“Nhà là nơi chúng ta bắt đầu từ đó.” T.S. Eliot đã viết như thế và câu này nói lên một cảm nghiệm vừa tự do vừa đau lòng. Phần tôi, tôi xin dẫn ra một câu chuyện của tôi:
Tôi lớn lên trong cộng đồng nhập cư thế hệ thứ hai ở vùng đồng cỏ Canada. Thế hệ ông bà của tôi là những người nhập cư đầu tiên ở vùng đất này và họ tự tay dựng lên tất cả mọi sự, từ căn nhà cho đến ngôi trường, tất cả đều xây từ những gì họ kiếm được, nằm cạnh các con đường hay đường ray xe lửa. Họ làm tốt nhất với những gì có trong tay, trong đầu không mảy may tơ tưởng xây một cái gì bền vững lâu dài.
Vì thế có nhiều căn nhà họ xây mà tôi thấy lúc còn nhỏ, giờ đã biến mất. Trường cấp 2 của tôi đã đóng cửa từ khi tôi còn là sinh viên. Bây giờ cả tòa nhà và khuôn viên đã biến mất. Thay vào đó là những cánh đồng lúa mì, chẳng ai biết trên mảnh đất này đã từng có một ngôi trường. Trường cấp 3 của tôi cũng thế. Nó cũng đã biến mất, cả tòa nhà và khuôn viên cũng đã thành những cánh đồng. Thật sự là, toàn bộ thị trấn đã biến mất.
Sau cấp 3, tôi theo học ở hai chủng viện, và cả hai đều chịu cùng chung số phận, cả hai đều bị bỏ trống nhiều năm rồi bị thiêu rụi. Trường thần học mà tôi đã dạy ở đó suốt 15 năm đầu đời linh mục đã bị phá sập để làm xa lộ, và bây giờ có những dãy nhà mới ở phía đường bên kia. Nông trại nơi tôi lớn lên vẫn còn, dù căn nhà của tôi bây giờ đã bị bỏ hoang, các cánh đồng đã được cho thuê. Chẳng còn ai trong gia đình tôi còn sống ở đó nữa. Có một điều mang tính biểu tượng, là công trình duy nhất từ những ngày thơ ấu của tôi vẫn còn được sử dụng cho đến bây giờ, đó là ngôi thánh đường. Tất cả mọi công trình khác trong ký ức tuổi thanh thiếu niên của tôi đều đã biến mất. Xét theo những gì đã nuôi dưỡng tôi thưở bé, thì tôi đúng là con mồ côi.
Nhưng, tôi không phải là người duy nhất như thế. Thời này, tất cả chúng ta, cách này cách khác, đều là con mồ côi. Từ năm 1970, Alvin Toffler, trong quyển sách Chấn động Tương lai của mình, đã đưa ra sự chóng qua và nhất thời đang ngày càng có vai trò lớn hơn trong việc định hình tâm trí chúng ta, khi sự vật, con người, nơi chốn, kiến thức, các tổ chức đang lướt nhanh trong cuộc đời của chúng ta. Ộng đã viết điều này từ lâu, trước khi công nghệ thông tin tác động triệt để trên cuộc sống chúng ta. Sự chóng qua và nhất thời mà Toffler mô tả vào năm 1970 đã bị hạ giá và trở nên nhỏ bé trước công nghệ thông tin ngày nay. Theo tiêu chuẩn tốc độ đổi thay ngày nay, thì tốc độ thay đổi sự vật, con người, nơi chốn, kiến thức và các tổ chức của thâp niên 1970 chỉ là rùa bò. Ngày nay, càng ngày càng có nhiều công trình thời niên thiếu của chúng ta bị biến mất nhiều hơn nữa.
Vậy thì chúng ta nói được gì về điều này? Liệu sự chóng qua này nói lên điều gì về cuộc sống và thời đại của chúng ta? Nó tốt hay xấu?
Tôi ngờ rằng chúng ta vẫn còn đang tìm tòi. Sự chóng qua và nhất thời không phải là xấu, dù chúng cũng không phải là những điều tốt thiết yếu. Với tôi, có vẻ như, chúng là một gói hỗn hợp, một phúc lành phức hợp. Xét tích cực, chúng cho chúng ta một sự tự do mới. Trong nhiều thế kỷ, con người bị giam hãm quá đỗi trong sự trường tồn ngột ngạt của các sự vật, nơi chốn, và kiến thức của thời đại mình. Họ có sự ổn định, nhưng lại kèm theo tính dửng dưng lạnh lẽo. Tất cả mọi thứ đều được giữ chắc, nhưng quá chắc, có quá ít cánh cửa được mở ra. Sự chóng qua và nhất thời trong cuộc sống cho chúng ta tự do bằng cách cho chúng ta để mình được nuôi dưỡng và hưởng phúc nhờ cội rễ của mình, cho dù cội rễ này không ràng buộc chúng ta.
Nhưng như thế cũng có một chuyện đau lòng. Cứ liên tục thấy những gì quen thuộc biến mất sẽ làm chúng ta đau lòng, đúng là vậy. Về thăm mái nhà xưa, trường học cũ, hàng xóm cũ, hay lần giở những trang sách một thời nuôi dưỡng chúng ta là một chuyện lành mạnh. Vì thế mất đi các sự vật, nơi chốn thời niên thiếu là một chuyện đau lòng.
Nhưng nỗi đau của sự chóng qua và nhất thời trong cuộc sống cũng có thể giúp chúng ta hướng về những gì không thay đổi, cụ thể hơn, đó là đức tin, đức cậy, và đức mến. Các nhân đức này chẳng bao giờ bị san bằng, bị thay thế bởi những cánh đồng, bị hỏa thiêu, bị sung công và phá sập để làm xa lộ, hay bị biến thành lỗi thời. Kinh thánh cho chúng ta thấy, trong thế giới này, chúng ta chẳng có thành đô nào vĩnh cửu, nhưng chúng ta được gắn kết không phân ly với những sự trường tồn bất diệt.
Hàng thế kỷ trước Công nguyên, tác giả sách Giảng viên, Qoheleth đã cảnh báo chúng ta rằng mọi thứ đời này là phù hoa: “Phù hoa nối tiếp phù hoa, hết thảy là phù hoa.” Nhưng ông dùng từ “phù hoa” (vanity) với một nghĩa khác nghĩa chúng ta ngày nay. Với ông, vanity không có nghĩa là “phù phiếm,” một sự ái kỷ tâm lý hay một ưu tư không lành mạnh về hình dáng bên ngoài của chúng ta. Đúng hơn, với ông, “phù hoa” đơn giản chỉ là hư ảo, màn sương đang trôi, sự chóng qua, nhất thời, một sự gì đó biến mất quá nhanh.
Cảm nghiệm cái gì cũng chóng qua có thể làm chúng ta đau lòng, nhưng nó cũng là động lực để cho chúng ta tìm kiếm sâu hơn bên trong tất cả những thứ nhất thời này, để từ đó tìm được một điều trường tồn bất diệt.