Gần đây tôi có dự một buổi ở Hội Suy niệm trong Ý thức, với James Finley là diễn giả chính. Ông là chuyên gia trong lãnh vực này. Ông đã có gần bốn mươi năm kinh nghiệm chuyên gia trị liệu, là diễn giả được nhiều nơi mời, đã viết nhiều và sâu sắc về chủ đề chiêm niệm, và khi còn trẻ có theo học mấy năm với Thomas Merton. Ông biết mình nói gì.
Tôi muốn chia sẻ ở đây vài tư tưởng sáng suốt của ông bằng cách sắp đặt những câu then chốt, mỗi câu, khi đứng riêng tự nó đã có một giá trị, nhưng khi phối với nhau, cũng thể hiện một vài ánh sáng trên bản chất Thiên Chúa, bản chất chiêm niệm và các đấu tranh của chúng ta trong đức tin cũng như chiêm niệm.
Đây là một vài quan điểm của Finley:
Các nhà thần nghiệm là chứng nhân cho bản chất thiêng liêng hoàn hảo của hiện hữu con người, cho sự việc, rằng chúng ta được yêu thương vô bờ và được tồn tại nhờ tình yêu, có những lúc chúng ta thoáng thấy và cảm nghiệm điều này trong đời mình. Nhà thần nghiệm là người đã được biến đổi nhờ trải nghiệm đó.
Chúng ta lo lắng là do không cảm nhận được tình yêu của Chúa ở trong lòng mình.
Tại sao chúng ta mất quá nhiều giờ để tách mình ra khỏi gia tài phong phú của cuộc sống mình, như thử mình là người ngoài cuộc, đứng bên ngoài căn nhà nhìn vào qua cửa sổ? Hoặc tệ hơn, tại sao chúng ta ở trong nhà nhưng lại rơi vào trạng thái tâm thần, nghĩ mình đang sống ở ngoài? Chúng ta phải làm gì để tỉnh khỏi cơn mê này trước khi từ giã cuộc đời?
Đời sống chúng ta thường xuyên chịu áp lực, do đó nhiệm vụ mãi mãi sẽ là: Giữa cuộc sống đầy áp lực của mình, làm sao chúng ta tặng cho mình một tình yêu, để tình yêu đó ôm trọn chúng ta? Chúng ta không thể tạo ra giây phút ân sủng, nhưng có thể làm để đặt mình vào vị thế mà ở đó, chúng ta ít kháng cự nhất, để từ đó giây phút ân sủng đó có thể chiếm trọn chúng ta.
Suy niệm trong ý thức không khó tìm, nhưng đừng chạy trốn nó mới là chuyện khó.
Suy niệm trong ý thức là thấy sự việc theo bản chất của nó. Là nghỉ ngơi trong Chúa. Đi sâu vào suy niệm trong ý thức là ngồi như “đứa trẻ chưa biết gì,” trong một khoảng thời gian “vô niệm.”
Khi ngồi yên chúng ta học được an bình. Chiêm niệm tùy thuộc vào lòng trung tín. Nếu bạn trung thành với việc bạn làm, thì việc bạn làm sẽ trung thành với bạn.
Có một vài nguyên tắc đơn giản cho việc thực hành chiêm niệm. Ngồi yên. Ngồi thẳng. Nhắm hay khép hờ mắt. Thở chậm sâu tự nhiên. Để tay thoải mái. Rồi sẵn sàng, mở rộng lòng, và tỉnh thức: Đừng bám cũng như đừng loại bất kỳ điều gì đến trong suy nghĩ của bạn. Khi một suy nghĩ xuất hiện, cứ để nó xuất hiện, nếu nó kéo dài, cứ để nó kéo dài, nếu nó qua đi, cứ để nó qua đi, nhưng đừng để ý nghĩ đó kéo bạn theo. Cử động chầm chậm và nhẹ nhàng trong khi cầu nguyện – đừng thô bạo với sự yên bình của cơ thể.
Một bài tập nên theo: Vào phòng ngay trước khi mặt trời lặn, lý do duy nhất là để được ở đó với Chúa khi hoàng hôn xuống. Đừng vướng bận bất kỳ việc gì trong đầu trừ việc nhìn ráng chiều. Ngồi đúng một giờ trọn. Ngồi trong sức mạnh tối thượng của buổi cuối ngày. Ngồi trong sự tuân phục triệt để ánh sáng chập choạng. Bạn sẽ biết được cô tịch.
Những người thường xuyên cầu nguyện thì không cầu nguyện giỏi… nhưng họ trở nên người nhờ cậy Thiên Chúa để làm cho lời cầu nguyện của họ được nên tốt. Và những người thường xuyên cầu nguyện, sẽ như tất cả những người khác, tiếp tục trải nghiệm nỗi buồn và cái chết, nhưng nỗi buồn và cái chết không còn là bạo chúa hành hạ họ.
Có một sự khác biệt giữa “dịu ngọt” tâm hồn và “an ủi” tâm hồn. “Dịu ngọt” là cảm giác tốt đẹp khi cầu nguyện, “an ủi” là cảm nhận tâm hồn bạn được mở rộng (và vì thế có thể đau khổ).
Tôi trích lại đây lời của Gabriel Marcel: Chúng ta biết mình yêu ai đó khi thoáng thấy nơi người đó một điều gì quá đẹp đến có thể chết được.
Còn thánh Têrêxa Avila nói:
– Khi bạn chạm đến mức cao nhất của trưởng thành nhân bản, bạn sẽ chỉ có một câu hỏi: Tôi sẽ có ích đến đâu.
– Tình yêu nghĩa là hai người ngồi trong phòng và nói chuyện với nhau. Dù cả hai đều chẳng biết nói gì, nhưng đều nhận biết nhau.
Tại sao Phật tử nói về “vô niệm” khi nói đến quan niệm về Thượng đế? Họ nói như vậy để nhắc đến sự tối đơn giản của Thượng đế, nghĩa là một Thượng đế có trước tất cả mọi dấu hiệu nhận biết về Ngài. “Vô niệm” là đứng trước sự khôn tả thấu của Thiên Chúa, hoàn toàn bị chiếm trọn bởi một sự quá trọn vẹn.
Làm sao chúng ta có thể giúp đỡ cho những ai đang đau khổ, nếu chúng ta cảm thấy mình bất lực không làm được chuyện đó? Khi người ta chia sẻ sự yếu đuối mong manh và nỗi đau của mình với người biết lắng nghe thật sự, thì chính người lắng nghe đang hé mở “viên ngọc quý” trong chính tâm hồn họ.
Và vẫn còn nữa:
Lòng quảng đại của Đấng Vô Hạn là vô hạn. Giữa những chuyện khác, lời này có nghĩa chúng ta phải trao ban chính mình cho một sự chính truyền quảng đại.
Không để cho Thiên Chúa biết mình là giữ quá nhiều chuyện cho riêng mình!
Với Thiên Chúa, chỉ một chút chân thành là đi được cả một con đường dài!