Hàng năm tôi đều viết một bài về vấn đề tự tử. Không phải vì đó là chủ đề yêu thích của tôi, nhưng tôi viết vì có quá ít bài viết về vấn đề đau đớn này trên các diễn đàn công luận, cả thế tục lẫn tôn giáo. Tự tử vẫn là một trong những chuyện không thể nào đề cập tới và những người mất đi người thân yêu vì tự tử vẫn đang tìm kiếm, gần như trong vô vọng, bất cứ điều gì có thể đem lại sự thông hiểu và an ủi.
Năm nay, hơn cả những năm trước, tôi đang cố gắng để viết bài này bởi vì gần đây, có một số người đã viết bài cho rằng những gì tôi viết là tô hồng vấn đề này, rằng tôi đưa ra một cách an ủi nguy hiểm và sai trái, và tệ hơn nữa, những gì tôi viết (qua việc làm dịu đi quan điểm cấm kỵ coi tự tử là nỗi tuyệt vọng cuối cùng để chấm dứt thống khổ) đã góp phần làm tăng số vụ tự tử. Tôi đã bị cảnh cáo rằng, với việc làm dịu đi điều cấm kỵ này, anh cho phép người ta được tự sát. Chúa tha thứ điều đó, thì sao lại không làm? Cũng vậy, những tín hữu Công giáo La Mã thường xuyên trích dẫn Giáo lý của Giáo hội Công giáo để bảo vệ họ trước những lời công kích.
Dù vậy, vấn đề này vẫn cần được xem xét: Thực tế phũ phàng là, chỉ riêng ở Hoa kỳ, mỗi giờ có 3-4 vụ tự tử, một ngày có hơn 90 vụ, một năm có hơn 33.000 vụ, và mỗi một cái chết như vậy làm rúng động tận căn nhiều người. Cuối cùng, tất cả mọi người đều bị rúng động. Không người nào sống tiếp cuộc đời mà không bị rúng động, mang vết sẹo trong lòng và cuộc sống của họ đã thay đổi không thể đảo lại sau khi người thân tự tử. Trong tất cả những chuyện này, đa số là thinh lặng đè nén cảm xúc một cách “anh hùng.” Chúng ta hãy không nói về điều đó. Nhưng bên dưới sự đè nén cảm xúc một cách “anh hùng” này là tình trạng mâu thuẫn tư tưởng cay đắng, các bức ảnh bị hạ xuống, ký ức bị xóa mờ, và chúng ta vật vã mong giải thoát khỏi cảm giác tội lỗi, tủi hổ và sợ hãi không thể nào giải quyết được, và không hề kém phần quan trọng, một căn bệnh nào đó của chính cuộc sống. Nếu xảy ra tình trạng đó, thì có thể thật sự trông cậy vào cái gì đây?
Cần nói điều gì về vấn đề tự tử, vượt lên trên những gì tôi đã cố gắng nói rõ trong những bài viết trước đây?
Trước hết, sự sợ hãi mà những người phê phán tôi nêu ra cần được coi là nghiêm túc: Tự tử là một chuyện kinh khủng. Chuyện xã hội và giáo hội cấm kỵ vấn đề đó tận căn, cũng giống như cấm kỵ loạn luân, là có lý do chính đáng. Đó là một hành động kinh khủng mà một khi đã xảy ra thì không thể cứu vãn được. Nó phá hủy, và phá hủy mãi mãi, không chỉ cuộc đời của người làm hành động đó. Chúng ta không bao giờ được tô hồng chuyện tự tử. Đó cũng là lý do tại sao vấn đề đó đã luôn luôn bị đóng khung trong thái độ cấm kỵ kinh khủng này.
Nhưng việc cấm kỵ đó là nhằm cảnh cáo trước khi để nó xảy ra trên thực tế. Nhưng cũng cần phải nói đôi điều sau khi chuyện đó xảy ra. Khi có người tự tay giết mình, những người ở lại quả thật phải gắng gỗ để sống, về mặt thể xác lẫn tinh thần. Cần phải nói đôi điều cho những người ở lại.
Những gì tôi viết về vấn đề tự tử là dành cho những người ở lại, chứ không phải để làm tư liệu tư vấn cho những người đang bị bệnh trầm cảm. Hơn nữa, tôi xin nói rằng không điều gì tôi từng nói về vấn đề tự tử lại đi ngược với những gì được giảng trong sách giáo lý của Giáo hội Công giáo. Những gì sách giáo lý dạy đều nêu rõ lòng thương xót và thông cảm sâu sắc: nhấn mạnh sức nặng của vấn đề, nói rõ đây là hành động đi ngược lại ý Chúa đối với cuộc sống con người, khẳng định tiếp rằng trách nhiệm đối với hành động đó có thể giảm triệt để nếu xét trạng thái tâm lý của một người, và sau đó mời gọi chúng ta tin tưởng vào lòng thông hiểu và thương xót của Chúa. Hơn nữa, trong mục vụ, giáo hội cũng thực hiện chính những điều như tôi đã viết, không hề có ngoại lệ nào.
Tôi nhớ tới trường hợp không thể nào áp dụng được những điều trên. Khi tôi còn là một thiếu niên, một người hàng xóm của chúng tôi tự tử. Vào thời điểm đó, vẫn có một vấn đề tranh cãi đau xót về chuyện tự tử: Có nên chọ họ đầy đủ nghi lễ của nhà thờ và được chôn trong nghĩa trang của nhà thờ hay không? Linh mục của chúng tôi lúc đó là cha Michael Schatz, một người trầm lặng và khiêm nhường, một Hiến Sĩ dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm, đã nhanh chóng xóa tan mọi băn khoăn và làm điều mà Giê-su hẳn cũng sẽ làm: dành trọn vẹn tình thương của Chúa, của Giáo hội, và cộng đoàn cho người tín hữu đầy tổn thương và gia đình đau khổ của anh. Đó cũng là lý do, bên cạnh các lý do khác, đã thúc đẩy tôi làm linh mục ngày hôm nay. Hành xử của cha đã giúp tôi hiểu trái tim của Chúa và tình thương của con người và giáo hội cần phải như thế nào.
Rốt cuộc, vấn đề này rút lại thành một câu hỏi về Thiên Chúa: Nếu Chúa là tình yêu, tình thương và lòng cảm thông trọn vẹn, nếu Chúa là lòng từ bi vô tận và có thể đi xuống địa ngục, như đức tin Ki-tô của chúng ta đã dạy, thì sẽ là một sự lăng nhục đối với bản chất của Chúa và là một sự lăng nhục đối với đức tin của chúng ta nếu cho rằng một vị Chúa như vậy, đời đời, lại gạt một người nào đó ra khỏi dòng sống bởi vì người đó quá mong manh, quá tổn thương, quá bầm dập, quá sức nhạy cảm, hay có lẽ chỉ đơn giản là quá sức mất cân bằng về sinh hóa tới nỗi trong một giây phút trầm cảm hay sợ hãi đã tự sát. Tận thẳm sâu, chúng ta hiểu điều đó. Chúng ta cần phải nói ra.
Chúng ta đang được an toàn trong vòng tay chở che của Chúa, vòng tay ân cần hơn vòng tay của chính chúng ta. Phải tin tưởng vào Chúa, và không ở đâu điều này lại chân thực và thấm thía hơn trong vấn đề tự tử.