Vội vàng là kẻ thù của chúng ta. Vội vàng làm chúng ta căng thẳng, tăng huyết áp, mất kiên nhẫn, dễ gặp tai nạn, và nghiêm trọng nhất là che mắt không cho chúng ta thấy nhu cầu của người khác. Thường thường, vội vàng không phải là tính tốt, dù có thiện hướng tốt đi nữa cũng không nên vội vàng.

Năm 1970, Đại học Princeton tiến hành một vài nghiên cứu với các chủng sinh xem liệu sự dấn thân giúp đỡ tha nhân có thật sự làm nên một cái gì khác biệt cho họ trong hoàn cảnh thực tế hay không. Chương trình của họ là: Họ sẽ phỏng vấn một chủng sinh trong văn phòng, khi buổi phỏng vấn vừa kết thúc, họ yêu cầu chủng sinh đó ngay lập tức đi đến một phòng học được chỉ định ở phía bên kia sân trường để giảng bài cho lớp. Nhưng họ luôn sắp đặp một khoảng thời gian sít sao giữa thời điểm buổi phỏng vấn kết thúc và thời điểm chủng sinh đó phải có mặt ở lớp học, để buộc anh ta phải vội vã. Trên đường đi, mỗi chủng sinh sẽ gặp một diễn viên đóng giả người đang cùng quẫn (gần giống với cảnh người Samari nhân hậu trong Phúc Âm). Thử nghiệm này là để xem liệu các chủng sinh có dừng lại và giúp đỡ người kia hay không. Và kết quả thế nào?

Các bạn có thể đoán rằng, là một chủng sinh dấn thân phục vụ, hẳn họ sẽ thiên về dừng lại với người đau khổ đó hơn những người khác. Nhưng lại không như thế. Việc là một chủng sinh dường như chẳng có tác động gì trên cách đối xử của họ trong trường hợp này. Chỉ có một điểm duy nhất là: Họ sẽ dừng lại và giúp người hay không, gần như dựa trên việc họ có vội vã hay không. Nếu bị áp lực thời gian, họ sẽ không dừng lại, nếu không bị áp lực, họ sẽ dễ dừng lại hơn.

Từ thí nghiệm này, những người thực hiện đã rút ta một vài kết luận như sau: Thứ nhất, đạo đức trở thành một thứ xa xỉ khi tốc độ cuộc sống hàng ngày tăng lên, thứ hai, do áp lực thời gian, chúng ta có khuynh hướng không nhìn ra những tình huống đang đập vào mắt mình là một tình huống mang tính đạo đức.  Về căn bản, càng vội vã, chúng ta càng khó dừng lại và giúp đỡ những ai đang cần đến mình. Gấp rút và vội vã, có lẽ hơn bất kỳ điều gì khác, đã ngăn chặn không cho chúng ta trở thành người Samari nhân hậu.

Chúng ta biết điều này từ kinh nghiệm riêng của mình. Cố gắng để có thì giờ cho gia đình, để cầu nguyện, để giúp đỡ người khác đã chiếm phần lớn thì giờ rồi. Chúng ta lúc nào cũng quá bận rộn, quá vội vã, quá bị chi phối, và nhiều áp lực nên không thể dừng lại để giúp người khác. Tôi quen một nữ văn sĩ, bà nói khi chết, điều bà sẽ hối tiếc nhất trong đời không phải là vi phạm các điều răn, nhưng là việc biết bao nhiêu lần bà đã bỏ mặc con cái để lao vào viết lách. Cũng gần như thế, chúng ta có khuynh hướng đổ lỗi cho hệ tư tưởng thế tục vì những đổ vỡ gia đình trong xã hội ngày nay, trong khi đó, thật sự, có lẽ căng thẳng lớn nhất trong tất cả gia đình là do công việc, nó bắt chúng ta phải chịu một áp lực triền miên, luôn trong tư thế vội vã, và bỏ bê con cái vì áp lực công việc.

Đương nhiên tôi biết rõ điều này qua kinh nghiệm riêng của tôi. Tôi luôn luôn bị áp lực, luôn luôn vội vã, luôn luôn quá nhiều việc, và khi chăm vào công việc, lúc nào tôi cũng gạt mọi thứ đang cần tôi chú ý qua một bên. Là linh mục, tôi có thể biện minh việc mục vụ đang làm là rất quan trọng. Mục vụ nghĩa là gắn vào một việc cao hơn lịch làm việc riêng của mình, nhưng sâu xa hơn, tôi biết rõ  đây chỉ là biện luận thôi.  Đôi khi tôi biện luận quá hợp lý cho sự bận rộn vội vã của mình, tự trấn an mình rằng tôi như thế là hợp lý. Nó có trong máu của tôi. Cả cha mẹ tôi đều có lối hăng hái nỗ lực như thế. Cha mẹ tôi thật tuyệt vời, đạo đức, đầy tình yêu thương, nhưng lúc nào họ cũng tham công tiếc việc. Đáp lại quá nhiều đòi hỏi trong đời gây nên một tính cách lẫn lộn.

Không phải ngẫu nhiên mà các cây viết thiêng liêng cổ điển, những người chưa biết đến nghiên cứu của Đại học Princeton, đã cảnh báo về mối nguy của tham công tiếc việc. Thật vật, mối nguy của gấp rút, vội vã đã được Kinh Thánh viết ngay những trang đầu tiên, khi Thiên Chúa mời gọi chúng ta phải giữ triệt để ngày Xa-bát. Khi vội vã, chúng ta ít thấy được những gì ở ngoài lịch trình riêng của mình.

Gấp rút vội vã có mặt tích cực là có thể đối chọi được với biếng nhác trì trệ. Một con người cật lực là người luôn trong tư thế vội vã, ít nhất là như thế, họ không bị vật vã chờ cho hết ngày giờ. Họ luôn có mục tiêu. Và thường thường gấp rút vội vã có thể tạo nên một người làm việc hiệu quả, được công nhận và được ngưỡng mộ vì những thành quả của mình, cho dù họ bỏ mặc con cái để lao đầu vào công việc đi nữa. Tôi cũng có kinh nghiệm như thế: Tôi được công nhận nhiều trong công việc, dù tôi phải thừa nhận áp lực và sự vội vã đó đã nhiều lần ngăn không cho tôi làm người Samari nhân hậu.

Có thể nói vội vã tạo vấp váp. Nó cũng bịt mắt mình trong những việc nhân bản và thiêng liêng làm cho lòng thương cảm của chúng ta bị giới hạn nghiêm trọng.