Chúng ta tất cả đều sợ phán xét. Chúng ta sợ bị nhìn thấy với tất cả những gì bên trong lòng mình, mà một số người không muốn phơi bày chúng ra ánh sáng. Ngược lại chúng ta cũng sợ bị hiểu lầm, không được nhìn thấy dưới ánh sáng đầy đủ, không được biết chúng ta là ai. Và những gì chúng ta sợ nhất, có thể là phán xét cuối cùng, mặc khải tối hậu về chính con người mình. Dù chúng ta có đạo hay không, đa số chúng ta sợ một ngày phải đứng trước mặt Đấng Tạo hóa, ngày phán xét. Chúng ta sợ trần trụi trước ánh sáng rọi sáng, nơi không có gì che giấu được và mọi bóng tối bên trong chúng ta bị đưa ra ánh sáng.
Điều làm chúng ta tò mò về những nỗi sợ hãi này là chúng ta sợ con người thật của mình bị lộ ra, cũng như sợ con người thật của chúng ta không được biết đến. Chúng ta sợ ngày phán xét ngay cả khi chúng ta mong đợi nó. Có lẽ đó là do chúng ta đã biết được phán quyết cuối cùng của mình sẽ ra sao và nó sẽ diễn ra như thế nào. Có lẽ chúng ta cũng đã có trực giác khi chúng ta trần trụi trước ánh sáng của Chúa, chúng ta rồi cũng được hiểu và ánh sáng mặc khải không những chỉ phơi bày các thiếu sót, nhưng cũng còn cho thấy các đức tính của chúng ta.
Trực giác này được đặt một cách thiêng liêng trong chúng ta và phản ánh thực tế cho sự phán xét cuối cùng của chúng ta. Khi tất cả những bí mật của chúng ta được biết, lòng tốt thầm kín của chúng ta cũng được biết đến. Ánh sáng phơi bày tất cả. Chẳng hạn như thi sĩ, văn sĩ viết sách thiêng liêng nổi tiếng Wendell Berry đã thấy trước phán xét cuối cùng: “Tôi có thể hình dung người chết thức dậy, choáng váng bởi thứ ánh sáng không bóng tối, đó là lần đầu tiên họ biết thứ ánh sáng này. Một ánh sáng tàn nhẫn cho đến khi họ chấp nhận lòng thương xót của nó; qua ánh sáng này họ vừa bị lên án, vừa được cứu chuộc. Đó là Địa ngục cho đến khi nó thành Thiên đàng. Khi thấy mình trong ánh sáng này, nếu họ muốn, họ sẽ thấy mình thất bại như thế nào với công lý duy nhất là yêu thương. Và dù trong đau khổ khủng khiếp của ánh sáng rọi sáng này, khi thấy chính mình trong đó, họ thấy sự tha thứ và nét đẹp của nó và họ được an ủi.”
Theo nhiều cách, hình ảnh này tóm gọn điều đó một cách tuyệt vời: khi, một ngày, chúng ta ở trong ánh sáng trọn vẹn của Chúa, tâm hồn trần trụi, tinh thần không đề kháng, với tất cả những gì chúng ta chưa bao giờ lộ ra, theo tôi nghĩ, ánh sáng này cũng như một ít địa ngục trước khi nó biến thành thiên đàng. Nó sẽ phơi bày những gì là ích kỷ, là không trong sạch trong con người chúng ta và tất cả các cách chúng ta làm tổn thương người khác trong ích kỷ của mình, và cả những gì nó cho thấy ngược lại, tính vị tha và tinh tuyền trong lòng chúng ta. Với phán xét này kéo theo nó một loại lên án, dù cùng lúc nó cũng cho thấy sự thông hiểu, tha thứ và an ủi mà chúng ta chưa bao giờ thấy trước đây. Phán xét này sẽ là, như tác giả Berry gợi ý, trong giây lát là cay đắng nhưng cuối cùng là được an ủi.
Sắc thái duy nhất tôi muốn thêm vào ý tưỏng của Berry là ý tưởng mượn của thần học gia Karl Rahner. Trí tưởng tượng của Rahner về sự phán xét của Chúa sau khi chết thì cũng tương tự như của Berry, ngoại trừ theo Rahner, tác nhân phán xét không phải là ánh sáng của Chúa, nhưng là tình yêu của Chúa. Đối với Rahner, ý tưởng không hẳn chúng ta ở trong ánh sáng không ngớt làm chúng ta đau đớn và xuyên qua chúng ta, nhưng đúng hơn chúng ta được một tình yêu vô điều kiện ôm lấy, một tình yêu thông hiểu và êm ái đến nỗi bên trong nó, chúng ta biết ngay tất cả những gì là ích kỷ, là không tinh tuyền trong chúng ta, cũng như chúng ta biết tất cả những gì là tinh tuyền và vị tha trong chúng ta. Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu có thói quen xin Chúa với các lời đơn sơ của ngài: “Xin Chúa phạt con bằng một nụ hôn!” Ngày phán xét sẽ chính xác như vậy. Chúng ta sẽ “bị phạt” bằng nụ hôn, bằng cách chúng ta được yêu thương, chúng ta đau đớn nhận ra tội của mình, cũng như chúng ta biết mình tốt và đáng yêu.
Đối với người công giáo chúng ta, tôi nghĩ khái niệm phán xét này cũng là những gì chúng ta nghe nói về lò luyện tội. Lò luyện tội không phải là nơi tách biệt khỏi thiên đàng, nơi chúng ta dành thời gian để ăn năn tội của mình và thanh tẩy chúng. Trái tim chúng ta được thanh tẩy bằng cách được Chúa ôm ấp, chứ không phải xa Chúa một thời gian để xứng đáng nhận vòng ôm này. Như Thánh Têrêxa ngụ ý, hình phạt cho tội chúng ta nằm trong chính vòng ôm này. Phán xét cuối cùng diễn ra qua vòng ôm vô điều kiện bởi Tình yêu. Điều này xảy ra khi chúng ta biết mình tội lỗi và ích kỷ, vòng ôm thuần khiết lòng tốt và tình yêu sẽ làm chúng ta đau đớn nhận ra tội lỗi của mình và đó sẽ là địa ngục cho đến khi nó thành thiên đàng.
Như lời một bài hát của cố nhạc sĩ người Canada Leonard Cohen: đây là cánh cổng của lòng thương xót, trong khoảng không gian võ đoán và không ai trong chúng ta xứng đáng với sự tàn nhẫn hay ân sủng. Ông có lý. Không ai trong chúng ta xứng đáng với sự tàn nhẫn hay ân sủng mà chúng ta trải nghiệm ở thế gian này. Và chỉ có phán xét cuối cùng của chúng ta, vòng ôm của tình yêu không điều kiện, nụ hôn của Chúa mới làm cho chúng ta ý thức vừa sự tàn nhẫn vừa lòng tốt của chúng ta như thế nào.