Không có điều gì là tuyệt đối khách quan, nghĩa là một quan điểm không chịu bất kỳ định kiến nào.
Nhưng, những tư tưởng gia thế tục, không tôn giáo, thường tự nhận điều này về mình trong những tranh luận về giá trị và chính sách chung. Họ lập luận rằng họ không giống như những người nhận rằng mình có quan điểm dựa trên các nguyên tắc tôn giáo, và quan điểm của họ là khách quan và không có định kiến. Họ nhấn mạnh giả định này như một lập luận lý tính thuần túy, một cái nhìn không chịu ảnh hưởng bởi điều gì, một quan điểm khách quan mà các lập luận tôn giáo dựa trên các lập trường đức tin không bao giờ có được. Họ cho rằng như thể đây là một điểm khách quan tuyệt đối vậy. Nhưng không có chuyện đó.
Chúng ta ai cũng có định kiến. Langdon Gilkey đã từng nói đến điều này một cách thanh thoát nhẹ nhàng. Ông nói rằng, chúng ta không có định kiến, nhưng là một ‘tiền bản thể’ một lập trường chủ quan từ đó chúng ta nhìn vào thực tế. Và lập trường đó bao gồm cả vị thế của chúng ta khi nhìn vào thực tế, cũng như cấu thành bên trong mà chúng ta đón nhận và lý luận những gì chúng ta thấy. Ông đã đúng. Không có một cái nhìn nào không phát xuất từ điểm nào cả, không có cái nhìn nào là không có định kiến, và không một quan điểm nào là tuyệt đối khách quan. Tất cả mọi người đều có một định kiến. Những người có tôn giáo và người thế tục, đơn thuần họ đứng trên những vị thế chủ quan khác nhau và tiến hành mọi sự qua những xử lý tâm thần chủ quan khác nhau.
Điều này có nghĩa tất cả mọi quan điểm đều chủ quan như nhau, và mọi sự đều tương đối hay không? Chẳng lẽ chúng ta không thể phân biệt được giữa khoa học và mê tín hay sao? Không. Có những mức độ rõ ràng về khách quan, cho dù không một ai nhận được về mình sự khách quan tuyệt đối. Thừa nhận rằng ngay cả một nghiên cứu kinh nghiệm luận nghiêm ngặt nhất cũng luôn có một mức độ chủ quan, không phải là đánh đồng khoa học với mê tín hay đức tin. Khoa học kinh nghiệm luận và suy tư lý tính phải được đánh giá đúng. Chính bác sĩ y khoa, chứ không phải người chữa lành đức tin, mới là người trị các chứng bệnh thể lý. Cũng thế, khoa học luận về tiến hóa và niềm tin tôn giáo cho rằng thế giới chúng ta được tạo thành trong vòng bảy ngày, không phải như nhau. Như nhiều tư tưởng gia tôn giáo bất bình về những tuyên bố áp đặt của nhiều tư tưởng gia thế tục, thì khoa học và suy tư lý tính cũng phải được có những gì xứng đáng với nó.
Nhưng suy tư tôn giáo cũng phải có được những gì xứng đáng, đặc biệt là trong các tranh luận về giá trị và chính trị. Quan điểm tôn giáo cũng cần được tôn trọng, cũng thừa nhận, như các suy tư khoa học và triết học, thì suy tư tôn giáo cũng đem lại những nhãn quan vô giá và cần thiết cho mọi tranh luận. Nhiều kiến thức của thế giới nằm trong khoa học và triết học, nhng hầu hết khôn ngoan của thế giới nằm trong các nhãn quan tôn giáo và đức tin. Như chúng ta không thể sống dựa trên mỗi tôn giáo, thì chúng ta cũng không thể sống chỉ dựa trên khoa học và triết học được. Sự khôn ngoan cần kiến thức, và kiến thức cần khôn ngoan. Khoa học và tôn giáo cần phải kết thân tình với nhau hơn nữa.
Tuy nhiên, quan trọng hơn việc có một biện giáo thích đáng về vị trí của đức tin và tôn giáo trong chính sách chung, chính là một nhận thức về sự lành mạnh và hạnh phúc của chính chúng ta. Chúng ta cần hiểu được tính chủ quan nhuốm màu lên mọi sự như thế nào, cũng như thuyết phục được những người thế tục hiểu rằng các nhãn quan tôn giáo là điều quan trọng trong mọi bàn luận, để qua đó chúng ta có thể chọn lựa cách khôn khéo hơn, một tiền bản thể đúng đắn để nhìn thế giới qua một đôi mắt tốt hơn và có những phán định tốt hơn về thế giới.
Nhà thần nghiệm thế kỷ XII, Hugo, cho chúng ta một tiền bản thể đúng đắn: Tình yêu là đôi mắt! Với Hugo, chúng ta thấy chính xác nhất khi đôi mắt chúng ta nhìn qua lăng kính yêu thương và vị tha, cũng như chúng ta nhìn sai lệch nhất khi tầm nhìn của chúng ta bị phủ bóng bởi nghi hoặc và tư lợi. Và đây không phải là một khái niệm mơ hồ. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy ra điều này. Khi chúng ta nhìn vào ai đó trong yêu thương, không kể những giai đoạn mà tình yêu là một ám ảnh hấp dẫn lãng mạn, thì chúng ta nhìn đúng. Rồi chúng ta nhìn nhau, đúng như những gì người kia là, với nhìn nhận đầy đủ về các đức hạnh và sai lỗi của người đó. Một cái nhìn thật chính xác. Ngược lại, khi chúng ta nhìn ai đó qua đôi mắt hoài nghi hay tư lợi, thì cái nhìn của chúng ta bị phủ bóng, và không còn công tâm nữa.
Chúa Giêsu cũng nói nhiều về điều này qua những từ đầu tiên của Ngài trong Phúc âm Nhất lãm. Trong những lời đầu tiên, Ngài mời gọi chúng ta, bằng một từ thôi, hãy nhìn thế giới như thực sự nó là. Vậy lời đầu tiên của Ngài là gì? Metanoia. Đây là một từ Hy Lạp thường được dịch là ‘Sám hối’ nhưng nghĩa đen của nó là ‘đi vào một tâm thức khác, cao hơn.’ Và ý nghĩa này càng được nêu bật khi đối chiếu metanoia với một từ Hy Lạp khác, paranoia, nghĩa là hoang tưởng. Metanoia là đối lập với paranoia. Sám hối là đối lập với hoang tưởng.
Khi chúng ta nhìn vào thế giới, qua đôi mắt của hoang tưởng, chúng ta không thấy mọi sự cho đúng. Ngược lại, khi nhìn vào thế giới, qua đôi mắt của sám hối, chúng ta thấy mọi sự một cách đúng đắn, dù là về mặt tôn giáo hay khoa học. Thật vậy, Tình yêu là đôi mắt!