Chúng ta sống trong một thế giới với nhiều chia rẽ sâu sắc. Khắp mọi nơi chúng ta đều thấy sự phân cực, người ta cay đắng chia tách nhau bằng hệ tư tưởng, chính trị, luận thuyết kinh tế, niềm tin đạo đức, và thần học. Chúng ta có khuynh hướng phân loại tối giản hóa để hiểu những sự chia rẽ này, chẳng hạn như cánh tả và cánh hữu, phái tự do và phái bảo thủ, ủng hộ sự sống và ủng hộ chọn lựa.
Đúng là mọi vấn đề xã hội và đạo đức đều là một chiến trường: chẳng hạn như vị thế phụ nữ, biến đổi khí hậu, vai trò giới, tính dục, hôn nhân và gia đình, vai trò của chính phủ, cộng đồng LGBTQ, và nhiều vấn đề khác. Và giáo hội của chúng ta cũng không ngoại lệ, chúng ta thường không thể thống nhất được chuyện gì. Sự lễ độ đã biến mất trong những tranh luận chung, thậm chí trong giáo hội của chúng ta cũng vậy, nơi có rất nhiều sự chia rẽ và thù địch giữa các phái và nội bộ các phái với nhau. Chúng ta ngày càng khó thảo luận cởi mở bất kỳ vấn đề nhạy cảm nào, thậm chí là cả trong gia đình. Thay vào đó, chúng ta chỉ thảo luận về chính trị, tôn giáo và các giá trị trong phạm vi nhóm cùng hệ tư tưởng với mình. Và trong đó, thay vì đưa ra những thách thức, chúng ta lại tâng bốc nhau, mớm cho những căm phẫn về người khác, và từ đó ngày càng trở nên bất dung, cay đắng và phán xét hơn.
Kinh thánh gọi đây là sự thù ghét, và đúng thật là vậy. Chúng ta ngày càng trở nên những người đầy thù ghét, thổi bùng và biện minh cho sự thù ghét của chúng ta bằng những căn cứ tôn giáo vào đạo đức. Chỉ cần xem tin tức là thấy. Làm sao để thắng vượt được điều này?
Ở mức độ vĩ mô trong chính trị và tôn giáo, thật khó để tìm ra cách bắc cầu các chia rẽ này, nhất là khi những tranh luận của chúng ta lại càng mở rộng hố sâu ngăn cách đó. Cái chúng ta cần, là một sự hoán cải tôn giáo, sự biến đổi của tâm hồn, và cái đó lại tùy vào từng cá nhân. Tâm hồn của cả cộng đồng chỉ thay đổi khi tâm hồn từng cá nhân thay đổi trước. Chúng ta góp phần giữ gìn sự ôn hòa của thế giới, trước hết bằng cách bảo vệ sự ôn hòa của mình, nhưng đấy không phải là chuyện dễ.
Không phải đơn giản là mọi người đều đồng ý suy nghĩ những điều tử tế hơn. Cũng không phải là ta sẽ tìm ra những nền tảng chung khi đối thoại. Đối thoại mà chúng ta cần, không phải là điều dễ dàng có được, và chắc chắn chúng ta chưa đạt được. Nhiều nhóm đã cố gắng, nhưng không mấy thành công. Thường thì chuyện là những cuộc đối thoại dù có chủ tâm tốt nhất cũng nhanh chóng biến thành một nỗ lực của mỗi bên muốn ghi điểm về tư tưởng cho mình hơn là thật tâm cố gắng hiểu đối phương Và thế là chúng ta thành ra thế nào?
Tôi tin rằng, lời đáp đích thực nằm ở nhận thức về phương cách mà thập giá và cái chết của Chúa Giêsu mang lại ơn hòa giải. Trong thư thánh Phaolô gởi tín hữu Ephêsô nói rằng, Chúa Giêsu đã phá tan rào cản thù địch tồn tại giữa các cộng đồng bằng cách “tạo dựng hai loại người ấy nên một người mới” qua thập giá của Ngài. (Eps 2, 16)
Thập giá Chúa Kitô đã tiêu diệt sự thù hằn thế nào? Không phải là kiểu phép thuật. Chúa Giêsu không phá tan chia rẽ giữa chúng ta bằng cách lấy đau khổ của mình để đền bù tội của ta, không phải kiểu như Thiên Chúa cần thấy được hiến tế máu để tha thứ và mở cửa thiên đàng cho chúng ta. Hình tượng đó chỉ đơn thuần là một ẩn dụ sau những biểu tượng và từ ngữ của chúng ta về việc xóa sạch tội lỗi và ơn cứu chuộc của Chúa Kitô. Trên thập giá và trong cái chết của Chúa Giêsu, là một sự đòi hỏi chúng ta phải noi gương chứ không chỉ là ngưỡng vọng. Trên thập giá và trong cái chết của Chúa Giêsu là một mẫu gương để chúng ta noi theo. Vậy chúng ta noi gương điều gì đây?
Trong cuộc thương khó và cái chết, Chúa Giêsu biến đổi cay đắng và chia rẽ chứ không phải chịu đòn và trả đòn. Trong tình yêu, trên thập giá, Chúa Giêsu đã làm thế này. Ngài nhận lấy hận thù, giữ nó trong mình, biến đổi nó, và trả lại tình yêu. Ngài nhận lấy cay đắng, giữ nó trong mình, biến đổi nó, và trả lại nhân từ. Ngài nhận lấy nguyền rủa, giữ nó trong mình, biến đổi nó, và trả lại phúc lành. Ngài nhận lấy hoang tưởng, giữ nó trong mình, biến đổi nó, và trả lại một tâm hồn quảng đại. Ngài nhận lấy sát nhân, giữ nó trong mình, biến đổi nó, và trả lại sự tha thứ. Và Ngài nhận lấy sự thù hằn, sự chia rẽ, giữ nó, biến đổi nó, và qua đó cho chúng ta thấy bí mật thâm sâu để tạo nên sự thông hiệp, cụ thể là chúng ta cần phải loại bỏ sự thù ghét chia rẽ bằng cách hấp thụ nó, giữ nó trong lòng, và biến đổi nó. Như một máy lọc nước giữ chất độc trong mình và chỉ cho ra nước tinh khiết, thì chúng ta cũng phải giữ chất độc đang làm băng hoại cộng đồng và chỉ trả lại những gì là tử tế và cởi mởi với mọi người. Đấy là điểm mấu chốt để thắng vượt sự chia rẽ.
Chúng ta sống trong những thời đại chia rẽ, hầu như chẳng thể đối diện với nhau cách thân thiện trong mọi vấn đề nhạy cảm về chính trị, kinh tế, đạo đức và tôn giáo. Nếu chúng ta cứ thổi bùng và đáp trả hận thù, thì thế bế tắc này vẫn cứ còn mãi, trừ phi chúng ta, từng người một, biến đổi sự hận thù đó và trả lại cho cuộc đời những yêu thương mà thôi.