Sợ hãi là nhịp tim của sự bất lực. Đây là lời của Cor de Jonghe. Đúng là thế. Chúng ta có thể giải quyết hầu như mọi chuyện, ngoại trừ nỗi sợ.
Ngòi bút thiêng liêng người Bỉ, Bieke Vandekerkehove, trong quyển Vị của Thinh lặng, đã chia sẻ rất chân thành về những con quái vật quấy rối cô lúc cô mắc một chứng bệnh nan y ở tuổi 19. Cô đưa ra ba con quái vật đã giày vò mình khi cô đối diện với cái chết, buồn sầu, giận dữ, và sợ hãi. Và cô cho rằng chúng ta có thể dễ dàng đối diện với hai con quái vật buồn sầu và giận dữ, hơn là con thứ ba, con sợ hãi. Và đây là suy nghĩ của cô:
Buồn sầu có thể giải quyết bằng những giọt nước mắt, bằng u phiền. Buồn sầu có thể đổ đầy chúng ta như một cốc nước, nhưng cái cốc đó có thể đổ hết đi. Nước mắt có thể xói mòn sự cay đắng của buồn sầu. Chắc chắn, chúng ta đã từng cảm nghiệm được sự giải thoát, sự xoa dịu nhờ những giọt nước mắt. Nước mắt có thể làm mềm đi trái tim và tẩy đi chua cay của buồn sầu, cho dù sự nặng nề vẫn còn đó. Buồn sầu dù có nặng nề đến đâu, vẫn có một cái van để xả ra. Giận dữ cũng thế. Giận dữ có thể được bộc lộ và những bộc phát này giúp giải phóng giận dữ để nó không cuồng phá chúng ta. Chắc chắn, chúng ta cũng từng trải qua chuyện này rồi. Tất nhiên, là khi giải phóng cơn giận, chúng ta cần cẩn trọng đừng để làm tổn thương người khác, và đây là mối nguy luôn tồn tại khi xử lý cơn giận dữ. Với giận dữ, chúng ta có nhiều cách: Có thể hét lên, đánh trống, đấm đạp, cuồng ngôn, vận động cơ thể đến khi mệt lử, đập đồ đạc, thốt ra những lời đe dọa, và xả thịnh nộ vào đủ thứ có thể. Những chuyện này không hẳn là có lý có lẽ, và nhiều thứ cũng bất bình thường, nhưng chúng cho chúng ta một lối thoát. Chúng ta có các công cụ để giải quyết giận dữ.
Nhưng sợ hãi, thì không có một cái van nào để xả. Thường thì chúng ta không có cách nào để làm giảm bớt hay bỏ đi nỗi sợ hãi. Nỗi sợ làm tê liệt chúng ta, và sự tê liệt này cướp đi sức mạnh chúng ta cần có để đương đầu với nó. Chúng ta có thể đánh trống, cuồng ngôn, khóc lóc, nhưng nỗi sợ vẫn còn. Hơn nữa, không như giận dữ, nỗi sợ không thể trút lên một sự vật hay một con người khác, dù cho chúng ta có cố đến đâu chăng nữa. Đến tận cùng, chẳng có cách nào. Cái mà chúng ta sợ, không biến mất theo ý muốn của chúng ta. Chỉ có thể chịu đựng nỗi sợ hãi. Chúng ta phải sống với nỗi sợ cho đến khi nó tự tan biến dần. Có khi, như trong sách Ai Ca, tất cả những gì chúng ta có thể làm, là vùi miệng trong đất cát và chờ đợi. Với nỗi sợ, có lúc tất cả những gì chúng ta có thể làm là chịu đựng.
Chúng ta có học được bài học nào qua điều này?
Nhà thơ người Nga, Anna Akhmatova, đã kể lại lần bà gặp một bà, khi cả hai chờ bên ngoài nhà tù. Chồng của hai người đều đang bị tù dưới chế độ Stalin, và cả hai đều đến để đưa thư và các gói đồ cho chồng mình, giống như nhiều phụ nữ khác. Nhưng khung cảnh khá là vô lý. Tình thế lúc đó thật kỳ quái. Trước hết, các bà không chắc chồng mình có còn sống hay không, và nếu còn sống, thì cũng chẳng biết là các lá thư và gói đồ của mình có được lính gác gởi đến được tay chồng mình hay không. Hơn nữa, lính gác, chẳng vì lý do cả, lại bắt họ phải đợi hàng giờ dưới tuyết lạnh trước khi đến lấy thư và các gói đồ, và có lúc lại còn chẳng thèm tiếp. Vậy mà mỗi tuần, bất chấp sự vô lý này, các bà vẫn đến, vẫn chờ dưới tuyết, chấp nhận sự bất công này, chấp nhận trải qua thời gian chờ đằng đẵng, và cố gắng đưa các lá thư các gói đồ đến cho người thân yêu của mình. Một sáng nọ, khi họ đang chờ đợi, mà chẳng biết phải chờ đến lúc nào, thì một bà nhận ra Akhmatova, và hỏi: “À, chị là nhà thơ. Chị có thể cho em biết chuyện gì đang xảy ra ở đây không?” Akhmatova nhìn bà này và trả lời: “Vâng, em có thể!” Và rồi giữa hai người hé một nụ cười.
Tại sao lại cười? Chỉ là vì, khi có thể định danh chuyện gì đó, thì cho dù có vô lý hay bất công, có bất lực để thay đổi nó, vẫn là chúng ta đang tự do, đang đứng trên nó, biến đổi nó theo cách nào đó. Định danh điều gì đó cho đúng, phần nào giải thoát chúng ta khỏi sự thống trị của nó. Đây là lý do vì sao các chế độ chuyên chế sợ hãi các nghệ sĩ, nhà văn, nhà phê bình tôn giáo, nhà báo, và ngôn sứ. Họ định danh mọi sự. Đây chính là chức năng tận cùng của ngôn sứ. Các ngôn sứ không báo trước tương lai, nhưng là định danh hiện tại cho đúng. Richard Rohr thích nói rằng: Không phải mọi sự đều có thể được sửa chữa và chữa lành, nhưng mọi sự cần được định danh cho đúng. James Hillman thì có cách của mình để thể hiện điều này. Ông đề xuất rằng một triệu chứng đau đớn nhất khi nó không biết mình thuộc về sự gì.
Và điều này có thể hữu ích cho chúng ta để giải quyết nỗi sợ hãi trong đời mình. Nỗi sợ có thể khiến chúng ta vô lực. Nhưng, định danh nó cho đúng, nhận ra triệu chứng này do đâu, và nhìn nhận sự bất lực của chúng ta trong hoàn cảnh đó, có thể giúp chúng ta sống với nỗi sợ đó, sống mà không buồn sầu hay giận dữ.