Có những điều cần đến sự đóng đinh nhục hình. Tất cả mọi sự tốt đẹp, đến tận cùng đều bị đem ra thí tội và bị đóng đinh. Như thế nào? Bởi quy luật này, một quy luật lạ lùng ngược đời bẩm tại trong đời sống con người luôn có một ai đó hay một sự gì đó không thể ở yên, nhưng vì những lý lẽ của bản thân nó, phải đi truy lùng và tấn công những sự thiện tốt lành. Những gì tốt lành, những gì từ Thiên Chúa mà ra, luôn có lúc bị hiểu lầm, bị ganh tị, thù ghét, truy đuổi, buộc tội, và cuối cùng là treo lên thập giá. Mọi phần thân thể Chúa Kitô chắc chắn chịu cùng số phận như Ngài: chịu chết vì bị hiểu lầm, vì sự ngu dốt và ghen tỵ.

Nhưng còn có một mặt khác: Cuối cùng Phục Sinh luôn chiến thắng nhục hình. Những gì tốt lành chiến thắng. Do đó, dù Thiên Chúa không trốn tránh nhục hình, nhưng thân xác Chúa Kitô không ở trong mồ quá lâu. Thiên Chúa luôn lăn tảng đá mồ ra, và đủ sớm để cho sự sống mới trỗi dậy, qua đó chúng ta thấy được vì sao đời sống bình thường của mình phải chịu nhục hình. (Không phải là Chúa Kitô phải chịu đau khổ và phải chết hay sao?) Sau nhục hình, chắc chắn là Phục Sinh. Tất cả mọi thân xác chịu nhục hình sẽ trỗi dậy. Hy vọng của chúng ta phát xuất từ đó.

Nhưng là như thế nào? Chúng ta thấy được sự phục sinh này ở đâu? Làm sao chúng ta cảm nghiệm được phục sinh sau nhục hình?

Kinh thánh rất khéo léo, dù rất rõ ràng, về điều này. Chúng ta nghĩ là có thể cảm nghiệm phục sinh ở đâu? Tin mừng cho chúng ta biết, vào tảng sáng phục sinh, các phụ nữ theo Chúa Giêsu đã lên đường viếng mộ, mang theo dầu thơm để xức xác Ngài. Một ý định tốt nhưng lầm, những gì họ thấy không phải là xác chết, nhưng là ngôi mộ trống, và thiên thần đứng đó hỏi họ: ‘Tại sao các bà lại tìm người sống giữa cõi chết? Hãy lên đường đến Galilê và các bà sẽ thấy Ngài ở đó!’

Hãy đến Galilê. Tại sao là Galilê? Galilê nào đây? Và làm sao để đến đó?

Trong tin mừng, Galilê không đơn thuần là một địa điểm địa lý, một vị trí trên bản đồ. Mà trên hết, Galilê là một nơi trong lòng người. Cũng thế, Galilê là giấc mơ và con đường môn đệ mà các môn đệ của Chúa Giêsu từng đi với Ngài, và cũng là nơi chốn thời điểm khi lòng họ bừng bừng hy vọng và nhiệt tình. Giờ đây, sau khi Chúa chịu đóng đinh, khi họ thấy giấc mơ của mình đã chết, khi đức tin của họ chỉ còn là ảo tưởng, thì họ lại được bảo hãy đi về nơi tất cả mọi sự khởi đầu: ‘Hãy đi về Galilê. Ngài sẽ gặp các bạn ở đó!’
Và họ về lại Galilê, cả về mặt địa lý và cả về một nơi đặc biệt trong lòng họ từng một thời cháy bỏng giấc mơ môn đệ Chúa. Và như lời đã hứa, Chúa Giêsu hiện ra với họ. Ngài không giống y hệt như Ngài trước đây, hay như những gì họ muốn, nhưng Ngài hiện ra, Ngài không chỉ là một bóng ma hay một ký ức. Chúa Kitô hiện ra với họ sau phục sinh, theo một phương thức khác, nhưng Ngài đủ hữu hình thể lý để cùng ăn cá với họ, đủ thực để họ chạm đến, và đủ quyền năng để biến đổi cuộc đời họ mãi mãi. Đến tận cùng, đây chính là những gì mà sự phục sinh muốn ở chúng ta: Hãy về lại Galilê, về lại với giấc mơ, với hy vọng và tình môn đệ từng một thời thổi bừng chúng ta, nhưng giờ đã mất đi vì chúng ta vỡ mộng.
Điều này cũng tương đồng với câu chuyện trên đường Êmau, khi hai môn đệ với gương mặt buồn bã u ám rời Giêrusalem. Và từ câu chuyện này chúng ta có thể rút ra một linh đạo trọn vẹn: Theo thánh Luca, Giêrusalem là giấc mơ, là hy vọng và là trung tâm lòng đạo, nơi khởi đầu và cực điểm của mọi sự. Và các môn đệ đang ‘rời bỏ’ nơi này, từ bỏ giấc mơ của mình, hướng về Êmau (một khu nghỉ dưỡng của người La Mã thời đó), hướng về một nơi tiện nghi phàm tục, một Las Vegas hay Monte Carlo. Do giấc mơ của họ đã bị đóng đinh nhục hình, nên cũng dễ hiểu khi các môn đệ nản lòng và rời xa giấc mơ đó, hướng đến một khuây khỏa phàm tục, trong sự tuyệt vọng: ‘Nhưng chúng ta đã từng hy vọng!’

Họ không bao giờ đến Êmau. Chúa Giêsu hiện ra với họ trên đường, từ sự vỡ mộng Ngài dựng lại hy vọng trong họ, và đưa họ về lại Giêrusalem.

Đây là một trong những thông điệp căn bản nhất của Phục Sinh: Bất kỳ lúc nào chúng ta nản lòng trong đức tin, bất kỳ lúc nào hy vọng dường như bị đóng đinh giết chết, thì chúng ta cần về lại Galilêvà Giêrusalem, nghĩa là về lại giấc mơ và con đường môn đệ mà chúng ta từng mang trong lòng trước khi mọi thứ tưởng như sụp đổ. Bất kỳ lúc nào chúng ta thấy dường như nước trời không có thực, tất nhiên sẽ có cám dỗ từ bỏ cương vị môn đệ để chạy đến sự khuây khỏa phàm tục, hướng đến Êmau, để được giải khuây nhờ Las Vegas hay Monte Carlo.

Nhưng, chúng ta biết, mình không bao giờ đến Las Vegas hay Monte Carlo. Bằng cách này hay cách khác, Chúa Kitô luôn gặp chúng ta khi chúng ta đang trên đường đến đó, Ngài đào sâu tâm hồn chúng ta, giải nghĩa những nhục hình cho chúng ta hiểu, và đưa chúng ta về lại cương vị môn đệ mà chúng ta đã từ bỏ. Một khi đến đó, tất cả mọi sự lại có ý nghĩa.