Trong tự truyện của mình, Nikos Kazantzakis kể lại câu chuyện đằng sau tác phẩm nổi tiếng của ông, Zorba the Greek (tên sách tiếng Việt: Alexis Zorba – con người hoan lạc, dịch giả Dương Tường). Zorba một phần là hư cấu, một phần là chuyện thực.

Sau khi cố gắng bất thành để viết một cuốn sách về Nietzsche, Kazantzakis bị sụp đổ tinh thần và trở về đảo Crete, quê hương của ông để  dưỡng sức. Ở đó ông gặp một con người với nguồn năng lượng và sức sống không thể nào ngờ nổi. Nhân vật Zorba trong cuốn sách trên là dựa vào cuộc đời của người đàn ông này; chưa bao giờ trong đời Kazantzakis bị cuốn hút như vậy trước sức sống và cuộc đời của một con người khác. Nhưng cửa tử đã không chiều lòng người. Cuối cùng Zorba chết, và cái chết của Zorba đã làm Kazantzakis tan vỡ mọi ảo mộng: Làm thế nào một sức sống phi thường như vậy lại có thể chết? Mà điều gì xảy ra với sức sống đó? Có phải nó đơn thuần là biến mất đi như thể chưa từng bao giờ tồn tại? Khi cái chết đến, điều gì xảy ra với tất cả những sắc màu, năng lượng, sức sống, tình yêu và óc hài hước hiện thân nơi con người?

Kazantzakis viết Zorba the Greek là nhằm cố gắng đem lại phần nào sự bất tử cho cái nguồn năng lượng tuyệt vời mà một người đàn ông phi thường hiện thân. Zorba không thể nào chết. Điều đó tạo nên một tác phẩm lớn và một bộ phim lớn, nhưng liệu điều đó có thật sự tạo nên sự bất tử? Có phải việc đơn thuần nhớ về một ai đó hay ăn mừng cuộc sống của người đó là khiến người đó vẫn còn sống? Và khi một người chết đi, điều gì xảy ra với nguồn năng lượng, mạch sống, tình yêu, sắc màu và óc hài hước tuyệt vời và độc nhất vô nhị hiện thân nơi một người trong suốt cuộc đời họ sống?

Cách đây vài ngày, tôi tham dự một lễ cầu hồn cho một phụ nữ tôi chưa gặp bao giờ. Sau buổi lễ cầu nguyện chính thức, người thân trong gia đình chia sẻ vài ký ức về người đã khuất. Những chuyện kể đó tuyệt vời, nồng nàn, dí dỏm, đầy màu sắc và rất hài hước. Khi họ kể những câu chuyện đó, bà như sống lại trước mắt mọi người có mặt trong nhà thờ. Tất cả chúng tôi ai cũng mỉm cười và cười to, và nỗi buồn rầu trước sự ra đi của bà trong giây lát (và có lẽ là mãi mãi) được khỏa lấp vì màu sắc và sức sống của bà lần nữa lại sống động đối với chúng tôi. Mà chúng tôi không chỉ nhớ đến bà ấy. Chúng tôi lúc đó nhắc với nhau rằng bà ấy vẫn còn bên chúng tôi. 

Điều đó cũng đúng với tất cả những ai đã chết. Họ vẫn còn ở bên chúng ta không chỉ trong ký ức. Và không phải chỉ là một linh hồn được gột rửa sạch nào đó của họ, trong trẻo sau cái chết, mới ở lại. Sắc màu riêng của họ cũng ở lại: Chẳng hạn, tôi nghĩ về gia đình của chính mình. Chúng tôi đã phải khóc than trước sự mất mát ra đi của nhiều thành viên gia đình, nhưng chúng tôi không những đã được nuôi dưỡng bởi sự hiến tặng từ cuộc đời và đức hạnh của mỗi một người dành cho chúng tôi, mà chúng tôi vẫn còn được dưỡng dục bởi sắc màu riêng mà mỗi người hiện thân. Họ vẫn ở cạnh chúng tôi, và sắc màu của họ cũng vậy. Những câu chuyện kể từ đời này sang đời khác của gia đình chúng tôi chứa đầy hình ảnh những người đã mất: những câu chuyện về cách kết hợp độc đáo của ba tôi giữa Kinh An Bình và Luật của Murphy trong một câu cảm thán quá khích: “Ngay bây giờ!”; về chuyện mẹ tôi không thể nào tìm ra được chỗ để bắt đầu một câu chuyện mà không trước hết quay về Sách Sáng Thế – “Từ ban đầu”; về chuyện người chị quá cố của tôi yêu thích sô-cô-la và cũng thích đập bẹp những cái gì phồng lên; về chuyện anh trai tôi có thiên hướng giảng giải cho cả hành tinh này về công bằng xã hội; về chuyện anh rể quá cố của tôi thích nấu xúc xích và rồi cười cợt hỏi về tình trạng thẩm mỹ của cặp dây móc quần của mọi người; và về ông chú quá cố có thói quen châm một điếu thuốc rồi ánh mắt lấp lánh tia lém lỉnh như thể mào đầu cho một câu chuyện cực kỳ tinh quái. Còn nhiều còn nhiều nữa bởi vì những câu chuyện về sắc màu cá tính trong cuộc đời những người thân yêu của chúng ta thì cứ còn nhiều mãi. 

Vậy thì khi chết, chuyện gì xảy ra với nguồn năng lượng, mạch sống, sắc màu và sự hài hước độc đáo mà một người là hiện thân? Alfred North Whitehead cho rằng những điều đó đã trở thành bất tử trong “bản thể tất nhiên” của Chúa. Pierre Teilhard de Chardin đoan chắc với chúng ta rằng không có gì mất đi và mọi thứ theo một cách nào đó sẽ được bảo toàn, cho tới tận cuộc đời những con vật nuôi trong nhà của chúng ta. Giáo lý Ki-tô của chúng ta về sự Hiệp thông các Thánh bảo rằng những người thân yêu của chúng ta vẫn còn sống và một ngày nào đó chúng ta và họ sẽ lại tương ngộ trùng phùng. 

Tôi không nghi ngờ sự thật trong những lời quả quyết đó, nhưng có thể nghe hơi trừu tượng khi trái tim chúng ta buồn phiền và đau đớn trước ký ức về một người thân yêu đã mất. Vẫn sống trong ký ức của chúng ta chưa phải là một hình thức đầy đủ của sự bất tử, còn vẫn sống trong ký ức của Chúa có thể có vẻ quá trừu tượng nên không thể ủi an được mấy. Tôi không nghi ngờ rằng những người thân yêu của chúng ta vẫn sống trong “bản thể tất nhiên” của Chúa hay họ vẫn sống trong sự hiệp thông các thánh, nhưng tôi tin rằng có một điều gì đó hơn thế nữa, dựa trên cách những ký ức của chúng ta về sắc màu riêng của họ đang tác động và nuôi dưỡng chúng ta ở bên này.

Tôi tin rằng những gì mà họ đã hiện thân một cách tuyệt vời và riêng trên trần gian này vẫn tiếp diễn, tiếp tục ở phía bên kia. Tôi ngờ rằng có nhiều hơn là mây trắng, đàn hạc và các thiên thần bay lượn trên thiên đường, nhưng thiên đường đó đầy dí dỏm, sắc màu và hài hước, và đầy những câu chuyện cực kỳ tinh quái bởi vì bất cứ khi nào chúng ta nhớ lại những điều đó về những người thân yêu đã mất, ký ức về họ lại trở nên ấm áp và nuôi dưỡng chúng ta.