Tôi cho rằng, với nhiều người trong chúng ta, cứ thêm tuổi lại càng khó cảm được không khí Giáng Sinh. Điều duy nhất còn nồng ấm trong lòng chúng ta là những ký ức. Ký ức về thời thơ ấu, khi chúng ta ngây thơ hơn, khi ánh đèn và thánh ca, cây thông Noel và những món quà vẫn còn khiến chúng ta phấn khích. Nhưng giờ chúng ta đã là người lớn, và dường như thế giới của chúng ta cũng vậy. Nhiều niềm vui Giáng Sinh giờ bị đè nén xuống dưới những thứ khác, đó là chưa nói đến chủ nghĩa tiêu thụ đang thể hiện ngày càng quá đáng trong các dịp lễ. Từ cuối tháng 10, chúng ta đã thấy các trang trí Giáng Sinh, đến tháng 11 đã thấy ông già Noel, và tháng 12 là liên tiếp các buổi tiệc Giáng Sinh, và đến 25-12, chúng ta đã mệt lử cả rồi. Vậy làm sao ta thực sự có tinh thần cho ngày Giáng Sinh đây?
Thật không dễ gì, và chủ nghĩa tiêu thụ quá đáng không phải là chướng ngại duy nhất. Thời điểm còn trầm trọng hơn. Liệu giữa nhiều chuyện hung bạo của năm này, chúng ta còn có thể hâm nóng một mùa lễ hội tưng bừng không? Giữa cảnh ngộ của hàng triệu người tị nạn ngay nay đang ra đi mà không biết có nơi nào trú chân, liệu ta có thể tiếp tục lãng mạn hóa cuộc hành hương của một đôi vợ chồng nghèo cách đây hai ngàn năm hay không? Liệu nói về hòa bình có còn ý nghĩa gì sau rất nhiều cuộc bầu cử đã phân cực hóa đất nước chúng ta và khiến cho hàng triệu người không thể nói chuyện thoải mái với hàng xóm của mình hay không? Chính xác thì hòa bình và thiện chí là gì trong thế giới ngày nay?
Nhìn vào gia đình mình, lại có nhiều bi kịch riêng của chúng ta, như cái chết của người thân, hôn nhân tan vỡ, gia đình ly tán, sức khỏe suy sụp, mất việc, mất thời gian, mệt mỏi và chán nản. Làm sao chúng ta có thể mừng lễ hạ sinh của một Đấng Cứu Thế trong một thế giới có vẻ không được cứu rỗi, khi mà lòng chúng ta cảm thấy nặng nề và kiệt lực? Câu chuyện Giáng Sinh không dễ đáng tin với chúng ta nữa. Làm sao chúng ta giữ niềm tin rằng Thiên Chúa từ trời xuống, mang thân xác con người, chinh phục mọi đau khổ và biến đổi dòng lịch sử nhân loại?
Thật không dễ gì để tin khi chúng ta đang sống giữa mọi điều hiển nhiên dường như đi ngược lại Giáng Sinh. Nhưng nếu hiểu đúng, chúng ta mới thấy Giáng Sinh đáng tin dường nào. Giáng Sinh không phải là một sự kiện kiểu phép màu, một câu chuyện Cô bé lọ lem. Đúng hơn Giáng Sinh tập trung nói về sự hạ mình, đau đớn và bị buộc phải chạy trốn, một chuyện mà hàng triệu người tị nạn và nạn nhân của những sự bất công trên thế giới ngày nay đang phải trải qua. Giáng Sinh phản chiếu sự đấu tranh trong thế giới và trong những tâm hồn rã rời của chúng ta nữa.
