Nhà thơ và là nhà thần nghiệm Rumi, phái Sufi, từng viết rằng chúng ta sống với một bí mật thâm sâu mà đôi khi chúng ta biết, rồi lại không biết, rồi lại biết. Đây là mô tả rất hay về đức tin. Đức tin không phải là thứ bạn có thể giành lấy một lần là xong. Đức tin là thế này: Có những lúc bạn bước đi trên mặt nước, và có những lúc bạn chìm nghỉm như hòn đá đến tận đáy.
Tin mừng làm chứng cho điều này, nhất là trong câu chuyện thánh Phêrô bước đi trên mặt nước. Chúa Giêsu bảo Phêrô ra khỏi thuyền và bước đi trên mặt nước đến với Ngài. Lúc đầu thì được, Phêrô không nghĩ gì và bước đi trên mặt nước, nhưng đến khi ông ý thức được việc mình đang làm, thì ông chìm nghỉm. Chúng ta cũng thấy được sự dao động khủng khiếp nơi các môn đệ trong thời gian sau khi Chúa phục sinh. Chúa Giêsu hiện ra với họ, họ tin Ngài đã sống lại, rồi Ngài lại biến mất, và họ lại mất lòng tin, trở lại cuộc sống thường nhật trước khi gặp Ngài, đi đánh cá ngoài biển. Trình thuật sau biến cố phục sinh đã thể hiện những động năng của đức tin khá rõ ràng: Bạn tin. Rồi bạn không tin. Rồi bạn lại tin. Ít nhất, vẻ ngoài là thế.
Chúng ta cũng thấy một ví dụ khác trong chuyện thánh Phêrô chối Chúa Giêsu. Trong Tin mừng theo thánh Maccô, Chúa Giêsu bảo rằng có một bí mật phân chia người có đức tin và người không có. Thầy cho các con biết bí mật của nước trời, nhưng chỉ dùng dụ ngôn với người ngoài. Nghe có vẻ như Ngộ đạo thuyết, với ý niệm rằng có một mật mã bí mật nằm đâu đó (như trong truyện Mật mã Da Vinci chẳng hạn) mà một số thì biết và số khác không biết, và bạn được dự phần hay không là tùy vào hiểu biết này. Nhưng ý Chúa Giêsu không phải thế. Bí mật của Ngài là một bí mật mở, tất cả mọi người đều có thể biết: đó chính là ý nghĩa của thập giá. Bất kỳ ai hiểu được điều này sẽ hiểu toàn bộ ngụ ý của Chúa Giêsu, và ngược lại. Chúng ta dự phần hay không, tùy vào việc chúng ta có thể hay không thể nắm bắt và đón nhận ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu.
Nhưng, dự phần hay không, không phải là một chuyện làm một lần là xong. Đúng hơn, chúng ta vào rồi ra! Và sau khi thánh Phêrô đã chối Chúa Giêsu, Tin mừng viết rằng: “Ông đi ra ngoài.” Câu này vừa có ý theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Sau khi chối Chúa, thánh Phêrô bước ra khỏi cửa đi vào đêm tối để tránh xa đám đông, nhưng ông cũng bước ra khỏi ý nghĩa đức tin của mình.
Đức tin của chúng ta cũng lên lên xuống xuống vì một lý do khác, đó là chúng ta hiểu sai về cách vận hành của đức tin. Lấy ví dụ chàng thanh niên giàu có đã đến hỏi Chúa Giêsu: “Thầy nhân lành, con phải làm gì để có sự sống đời đời?” Cách chọn từ của anh này là điểm đáng chú ý: “có”. Sự sống đời đời như một thứ để chiếm hữu sao? Chúa Giêsu nhẹ nhàng chỉnh đốn cách chọn từ của anh, và dạy cho chúng ta một điều quan trọng sống còn về đức tin. Chúa Giêsu nói: “Nếu anh mong muốn đón nhận sự sống đời đời,” thế nghĩa là đức tin và sự sống đời đời không phải là thứ để chiếm hữu, cất giữ, và bảo vệ như thóc trong kho lẫm, tiền trong ngân hàng, hay nữ trang trong rương hòm. Đức tin và sự sống đời đời, chỉ có thể đón nhận, nhưng không khí chúng ta hít thở vậy. Không khí thì miễn phí, có khắp nơi, và sức khỏe của chúng ta không phụ thuộc vào sự hiện diện của không khí, bởi mọi lúc mọi nơi đều có không khí mà, nhưng sức khỏe của chúng ta phụ thuộc vào tình trạng lá phổi vào thời điểm đó. Đôi khi chúng ta hít thở sâu và cảm nhận luồng khí, nhưng đôi khi, vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta hít thở kém, hổn hển, hết hơi, hay nghẹt thở. Cũng như hít thở, đức tin cũng có những thể thức của mình.
Và do đó, chúng ta cần phải hiểu đức tin của mình, không phải như một thứ để chiếm hữu hay có thể đạt được một lần là xong, một thứ chỉ có thể mất đi khi xảy ra biến chuyển cực kỳ lớn trong cuộc đời, khi chuyển từ người có đức tin sang người vô thần. Abraham Heschel đã nói rằng, “Đức tin không phải là tình trạng tin liên tục, nhưng là một dạng thành tín, trung thành với những thời khắc mà chúng ta có đức tin.”
Và điều này làm khuấy động một điều khác nữa: Đức tin thật, không hẳn phải được diễn tả hoàn toàn trong tính tôn giáo, nhưng có thể biểu lộ trong sự thành tín, trung thành, và tin cậy. Ví dụ như, trong Giờ Tươi Sáng [The Bright Hour], một hồi ký đầy mãnh liệt viết vào thời điểm hấp hối vì bệnh ung thư, Nina Riggs đã chia sẻ đức tin mạnh mẽ nhưng âm thầm của cô khi bình thản đón nhận cái chết. Cô không có một đức tin tôn giáo rõ ràng, nhưng có lần một y tá đã nói với cô: “Đức tin, cô phải có nó, và cô phải cần nó!” Lời này khiến trong lòng cô phải suy ngẫm về những gì cô tin hay không tin, và cô đã đi đến suy nghĩ này: “Với tôi, đức tin hệ tại ở việc nhìn đăm đăm vào hố thẳm, thấy có bóng tối và những điều ta không biết, nhưng lòng thấy ổn với việc đó.”
Chúng ta cần phải tin những sự mà chúng ta không biết, biết rằng chúng ta sẽ ổn, dù cho rồi một ngày nào đó, chúng ta sẽ như người đang đi trên nước mà chìm nghỉm. Đức tin là một sự thâm sâu hơn cảm nhận của chúng ta nhiều.