.
Chúa Giêsu cũng bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa không chỉ cho chúng ta một cơ hội mà là đến bảy mươi lần bảy, và có thể nói là vô số cơ hội. Chúng ta không hủy hoại vĩnh viễn cuộc sống của mình khi phạm một lỗi lầm hay thậm chí cứ phạm lỗi đó một cách không thể bào chữa hết lần này đến lần khác. Cuối cùng, nơi lời từ biệt trong thư gởi giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô tông đồ đã cam đoan với chúng ta rằng, dù chúng ta chẳng bao giờ có thể uốn nắn trọn vẹn đời sống của mình, thì chẳng có vấn đề gì hết, bởi đến cuối cùng, chẳng có gì, tuyệt đối chẳng có gì có thể tách chúng ta khỏi tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa. Và như thế, trong đời này và đời sau, chúng ta đều được ở trong một vòng tay êm ái hơn và đáng tin cậy hơn vòng tay của chính chúng ta.
Thiên Chúa không phải một Thiên Chúa trừng phạt, mà là một Thiên Chúa tha thứ. Thiên Chúa không phải là Đấng ghi chép lại tội trạng của chúng ta mà Ngài xóa sạch chúng cho chúng ta. Thiên Chúa không đòi chúng ta phải hoàn hảo, mà Ngài cần chúng ta có một tấm lòng ăn năn một khi chúng ta thiếu sót. Thiên Chúa không chỉ cho chúng ta một cơ hội, mà Ngài cho chúng ta vô số cơ hội như thế. Thiên Chúa không chờ chúng ta tự ý thức được sau khi đã sa ngã, nhưng Ngài đi tìm chúng ta, với tấm lòng đầy thông hiểu và quan tâm lo lắng. Thiên Chúa không tính toán và dè sẻn với những tặng vật Ngài ban, mà là một Thiên Chúa phung phí gieo rắc hạt giống ở khắp mọi nơi bất kể xứng đáng hay không. Thiên Chúa không bất lực trước tội lỗi và cái chết, mà Ngài là Đấng có thể cho kẻ chết sống dậy và chuộc lại những gì là tội lỗi và tuyệt vọng. Thiên Chúa không độc đoán và biến động hay thay đổi, mà là Đấng tuyệt đối giữ lời hứa và lòng tốt của Ngài. Thiên Chúa không câm lặng và cũng không bất lực trước sự phức tạp của chúng ta, mà Ngài là Đấng tạo nên hố sâu của vũ trụ và những nơi thầm kín sâu nhất trong lòng người.
Xét tận cùng, Thiên Chúa không phải là Đấng không thể bảo vệ chúng ta, mà là một Thiên Chúa với đôi tay và lời hứa đáng tin cậy hơn tất cả những gì chúng ta cậy dựa vào mình.