Năm mươi năm về trước, Kay Cronin viết quyển Thập giá nơi vùng Hoang vu, bà kể chuyện năm 1847, một nhóm nhỏ nhà truyền giáo dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ, từ Pháp đến vùng Tây Bắc Mỹ, sau một vài sự cố cay đắng ở tiểu bang Washington và Oregon, họ rời vùng ven biển để lên Canada và giúp thành lập nhà thờ Công giáo La Mã ở Vancouver và nhiều vùng quan trọng khác ở bang British Columbia, cực tây Canada.
Chắc chắn với đôi chút quá lý tưởng hóa và thánh hóa, bà mô tả họ là những người rắn rỏi, hết sức tận tâm, hoàn toàn không quan tâm đến sự thoải mái và sức khỏe của mình. Xa quê hương yêu dấu khi còn trẻ, biết rằng sẽ có thể không bao giờ gặp lại người thân, họ chấp nhận sống cuộc sống đầy nguy hiểm, từ yếu tố khắc nghiệt của nơi sinh sống đến mối đe dọa mạng sống từ các bộ lạc thổ dân, các thế lực chính quyền khác nhau cũng như lính đánh thuê không tín nhiệm họ vì đủ mọi lý do. Họ bị đe dọa nhiều lần, bị đuổi ra khỏi nhiều sứ mạng khác nhau, vài người trong số họ bị bắt cóc một thời gian, nhiều ngôi nhà và trụ sở của họ bị thiêu rụi. Họ luôn luôn sống trên bờ vực của nguy hiểm, không bao giờ được an toàn, không bao giờ dứt đe dọa.
Hơn nữa, họ không màng đến việc làm cho mình được tiện nghi. Họ sống trong các túp lều bằng gỗ và đất bùn, ăn thức ăn sơ sài, đôi khi chẳng có gì ăn. Gần như không biết đến bác sĩ là ai, hiếm khi có được thức ăn vệ sinh, thường khi đi đây đó, họ sống cảnh màn trời chiếu đất, không nơi che mưa, che lạnh, vì sống như thế nên nhiều người bị thấp khớp, bị đau yếu khi còn quá trẻ. Thêm nữa, họ không bao giờ bám gốc ở một nơi, không nơi nào họ có được tiện nghi, có bạn bè hay có người quen để giúp đỡ, để có tiện nghi. Họ có đức tin, có Thiên Chúa, có nhau và một chút gì đó.
Nhưng họ có thể vượt qua tất cả, không than thân trách phận. Họ viết những bức thư đầy tích cực và lý tưởng gởi cho dòng mẹ ở Pháp và cho gia đình, họ có quyển sổ ghi chép công việc, gần như họ chỉ viết toàn chuyện vui, những thành công khiêm tốn sứ vụ của họ, hiếm khi họ than vãn về những khó khăn nhà cửa, thức ăn hay tình trạng nay đây mai đó của họ.
Cũng cùng một dòng truyền giáo Hiến sĩ Đức Mẹ, thành viên cùng một gia đình tôn giáo như họ, dĩ nhiên tôi rất tự hào khi đọc câu chuyện của họ. Tôi tự hào về tất cả những gì họ làm, đúng là thế. Họ đã bỏ mình cho đến chết.
Nói vậy nhưng khi đọc chuyện của họ, tôi thấy mình không xứng đáng. Nhìn sự hy sinh tiện nghi tận căn của họ, tôi thấy như tôi đang nhìn vào tấm gương, nó làm cho tôi bị chấn động mạnh và xấu hổ. Nhìn lại mình, tôi thấy tôi mang chứng nghiện tiện nghi và an toàn. Tôi không muốn trải qua những gì họ đã trải qua: Tôi muốn có thức ăn bổ dưỡng, nước sạch, vệ sinh đầy đủ, nghỉ ngơi thường xuyên, có bác sĩ tốt, cập nhật tin tức, được du lịch, liên lạc thường xuyên với gia đình, bạn bè, thỉnh thoảng đi tĩnh tâm, nghỉ hè, bồi dưỡng giáo dục, và nhất là được an toàn. Tôi muốn là một nhà truyền giáo tận tâm nhưng tôi cũng muốn được thoải mái và an toàn.
Một điều an ủi đôi chút cho tôi là thời nay khác nhiều so với thời các nhà truyền giáo Pháp ngày xưa khi họ đặt chân đến vùng Tây Bắc giáp Thái Bình Dương này. Ít nhất là trong một thời gian dài, tôi sẽ không làm việc được nếu tôi không có chỗ ở, thức ăn, vệ sinh đàng hoàng, được học hỏi và tiếp nhận thông tin, được nghỉ ngơi thường xuyên, được giải trí lành mạnh. Đời tôi và sứ mạng của tôi là cuộc chạy đua đường dài, không phải chạy nước rút, nên chăm sóc thích đáng bản thân là chuyện tốt chứ không phải chuyện xấu.
Dù sao lý luận thì dễ, nghiện tiện nghi và an toàn cũng dễ. Khi suy nghĩ về sứ mạng truyền giáo của mình, thánh Phaolô cho biết, nhiều ít, ngài thấy thoải mái với những gì ngài được đối xử. Tôi cũng thích nghĩ như thế về cuộc sống riêng của tôi, và nó cũng đúng cho hầu hết chúng ta, càng sống thoải mái chừng nào thì chúng ta càng có xu hướng tự bảo vệ mình trong sự sung túc chừng đó.
Thomas Merton đã nói, điều ông sợ trong đời không phải là phản bội tận cùng ơn gọi của mình, mà là một chuỗi “những phản bội nho nhỏ” đưa đến một dạng thức khác của sự chết. Và đó cũng là hiểm họa tôi e sợ, cho tôi và cho cả nền văn hóa chúng ta.
Là một đứa con của nền văn hóa này, tôi tin rằng, chúng ta dễ dàng bị nghiện sự tiện nghi và an toàn. Một khi đã lớn lên và quen với sự an toàn, thức ăn ngon, nước sạch, vệ sinh đầy đủ, bác sĩ giỏi, thuốc men tốt, thường xuyên được giải trí, được cập nhật thông tin lập tức, giao thiệp thường xuyên với người thân yêu, được giáo dục không giới hạn, được có dịp phục hồi sinh lực, cũng như các tiện nghi tuyệt vời khác, lúc đó mối nguy hại sẽ hiện ra lớn hơn, đến mức chúng ta sẽ không dễ, hay hoàn toàn không thể bỏ được bất kỳ cái nào trong các thứ trên. Hậu quả là, cuối cùng chúng ta vẫn là người tốt, không có hành động phản bội lớn nào, nhưng cũng không có hy sinh nào lớn hết, chẳng những không thể từ bỏ đời mình cho bạn hữu mà còn không thể từ bỏ được ngay cả sự tiện nghi thoải mái của mình nữa.