Nhập thể chưa phải là Phục Sinh. Xác phàm trong Chúa Giêsu, cũng như trong chúng ta là yếu đuối, dễ bị tổn thương, bất toàn, thiếu thốn, đau đớn, đầy giới hạn và đau khổ. Giáng Sinh mừng kính sự hạ sinh của Chúa Kitô vào trong những sự này, chứ không phải là xóa bỏ những sự này. Chúa Kitô biến đổi giới hạn, sự dữ, tội lỗi và đau đớn. Nhưng không xóa bỏ chúng. Vì thế, chúng ta có thể mừng Chúa Kitô hạ sinh mà không chối bỏ hay hạ thấp sự dữ thực sự đang tồn tại trong thế giới và những nỗi đau trong đời chúng ta. Giáng Sinh là một thách thức muốn chúng ta ăn mừng khi còn đang đau đớn.
Thiên Chúa nhập thể mang tên Emmanuael, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta.” Điều này không có nghĩa là chúng ta mở hội ngay lập tức. Thế giới của chúng ta vẫn còn thương tích, chiến tranh, bạo lực, ích kỷ, và cay đắng. Tâm hồn chúng ta vẫn còn bị tổn thương. Những đau đớn dai dẳng. Với một Kitô hữu, cũng như với tất cả mọi người khác, sẽ vẫn luôn bất toàn, bệnh tật, chết chóc, vẫn luôn chịu những tổn thương vô lý, những giấc mơ tan vỡ, lạnh lẽo, đói khát, cô đơn cay đắng và một cuộc đời không trọn. Thực tế có thể rất khốc liệt, và Giáng Sinh không phải là đòi hỏi chúng ta phải cố gắng tạo một niềm tin giả tạo. Nhập thể không hứa hẹn thiên đàng trên trần gian. Mà là hứa hẹn thiên đàng trên trời. Còn trên trái đất này, Giáng Sinh là một lời hứa khác kia, là bảo đảm rằng Thiên Chúa hiện diện trong cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện này biến đổi cuộc đời. Bởi khi biết Thiên Chúa ở cùng mình, là chúng ta thêm sức mạnh để từ bỏ cay đắng, để tha thứ, và ra khỏi tâm thức yếm thế chua cay. Khi Thiên Chúa ở cùng chúng ta, thì đau đớn và hạnh phúc không loại trừ lẫn nhau, và những thống khổ cuộc đời không loại trừ ý nghĩa và niềm vui sâu xa.
Nói theo lời Avery Dulles là: “Nhập thể không cho chúng ta một nấc thang để thoát khỏi những tối tăm cuộc đời và leo lên những đỉnh cao thiên đàng. Nhập thể cho chúng ta có thể đi sâu vào trung tâm trần gian này, và thấy trần gian đang thấp thoáng hình ảnh Thiên Chúa.” George Orwell đã tiên đoán rằng thế giới chúng ta cuối cùng sẽ chìm trong bạo tàn, tra tấn, mơ hồ và tinh thần nhân văn sụp đổ. Điều này đúng nếu xét theo mức độ nào đó. Chúng ta còn lâu mới được bình an và hạnh phúc. Chúng ta vẫn chìm sâu trong cuộc sống lưu đày.
Nhưng chúng ta có thể thật tâm mừng lễ Giáng Sinh năm nay. Có lẽ chúng ta sẽ không cảm nhận sự phấn khích như thời thơ ấu, lúc còn háo hức với những ánh đèn, thánh ca, những món quà và món ăn đặc biệt. Nhiều thứ đã không còn gây phấn khích cho chúng ta nữa rồi. Nhưng một sự quan trọng vẫn còn, cụ thể là ý thức rằng Thiên Chúa ở với chúng ta trong đời, trong những niềm vui cũng như nỗi buồn của chúng ta.
Ngôi Lời đã nên xác phàm. Đây là chuyện không thể tin nổi, một chuyện mà chúng ta phải ăn mừng với những ánh đèn và bài ca hân hoan. Nếu hiểu được ý nghĩa của Giáng Sinh, thì miệng chúng ta sẽ tự nhiên cất lên những bài thánh ca hân hoan.