Là linh mục của phái Luther, khi cử hành hôn lễ, linh mục Dietrich Bonhoeffer thường khuyên: “Hôm nay các con yêu nhau và tin rằng tình yêu sẽ giữ gìn hôn nhân của các con, nhưng không thể. Các con hãy để hôn nhân gìn giữ tình yêu của các con.”

Đó là lời khuyên khôn ngoan, nhưng chính xác ý nghĩa của lời khuyên này là gì? Vì sao tình yêu không thể giữ gìn hôn nhân?

Điều Linh mục nêu bật ở đây là chúng ta ngây thơ khi nghĩ cảm xúc sẽ giữ chúng ta trong tình yêu, trong dấn thân lâu dài. Tình yêu không thể và không làm vậy. Nhưng nghi thức thì có thể. Bằng cách nào? Bằng cách tạo một nghi thức có thể giữ chúng ta vững vàng bên trong con tàu lượn sóng của những cảm xúc và tình cảm giữ chúng ta trong mối quan hệ lâu dài.

Nói đơn giản, chúng ta sẽ không bao giờ giữ mối quan hệ lâu dài với người khác, với Thiên Chúa, với việc cầu nguyện, hay việc phục vụ quên mình, nếu chỉ dựa trên tình cảm tốt đẹp và cảm xúc tích cực. Ở đời, tình cảm và cảm xúc của chúng ta thường cứ đến rồi đi tùy ý và không nhất quán.

Chúng ta đã biết, cảm xúc của chúng ta thiếu nhất quán. Hôm nay chúng ta thấy mình yêu người này, ngày mai chúng ta bực tức họ. Cầu nguyện cũng thế. Hôm nay chúng ta chú tâm, sốt sắng, ngày mai chúng ta chán nản phân tâm.

Vì thế, theo Linh mục Bonhoeffer chúng ta cần nghi thức để giữ mình trong tình yêu và trong cầu nguyện, vì những việc chúng ta làm theo nghi thức giữ chúng ta vững vàng và cam kết bên trong làn sóng của cảm xúc và tình cảm.

Chẳng hạn, một cặp vợ chồng yêu nhau, hứa yêu nhau và ở bên nhau suốt đời, xét tận cùng thì họ hoàn toàn có chủ ý làm vậy. Họ tôn trọng nhau, đối xử tốt với nhau, sẵn sàng chết vì nhau. Tuy nhiên, cảm xúc của họ không phải lúc nào cũng vậy. Có ngày tình cảm của họ dường như ngược với tình yêu, họ bực bội, họ giận nhau. Nhưng hành động của họ nói lên tình yêu và cam kết, chứ không nói lên cảm xúc tiêu cực của họ. Buổi sáng trước khi đi làm, họ hôn nhau và nói “anh yêu em”, “em yêu anh” như một nghi thức. Vậy họ đang nói dối? Họ chỉ làm cho có lệ? Hay đó là tình yêu thực sự?

Tình yêu và cam kết trong gia đình cũng vậy. Chúng ta hình dung người cha và người mẹ với những đứa con tuổi teen, một cậu bé 16, một cô bé 14 tuổi. Họ có luật là mỗi tối, họ sẽ ăn tối với nhau trong khoảng 40 phút, không đụng đến điện thoại thông minh. Nhiều bữa tối, cậu con trai, cô con gái, hay người cha, người mẹ đến bàn ăn (không cầm điện thoại) như thể chỉ vì bổn phận, cảm thấy chán, họ chán ghét thì giờ ở bên nhau này, họ chỉ muốn ở một nơi nào khác. Nhưng họ ngồi với nhau vì họ đã biến thì giờ này thành một cam kết. Họ chỉ đang làm cho có lệ hay họ đang thể hiện một tình yêu thực sự?

Nếu Linh mục Bonhoeffer đúng và tôi cho là đúng, thì họ không chỉ làm cho có lệ, họ đang nói lên một tình yêu trưởng thành. Khi có cảm xúc thúc đẩy và giữ chúng ta thì việc biểu lộ tình yêu này thành dễ dàng. Nhưng về lâu về dài cảm xúc tốt đẹp sẽ không gìn giữ tình yêu và cam kết của chúng ta. Chỉ có sự trung tín với cam kết và những hành động mang tính nghi thức làm nền cho cam kết đó mới giữ chúng ta khỏi bỏ đi khi cảm xúc đã cạn.

Trong văn hóa thời nay, ở hầu hết mọi tầng mức, chúng ta không hiểu điều này. Từ những người chìm đắm trong một văn hóa nghiện cảm xúc, đến con số đông đảo các nhà trị liệu tâm lý, các nhà mục vụ tôn giáo, những người cầm trịch cầu nguyện, linh hướng, và “những người bạn của ông Gióp”, chúng ta thường nghe: Nếu chúng ta không cảm nhận được, thì nó không có thật, chúng ta chỉ làm cho có lệ thôi! Chỉ là nghi thức sáo rỗng nà thôi!

Thật vậy, nó có thể là nghi thức sáo rỗng. Như Kinh Thánh đã nói, chúng ta tôn vinh trên môi miệng nhưng lòng thì cách xa.

Tuy nhiên, thường thì đó là cách thể hiện một tình yêu trưởng thành, một tình yêu không còn cháy bằng tư lợi hay cảm xúc. Bây giờ nó là tình yêu đủ khôn ngoan và trưởng thành cho hoàn cảnh con người vốn đầy khiếm khuyết và phức tạp và cho mọi chuyện vốn đầy màu sắc và phức tạp – bao gồm cả người chúng ta yêu, cả chính chúng ta và thực tế tình yêu của con người.

Quyển sách chúng ta cần cho tình yêu, không phải là quyển sách của những người đang yêu nhau say đắm trong tuần trăng mật viết, cũng như quyển sách chúng ta cần cho việc cầu nguyện không phải là quyển sách của một tân tòng nhiệt huyết ở giai đoạn ban đầu viết, lại càng không phải của hầu hết những người cầm trịch cầu nguyện viết.

Quyển sách chúng ta cần cho tình yêu là quyển sách của các cặp vợ chồng đã qua nghi thức nhưng còn giữ sự cam kết qua bao thăng trầm của năm tháng viết. Cũng vậy với quyển sách cầu nguyện, quyển sách này cần một người đã giữ một đời cầu nguyện, đi nhà thờ qua nhiều mùa lễ và ngày chúa nhật, dù đôi khi họ chẳng muốn cầu nguyện hay đi nhà thờ chút nào.