Ngày nay, nhiều người trong chúng ta có khuynh hướng rụt rè trước bất kỳ một loại kiến thức nào tự cho là khoa học. Ai dám cãi lại khoa học? Ai dám cãi lại các chuyên gia? Rất ít người dám, và người nào dám cãi thì dễ bị gạt đi, bị coi là lạc hậu hoặc kém hiểu biết.
Vậy là trong cuộc sống chúng ta, chuyên môn tinh thông khách quan thường đứng cao hơn tuệ nhãn đạo đức, thậm chí còn tệ hơn nữa là đơn giản đánh đồng nó với nhận thức đạo đức. Sự thật là sự thật, khoa học chứa đựng sự thật, và khoc học đánh bại những mối quan tâm đạo đức của chúng ta (mà trước những tuyên bố khoa học có thể bị làm cho có vẻ thiển cận và bắt nguồn từ sợ hãi). Vậy nên quan niệm phổ biến là chúng ta cần lắng nghe những người tinh thông khoa học khi nào cần nhận thức về sự thật.
Nhưng liệu có phải vấn đề thật sự đơn giản như vậy không? Và ai thật sự là người tinh thông? Nhờ đâu mà một người trở thành người tinh thông? Một tấm bằng hậu đại học? Là người mẹ chăm sóc nuôi nấng gia đình giỏi? Là nhà nghiên cứu đáng kính? Sống một cuộc đời tốt đẹp? Vững vàng và trung thành? Có nhiều kiểu người tinh thông khác nhau.
Ngoài ra còn có vấn đề lòng chính trực cá nhân, và làm thế nào mà điều này liên quan tới “chuyên môn tinh thông”. Chúng ta sẽ nói như thế nào đây về sự thật của một người có cái nhìn khoa học sâu sắc nhưng sống một cuộc sống thiếu lành mạnh? Cuộc sống riêng tư của một người có ảnh hưởng tới việc nghiên cứu và chuyên môn nghề nghiệp của người đó không?
Nhiều nhà tư tưởng vĩ đại – triết gia, nhà thần học, và cả các nhà khoa học – sẽ khẳng định là có. Sự thật không bao giờ có thể tách rời tuệ nhãn đạo đức vì sự thật và đạo đức thật sự là nền tảng của chân lý. Vì vậy lòng chính trực cá nhân hay việc thiếu lòng chính trực cá nhân ở bất kỳ nhà nghiên cứu hay học giả nào đều ảnh hưởng cách nào đó tới chuyên môn tinh thông của người này, dù điều đó nhìn bên ngoài có thể khó nhận biết? Ảnh hưởng ra sao?
Aristotle chẳng hạn, ông đặt ra khái niệm mà ông gọi là phronesis – tuệ nhãn để nhận định đâu là cứu cánh, đâu là phương tiện; khái niệm này dạy rằng không thể tách rời việc khuyên dạy về sự thật với việc sống đạo đức. Đối với Aristotle, tri thức chân chính, loại tri thức mà cuối cùng khiến bạn trở thành một con người hoàn thiện hơn, không thể bắt nguồn từ một người mà lý thuyết tri thức và đời sống đạo đức cá nhân lại không hòa điệu tận căn với nhau.
Thực sự, Albert Einstein đã nói rằng không thể thực hiện nghiên cứu khoa học mà không nỗ lực rất nhiều để tìm hiểu tự thân. Chúng ta là ai và nhãn quan của chúng ta về thực tại như thế nào sẽ luôn luôn góp phần quyết định cách chúng ta nhìn thế giới và xác lập bất kỳ lý thuyết nào về thế giới. Mà việc chúng ta là ai và nhãn quan của chúng ta về thực tại lại luôn luôn được định hình một phần và chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi cuộc sống đạo đức của chính chúng ta. Cuộc sống đạo đức của chúng ta ảnh hưởng sâu sắc tới các nghiên cứu của chúng ta vì cuộc sống đó góp phần hình thành nhãn quan của chúng ta.
