Trong cuốn tiểu thuyết Những cuộc đời ngắn ngủi, nữ văn sĩ Anita Brookner nhận xét thế này: Khi còn trẻ, nghe những bản tình ca buồn, chúng ta nghĩ rằng nỗi buồn và thất vọng là khúc dạo đầu của yêu đương chứ không phải kết quả của nó. Bà cho rằng, sở dĩ như vậy là vì chúng ta còn trẻ và còn bị thu hút với những gì thăng hoa, nhưng càng lớn tuổi, chúng ta nhận ra cái thăng hoa này chỉ gây ấn tượng nhất thời, rằng hành động yêu thương là hữu hạn, vì vậy chúng ta mới thất vọng và những gì chúng ta mong mỏi lại thường xuyên biến  đổi.

Tôi không hoàn toàn đồng ý với bà. Điều tôi chắc chắn nhất và cũng đáng buồn là, sự thăng hoa này chỉ gây ấn tượng nhất thời, nó làm cho cuộc đời chúng ta buồn nhiều hơn chúng ta nghĩ, nhưng điều tôi băn khoăn là liệu có phải nỗi buồn trong các tình khúc buồn nói về cái hữu hạn của tình yêu không, hay là  về một điều gì khác.

Thật sự thì hầu hết các bản tình ca buồn đều nói về một nỗi hụt hẫng hay thất vọng, và đó là khúc dạo mở đầu cho tình yêu. Nội dung các bản tình ca buồn là gì? Hụt hẫng, phản bội, không thể đến  được  với  nhau, ghen tương, hối tiếc, xa nhau, chết chóc: Hụt hẫng vì yêu mà không được yêu; đau khổ vì mong mỏi mà hoàn cảnh không cho phép; hối tiếc vì đã phạm lỗi lầm; đau đớn vì tình yêu phụ bạc, vì; chia ly, vì người yêu chết trước khi tình yêu trở nên trọn vẹn, vì ghen tương. Tất cả những điều này trên một phương diện nào đó là khúc dạo đầu của tình yêu,  ít nhất cũng là của tình yêu viên mãn. Tất cả đều nói về nỗi buồn không thể thật sự làm  cho tình yêu trọn vẹn.

Nhưng bà Brookner còn nói về một điều khác. Nỗi buồn và thất vọng bà nêu lên là từ kinh nghiệm của một tình yêu không bị hụt hẫng, không bị phản bội, không phải không đến được với nhau, không vì ghen tương, chia ly, hay chia lìa bởi cái chết. Nỗi buồn và thất vọng bà nói rất rõ là từ kinh nghiệm của tình yêu hữu hạn, từ cái bẩm sinh là đã thiếu của tình yêu ở bờ hữu hạn này, và từ nhận thức bất kỳ người nào chúng ta yêu thương trên thế gian này, dù hoàn hảo hay tuyệt vời đến mấy đi nữa thì chàng hay nàng cũng không bao giờ đủ cho chúng ta, họ không phải là Chúa.

Những gì Brookner mô tả giống cảm nhận của chúng ta khi thời kỳ trăng mật chấm dứt. Mọi thời kỳ trăng mật đều chấm dứt, một số chấm dứt vì những lý do tồi tệ – thờ ơ, buồn chán, quá thông thuộc, thiếu kỷ luật trong tình cảm, hay không trọn tình từ một hay cả hai phía. Nhưng cũng có những thời kỳ trăng mật kết thúc vì những lý do tốt đẹp. Một thời kỳ trăng mật như vậy có thể nói là đã hoàn thành nhiêm vụ của nó, đúng thời gian, lúc đó sự vỡ mộng và thất vọng là lời mời gọi tích cực đưa mối quan hệ đến một tầng mức đậm sâu hơn. Bằng cách nào?

Vỡ mộng cũng có thể tốt và cũng có thể không tốt. Bị vỡ mộng là có “một ảo tưởng bị dập tắt”. Tình yêu mà chúng ta cảm nhận khi ở thời kỳ trăng mật không phải là một ảo tưởng. Nó thật, hết sức thật, đến độ đôi khi làm chúng ta nghẹt thở. Nhưng có một điều gì đó không thật trong thời kỳ trăng mật và rốt cuộc thì ảo tưởng phải bị dập tắt. Cái gì không thật ở đây?

Khi chúng ta đang trong thời kỳ trăng mật với người yêu, dù chúng ta nghĩ là nhiều nhưng thật ra chúng ta không yêu người đó nhiều bằng yêu chính tình yêu đó, với chính trải nghiệm yêu thương đó, với những gì ái tình đang tác động lên chúng ta. Chúng ta yêu với nguồn sức lực diệu kỳ, đầy năng lượng ngùn ngụt cháy trong bản thân mình. Chúng ta yêu một hình mẫu: Lúc thánh Gio-an yêu Maria, đầu tiên ông không yêu Maria nhiều bằng yêu những gì Maria đang mang, đó là, nữ tính trọn vẹn, người đàn bà bên cạnh Chúa. Nó giải thích tại sao ban đầu khi ta phải lòng ai đó thì chỉ một mình người đó cũng đủ làm cho ta không còn cảm thấy bồn chồn thao thức và cô đơn. Chỉ cần bên cạnh người đó là đủ. Người đó đóng chức năng là Thiên Chúa cho chúng ta. Đó là lý do tại sao các ám ảnh trong tình yêu cũng có thể làm cho chúng ta tê dại.

Nhưng lúc nào cũng vậy, dù rất trọn tình với nhau, cảm tưởng này cuối cùng cũng biến mất. Ai đó dù hoàn hảo cách mấy, rốt cuộc họ vẫn không đủ cho chúng ta. Một sự vỡ mộng cần thiết nhất định xảy tới và, kèm theo nó là một nỗi buồn và thất vọng nào đó. Chúng ta khám phá ra rằng chúng ta đã kết hôn với một con người, không phải là Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới trọn đủ.

Sự vỡ mộng của chúng ta là lời mời gọi đi từ trạng thái đắm mình vào tình yêu với một năng lượng đối với một hình mẫu (với Chúa thể hiện ở con người) để đến với tình yêu đích thực, quan tâm cụ thể đến một người duy nhất, bằng xương bằng thịt. Nó giống như cảm nhận của các tông đồ khi họ ở trên núi với Chúa, đang lúc cầu nguyện thì dung mạo Người bỗng đổi khác, rực rỡ, trắng tinh, sau đó họ nhận ra những gì còn lại “chỉ là Đức Giê-su”. Nhiều người, nam cũng như nữ, sau khi thời kỳ trăng mật chấm dứt, cũng nhận ra rằng: “Đó chỉ là Mary! Đó chỉ là John!”

Đầu tiên hết, là cảm nhận buồn bã và thất vọng. Nhưng nó không thúc mình làm giảm hay tăng lên mong chờ. Ngược lại, nó là lời mời gọi chúng ta vào cuộc hành trình quan hệ sâu đậm hơn, một hành trình mà cuối  cùng, không hề ảo tưởng, chúng ta sẽ thấy lại người bạn của mình rạng rỡ như lần đầu thấy họ ở thời kỳ trăng mật – mãi mãi, là Chúa, trọn đủ.