Đức Phanxicô đã công bố Thông điệp Tất cả anh em vào ngày 4 tháng 10, ngày lễ Thánh Phanxicô Assisi, mang tên Fratelli Tutti – Về tình huynh đệ và tình bạn xã hội. Người đọc có thể chán khi đọc vì tính hiện thực nhức nhối của thông điệp, nhưng thông điệp mang một hy vọng kitô giáo lâu dài.

Thông điệp Tất cả anh em đưa ra lý do vì sao có quá nhiều bất công, bất bình đẳng và chia rẽ cộng đồng trong thế giới và cách giải quyết các vấn đề này trong đức tin và trong tình yêu. Mục đích bài này không phải là để tóm gọn thông điệp nhưng để nói lên thông điệp thật can đảm và nói sự thật trước quyền lực. Mục đích cũng để làm nổi bật một số thách thức đặc biệt trong thông điệp.

Trước hết, nó thách thức chúng ta nhìn người nghèo và xem hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội hiện tại đang làm gì cho họ. Khi nhìn vào thế giới chúng ta, qua nhiều khía cạnh, thông điệp cho thấy sự tan vỡ và nêu ra một số lý do để giải thích: toàn cầu hóa tư lợi, toàn cầu hóa sự hời hợt, và lạm dụng phương tiện truyền thông xã hội trong số các việc khác. Điều này tạo nên sự sống còn của những người thích ứng nhất. Và dù tình trạng hiện nay tan vỡ cho mọi người, thì cuối cùng những người nghèo là những người đau khổ nhất. Người giàu ngày càng giàu hơn, người quyền lực ngày càng quyền lực hơn, và người nghèo ngày càng nghèo đi và mất đi quyền lực ít ỏi mà họ có. Có một sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng về sự giàu có và quyền lực giữa người giàu và người nghèo, thế giới chúng ta ngày nay ngày càng vô cảm hơn với hoàn cảnh người nghèo. Ngày nay sự bất bình đẳng được xem là bình thường và đạo đức thường được biện minh nhân danh Chúa và tôn giáo. Người nghèo trở thành đồ vật dùng một lần rồi vứt: “Dường như một vài phần tử trong gia đình nhân loại chúng ta có thể dễ dàng hy sinh vì lợi ích của người khác. Sự giàu có tăng lên, nhưng kèm theo là bất bình đẳng”. Khi nói về bất bình đẳng, thông điệp nhấn mạnh bao lần, đúng là có sự bất bình đẳng này đối với phụ nữ trên toàn thế giới: “Không thể chấp nhận một số người có ít quyền hơn chỉ vì họ là phụ nữ”.

Thông điệp dùng dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu làm ẩn dụ cơ bản. Dụ ngôn so sánh hoàn cảnh chúng ta ngày nay – cá nhân và tập thể – với linh mục và thầy thượng tế trong dụ ngôn, những người vì lý do tôn giáo, xã hội và chính trị khi đi ngang qua người nghèo, bị đánh đập, chảy máu và cần được giúp đỡ. Giống như linh mục và thầy thượng tế trong dụ ngôn, sự thờ ơ và thất bại trong tôn giáo của chúng ta bắt nguồn từ sự mù quáng đạo đức cá nhân cũng như trong các đặc điểm xã hội, tôn giáo của xã hội chúng ta đã góp phần tạo ra sự mù quáng này.

Đứng trước tình trạng toàn cầu hóa, thông điệp tiếp tục cảnh báo chúng ta phải chống lại việc theo chủ nghĩa dân tộc và bộ lạc, chỉ chăm sóc cho bản thân và xem người ngoại lai là ma quỷ. Thông điệp nói, trong thời kỳ cay đắng, hận thù và thù địch, chúng ta phải dịu dàng và nhân ái, luôn nói lên tình yêu chứ không hận thù: “Lòng tốt cần phải được trau dồi; đây không phải là đức tính trưởng giả hời hợt”.

Thông điệp công nhận ngày nay thật khó và phản văn hóa như thế nào khi hy sinh công việc của mình, sự thoải mái và tự do để phục vụ cộng đồng, thông điệp mời gọi chúng ta hy sinh vì điều này: “Tôi đặc biệt muốn nêu lên, tinh thần đoàn kết là một đức tính đạo đức và một thái độ xã hội được sinh ra từ sự hoán cải cá nhân.”

Tại một thời điểm, thông điệp đưa ra một thách thức rất rõ ràng (có tầm vóc sâu rộng). Thông điệp tuyên bố không lập lờ (với cả sức nặng của giáo hội) rằng các tín hữu kitô phải phản đối và bác bỏ án tử hình, phải có lập trường chống chiến tranh: “Thánh Gioan Phaolô II đã tuyên bố rõ ràng và kiên quyết, rằng, trên quan điểm luân lý, án tử hình không thích đáng, và trên quan điểm công lý hình sự, án tử hình không còn cần thiết. Hôm nay chúng tôi tuyên bố rõ ràng, ‘án tử hình là không thể chấp nhận’ và Giáo hội quyết tâm kêu gọi bãi bỏ hình phạt này trên toàn thế giới. Tất cả các tín hữu kitô và những người có thiện chí ngày nay được kêu gọi làm việc không chỉ để xóa bỏ án tử hình, dù hợp pháp hay bất hợp pháp, dưới mọi hình thức, mà còn làm việc để cải thiện điều kiện sinh sống trong nhà tù.”

Còn với chiến tranh: “Chúng ta không còn có thể nghĩ chiến tranh như một giải pháp, vì các rủi ro của nó có lẽ sẽ luôn lớn hơn các lợi ích được cho là của nó. Theo quan điểm này, ngày nay rất khó viện dẫn các tiêu chuẩn hợp lý được dựng lên trong các thế kỷ trước để nói về khả năng của một “chiến tranh chính nghĩa.”

Thông điệp cũng gây ra một số chỉ trích mạnh mẽ của một vài nhóm phụ nữ cho rằng thông điệp “phân biệt giới tính”, dù lời chỉ trích này gần như chỉ dựa trên tiêu đề của thông điệp và thực tế là thông điệp không hề viện dẫn tác giả nữ nào. Tôi nghĩ các lời chỉ trích liên quan đến việc lựa chọn tựa đề cũng đúng. Tựa đề dù rất đẹp trong ngôn ngữ cổ điển, nhưng cuối cùng lại là nam tính. Điều này có thể tha thứ, nhưng tôi đã sống ở Rôma đủ lâu để hiểu sự vô cảm thường xuyên của Rôma với ngôn ngữ hòa nhập là một bỏ quên không phải là vô tội. Nhưng lỗi ở đây chỉ như vết muỗi chích, một chuyện nhỏ, không thể làm hại cho chuyện lớn, cụ thể đây là thông điệp mang tính ngôn sứ, đặt công lý và người nghèo ở trọng tâm.