Vị thánh bí ẩn thời trung cổ, Hugo of St. Victor, có một châm ngôn về điều này như sau: Tình yêu là đôi mắt nhìn! Đối với ông, nhãn quan của chúng ta chủ yếu được hình thành bởi hoặc là tình thương hoặc lòng cay đắng vốn luôn luôn nằm trong con người mình. Khi nhìn thế giới với tình thương yêu, chúng ta thấy nó thế này; khi nhìn thế giới với niềm cay đắng, chúng ta thấy nó thế khác. Điều này cũng đúng với mỗi nhà nghiên cứu: Cứ cho rằng toán học vượt lên trên cảm xúc, nhưng cái thực tại mà chúng ta áp dụng toán học đó lại không phải vậy.
Cuối cùng, và không hề kém phần quan trọng, Chúa Giêsu dạy cho chúng ta rằng chúng ta nhìn thế giới chỉ chính xác trong chừng mực trái tim chúng ta thanh sạch đến đâu. Khi nói như vậy, Người không chỉ nói về việc cần có trái tim trong sạch để nhận thức đúng đắn về mặt tôn giáo, mà Người còn khẳng định rằng sự thanh sạch của trái tim là điều kiện tiên quyết nhằm nhận thức được đúng đắn theo mọi khía cạnh, tôn giáo, đạo đức, đời sống thực tế, và khoa học.
Những gì chúng ta nhìn thấy qua kính hiển vi được nhuốm một phần bởi cảm nhận của chúng ta về cuộc sống nói chung, mà cảm nhận của chúng ta về cuộc sống nói chung lại nhuốm đậm bởi cách chúng ta sống đạo đức như thế nào.
Vậy bài học ở đây là gì?
Bài học ở đây không phải là những gì mà bạn đôi khi nghe thấy từ các giới chủ trương chính thống, ví dụ như chúng ta đừng có nghe các nhà khoa học, các học giả hàn lâm hay các chuyên gia kỹ thuật nữa, mà cần phải cố gắng đấu lại quan điểm của họ bằng cách viện tới Thánh Kinh. Rằng nhiệm vụ của chúng ta không phải là bảo vệ những kết quả nghiên cứu của các học giả đó, rằng đừng nghiên cứu nữa.
Đúng hơn, những bài học là như sau:
Trước hết, kính trọng những kết quả khoa học và nghiên cứu chân chính, kể cả dù không phải lúc nào bạn cũng mê mẩn nguồn gốc tạo ra chúng. Mọi sự thật đều có tác giả duy nhất, là Thượng đế. Thượng đế là nguồn gốc tạo ra Kinh Thánh, và Thượng đế cũng là nguồn gốc của khoa học và các kết quả nghiên cứu khoa học. Hãy chấp nhận sự thật dưới mọi hình thức biểu hiện của nó, nhưng đừng rụt rè trước lời khuyên dạy của những chuyên gia nào tuyên bố mình là khách quan khoa học nhưng không thừa nhận những hạn chế của họ, những phán xét ngầm của riêng họ, những định kiến của riêng họ, đặc biệt khi sự thật đụng chạm tới những vấn đề sức khỏe, nghĩa là về đạo đức và hạnh phúc. Một nhà nghiên cứu giỏi thừa nhận những yếu tố của cuộc tìm kiếm tự thân, là người khiêm tốn khi nói về sự thật.
Tiếp theo, hãy thừa nhận rằng sự tinh thông chuyên môn là uy tín rộng lớn xuất phát từ nhiều giới khác nhau. Có người tinh thông trong khoa học, nhưng cũng có người tinh thông về điều thiện, về tình thương yêu, tình bạn, lòng tử tế, lòng trung thành, hy vọng, kiến tạo hòa bình, về lòng quả cảm, về cầu nguyện, về lòng trung thực, về sự trong trắng, về thẩm mỹ, về đạo hạnh, và về óc hài hước.
Khi tìm kiếm những vì sao để dẫn dắt cuộc đời của bạn, hãy nhìn cho kỹ và nhìn khắp hết các thiên hà. Đừng nhốt mình vào một góc nhỏ hẹp nào cả. Có rất nhiều vì sao, mỗi một vì sao đều tỏa ra một thứ ánh sáng tinh thông nhất định.