Nhà báo, nhà hoạt động xã hội Gloria Steinem từng thú nhận, dù chưa khi nào bị dư ký, nhưng bà luôn lo lắng về cân nặng vì gene từ cha mẹ có khuynh hướng làm cho bà có vấn đề về cân nặng. Vì thế bà nói, tôi nghĩ về mình như một phụ nữ mập bây giờ đang mảnh mai. Lời của bà làm cho tôi nhận ra một điều mà tôi đã hiểu sai khi còn đi học.

Trong những năm chủng viện, khi học môn xã hội học về nghèo đói, tôi khó khăn chấp nhận lời giải thích của giáo sư về lý do nghèo đói, nó không phải khi nào cũng là hậu quả của thất bại cá nhân, nhưng thường là sản phẩm của môi trường, rủi ro và chuyện không may mà chúng ta không có quyền chọn lựa. Nhiều người trong lớp tôi không tin chuyện này. Hầu hết chúng tôi xuất thân từ những gia đình kinh tế khiêm tốn và nghĩ rằng mình phải tự lực vươn lên. Tại sao người khác không làm được như vậy?

Thế nên, chúng tôi phản đối: Hồi nhỏ, chúng tôi nghèo. Chúng tôi đã không có tiền. Chúng tôi chẳng có bữa ăn miễn phí ở trường. Chúng tôi phải làm việc để có tiền mua áo quần và sách vở. Cha mẹ chúng tôi chưa hề nhận trợ cấp của ai. Chẳng ai giúp họ, họ tự lo lấy thân. Và chúng tôi, con cái họ, cũng vậy. Chúng tôi phẫn uất với những người nhận nhiều thứ mà chẳng phải làm gì. Đời chúng tôi không có gì miễn phí! Chúng tôi tự kiếm lấy những gì chúng tôi có.

Giáo sư đã trả lời chúng tôi, đây chính là lý do chúng tôi cần một khóa xã hội học về nghèo đói. Ông đã không tin quan niệm rằng chúng tôi lớn lên trong nghèo khổ và đã tự có được nhiều điều bằng công sức khó nhọc của mình. Và ông có một câu gây kinh ngạc: “Các em không ai nghèo khi còn nhỏ, các em là những đứa trẻ giàu lớn lên không có tiền, và cái mà các em đạt được hôm nay không phải là kết quả công sức khó nhọc của các em, mà là kết quả của nhiều vận may”.

Tôi phải mất rất nhiều năm, và phải nhờ cả lời của bà Gloria Steinem, mới nhận ra giáo sư đã nói đúng. Tôi là một đứa trẻ giàu lớn lên trong một gia đình không có tiền. Hơn nữa, phần lớn những gì tôi tin rằng mình đã kiếm được bằng công sức khó nhọc, thật ra là sản phẩm của vận may.

Tôi không chắc xã hội chúng ta nhận ra được như vậy. Có nhiều câu nói sáo rỗng khiến chúng ta tin rằng xuất thân không bao giờ là cái cớ để biện minh cho việc không thành công trong thế giới này, và thành công là cơ hội san sẻ đều cho tất cả mọi người. Và chúng ta đều tiếp thu những lời sáo rỗng đó: Mọi đứa trẻ nghèo đều có thể trở thành tổng thống của đất nước này! Mọi đứa trẻ nghèo đều có thể vào trường Harvard! Bất kỳ ai cũng có thể thành đạt trong cuộc sống! Chẳng có lý do biện bạch gì cho một người khỏe mạnh không có việc làm!

Có thật vậy không? Một phần là đúng. Có những đứa trẻ trong gia đình nghèo khổ đã trở thành tổng thống, hàng ngàn đứa trẻ nghèo đã vào được những đại học tốt nhất, vô số đứa trẻ lớn lên trong nghèo khổ đã thành đạt trong đời, và những người có động lực, không lười biếng, thường đạt được thành công trong đời. Tuy nhiên, sự thật đó còn lâu mới là toàn bộ sự thật.

Điều gì thật sự phân tách giàu nghèo trong thế giới chúng ta? Tất cả mọi người đều có căn cơ bình đẳng sao? Có thật là đức tính tốt mang lại thành công và thiếu đức tính làm chúng ta thất bại sao?

Trong quyển sách bán chạy Tuổi già, Elderhood của mình, bà Louise Aronson đã có lời bình luận về mẹ mình và nữ hoàng Elizabeth, hai người đều già đi thật đẹp đẽ và tuyệt vời. “Họ đều sinh ra với đặc quyền: da trắng, công dân của các nước phát triển, giàu có và có học vấn. Cả hai đều được phúc có bộ gene tuyệt vời, cả hai đều gặp may khi chưa bị tấn công, xâm hại, ung thư hay tổn thương nặng do tai nạn giao thông… Những thuận lợi này đâu phải do đức tính cá nhân. “Thật sự, ý chí và năng lực quyết định khôn ngoan thường là sản phẩm phụ của một cuộc sống đầy phúc phần”. Và cuộc sống của tôi là vậy.

Thành công không chỉ dựa vào đức tính cá nhân, dốc sức làm việc và sự cống hiến tận tâm. Đồng thời, thất bại không hẳn là kết quả của yếu đuối, lười biếng và thiếu nỗ lực. Đâu phải chúng ta sinh ra đều bình đẳng, đều có điểm xuất phát như nhau, đều có tuổi thơ tốt đẹp hay khổ sở, chúng ta đâu có cùng những cơ hội ngang nhau về phát triển và giáo dục, và chúng ta cũng đâu có tỷ lệ ngang nhau về tai nạn, bệnh tật và bất hạnh trong đời. Tuy nhiên, do chúng ta ngây thơ tin rằng may rủi chia đều cho tất cả mọi người, nên chúng ta hấp tấp và tàn ác phân chia kẻ thắng người thua, phán xét thậm tệ những ai mà chúng ta xem là thảm hại, xem họ phải chịu trách nhiệm cho vận rủi của mình, và khen bản thân vì những gì chúng ta đã đạt được như thể mọi công trạng đều nhờ đức tính của riêng mình. Ngược lại, chúng ta thấy những người nghèo chỉ có thể trách bản thân mà thôi. Tại sao họ không thể tự lực vươn lên chứ? Chúng ta đã làm được thế mà!

Nhưng… một vài người trong chúng ta có bộ gene có chiều hướng làm chúng ta mập phì, một vài người trong chúng ta là những đứa trẻ giàu hồi nhỏ không có tiền, và ý chí cũng như năng lực quyết định khôn ngoan thường là sản phẩm của một cuộc sống đầy phúc phần hơn là vấn đề đức tính cá nhân. Nhận thức được như thế có thể giúp chúng ta bớt tàn độc hơn trong phán xét và bớt huênh hoang về thành công của mình.