Ngoại trừ Kinh thánh và vài thần nghiệm Kitô giáo, thì linh đạo Kitô giáo cho đến giờ vẫn chưa cho chúng ta một quan điểm đủ mạnh về những năm nghỉ hưu. Đây không phải là một mầu nhiệm cho bằng một câu hỏi tại sao. Cho đến gần đây, đa số mọi người qua đời không lâu sau khi nghỉ hưu, và do đó không cần phát triển quá nhiều một linh đạo hay một tinh thần thế hệ cho những năm tháng này.
Về mặt linh đạo, những năm tháng về hưu có ý nghĩa thế nào? Ơn gọi của chúng ta lúc đó là gì? Tinh thần thế hệ của chúng ta còn có ý nghĩa gì khi chúng ta đã làm xong phần việc của mình?
Henri Nouwen, một trong những ngòi bút đương đại nói về chất vấn này, đã gợi ý rằng: Có một thời trong cuộc sống, khi vấn đề không còn là: Tôi còn có thể đóng góp được gì? Nhưng vấn đề trở thành: Tôi sống thể nào để tuổi già và cơn hấp hối sẽ là món quà lớn cuối cùng cho gia đình, cộng đoàn, giáo hội, và đất nước tôi?
Làm cách nào để tôi thôi viết lý lịch mà chuyển sang viết lời ca ngợi mình? May mắn thay, các ngòi bút thiêng liêng thời nay bắt đầu phát triển một linh đạo về các chất vấn này, và tôi tin là một vài thấu suốt trong đạo Hindu có thể rất hữu ích.
Trong đạo Hindu, cuộc sống có năm giai đoạn tự nhiên.
Thứ nhất, khi bạn là Đứa trẻ. Là Đứa trẻ, bạn bắt đầu vào đời, bạn học nói, học tương tác với người khác, và có thời gian để chơi.
Giai đoạn thứ hai là Học sinh. Trong đạo Hindu, bạn là Học sinh cho đến khi bạn kết hôn, bắt đầu tạo dựng gia đình, và có sự nghiệp. Là Học sinh, nhiệm vụ chính của bạn là tận hưởng tuổi trẻ và chuẩn bị cho cuộc đời.
Rồi bạn trở thành Gia chủ. Giai đoạn này bắt đầu với hôn nhân và kết thúc khi đứa con út của bạn đã trưởng thành, nợ nần trả hết, và nghỉ hưu. Là Gia chủ, nhiệm vụ của bạn là gia đình, công việc, và các vấn đề tôn giáo cũng như dân sự. Đấy là những năm bạn gánh vác trách nhiệm.
Giai đoạn thứ tư là Ẩn Lâm (người ở trong rừng). Giai đoạn này bắt đầu khi bạn đủ tự do khỏi công việc gia đình và làm ăn, để suy tư sâu sắc hơn. Ẩn Lâm, nghĩa là một giai đoạn mà bạn tránh đi, một phần hay hoàn toàn, khỏi cuộc sống làm việc để nghiên cứu và suy tư về tôn giáo và tương lai. Thế có lẽ nghĩa là bạn trở lại trường học, có lẽ là học thần học và linh đạo, tĩnh tâm, suy tư, và tìm linh hướng.
Cuối cùng, một khi Ẩn Lâm đã cho bạn một tầm nhìn, thì bạn trở lại thế giới như một hành khất thánh thiện (Sannyasin), một người không có gì ngoài đức tin và khôn ngoan. Là một hành khất thánh thiện, bạn ngồi đâu đó nơi công cộng, làm một người ăn xin, chẳng có của cải, quan hệ, hay tầm quan trọng gì. Bạn có thể cho người khác một nụ cười, đôi chuyện vãn, trao đổi về đức tin, hoặc làm việc thiện. Bạn là một người sống đường phố, nhưng có một khác biệt. Bạn không phải là một người sống trên đường phố bởi không còn chọn lựa nào khác, nhưng là bởi bạn đã thành công trong đời rồi. Bạn đã sáng tạo rồi. Bạn đã cho đi cái bạn phải cho đi và giờ bạn tìm cách sáng tạo theo một cách thức khác, cụ thể là sống theo một cách sao cho những năm cuối đời bạn sẽ đem lại một món quà khác cho những người bạn yêu thương, một món quà sẽ chạm đến cuộc đời họ, buộc họ phải nghĩ về Thiên Chúa và đời sống một cách sâu sắc hơn.
Một Sannyasin là hiện thân cho những lời của ông Gióp. “Trần truồng sinh ra từ lòng mẹ, và tôi trần truồng trở về.” Chúng ta đến với thế giới này tay trắng, và rời thế giới trắng tay. Một hành khất thành thiện hiện thân cho chân lý đó.
Cứ hình dung, nếu một người rất thành công, bác sĩ, chủ tịch ngân hàng, vận động viên, nhà báo, giảng viên, doanh nhân, một chủ gia đình êm đẹp có con cái thành tựu, những người có vô số chọn lựa thoải mái trong cuộc sống, nhưng lại đến ngồi bên vệ đường, cạnh quán cà phê, tiệm ăn, trung tâm mua sắm, góc đường, thì đó đúng là một chứng tá. Không ai có thể cảm thấy mình cao hơn họ, hoặc đối xử với họ một cách thương hại như chúng ta thường làm với những người vô gia cư trên đường. Cứ thử hình dung chứng tá của một người tự nguyện làm hành khất bởi người đó đã thành công trong đời đi. Thật là một chứng tá và ơn gọi tuyệt vời!
Nhưng khái niệm này, một người hành khất thánh thiện, rõ ràng là hình ảnh lý tưởng hóa mà mỗi người chúng ta cần suy nghĩ về ý nghĩa cụ thể của cuộc đời chúng ta.
Trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, linh đạo xem tử đạo là biểu lộ tận cùng của đời sống Kitô, cách lý tưởng để theo trọn một cuộc đời đầy đức tin. Justin, Polycarp, Cyprian, và vô số những người khác đã “nghỉ hưu” bằng tử đạo. Về sau, các Kitô hữu thường nghỉ hưu trong các tu viện.
Nhưng tử đạo và tu viện, cũng là những hình tượng lý tưởng hóa. Vậy thì cụ thể và thiết thực, chúng ta nghỉ hưu ở đâu?