Sản phẩm khiêu dâm là chứng nghiện nặng nhất của thế giới ngày nay, với mức độ phủ sóng rất rộng. Chủ yếu nó tác hại đàn ông, nhưng cũng gây nghiện cho phụ nữ. Dĩ nhiên phần nhiều nguyên nhân là do có thể truy cập dễ dàng và miễn phí trên mạng. Hiện giờ, tất cả mọi người (thậm chí là trẻ con) có thể truy cập sản phẩm khiêu dâm một cách ẩn danh và kín đáo trên điện thoại và máy tính. Không còn ai phải tìm đến những nơi hẻo lánh kín đáo trong thành phố để xem văn hóa phẩm bị cấm. Khiêu dâm phẩm ngày nay ngày càng được đón nhận một cách chính thống. Nó có gì nguy hại hay đáng hổ thẹn?
Vậy nó nguy hay hay đáng hổ thẹn ở điểm nào? Ngày càng nhiều người không thấy nó có gì nguy hại hay đáng hổ thẹn. Quan niệm của họ là, bất chấp những mặt có hại nào đó, sản phẩm khiêu dâm là giải phóng khỏi sự áp chế tình dục của tôn giáo trước đây. Thật vậy, nhiều người xem nó là một sự biểu lộ lành mạnh của tình dục (ngạc nhiên là nhiều nhà bảo vệ nữ quyền cũng nghĩ như vậy). Các nhân vật trên truyền hình chính thống nói đùa về những bộ sưu tập khiêu dâm phẩm của họ, như thể nó chỉ như một bộ sưu tập album nhạc, và nhiều đồng nghiệp của tôi đã nói, chúng ta mà phản đối chuyện đó thì chỉ bị xem là áp chế tình dục. Họ lập luận rằng tình dục thật đẹp, vậy tại sao chúng ta lại ngại xem nó?
Vậy khiêu dâm phẩm có gì không ổn? Gần như toàn bộ nó đều không ổn, và không chỉ là vấn đề đạo đức đâu.
Hãy bắt đầu với lập luận “tình dục thật đẹp, vậy tại sao chúng ta lại ngại xem nó”. Lập luận đó đúng một chuyện, tình dục thật đẹp, chính vì thế nó càng cần được bảo vệ khỏi sức mạnh của chính nó. Nói rằng có thể ngắm nhìn tình dục như ngắm một buổi hoàng hôn, thì quá sức ngây thơ, cả về mặt tôn giáo lẫn tâm lý. Về tôn giáo, chúng ta biết, không ai có thể thấy dung nhan Thiên Chúa mà còn sống. Với tình dục cũng thế. Nó là ánh sáng quá mãnh liệt cần phải được bao bọc lại. Hơn nữa, cũng thật ngây thơ về mặt tâm lý học khi cho rằng sự thân mật sâu sắc này có thể trưng ra cho công chúng xem. Không thể và không được làm thế. Công khai dạng thân mật đó là vi phạm mọi quy luật của lễ phép và sự tôn trọng dành cho cả những người làm và người xem. Như mọi sự thân mật sâu sắc, nó cần được bao bọc lại cho thích đáng.
Tiếp theo, khi nói về vẻ đẹp của tình dục và cơ thể con người, chúng ta cần phân biệt giữa khỏa thân và lõa lồ. Khi một họa sĩ giỏi vẽ cơ thể khỏa thân, thì sự khỏa thân là để nêu bật vẻ đẹp của toàn bộ con người, cả cơ thể và tâm hồn, cả tính dục của người đó. Trong một bức tranh khỏa thân, tình dục được liên kết với toàn bộ con người, với tâm hồn, trái ngược hẳn với lõa lồ. Lõa lồ phơi bày cơ thể con người theo một cách thủ tiêu hết sự toàn vẹn, không liên quan đến tâm hồn và tách hẳn tình dục ra khỏi con người trọn vẹn. Và khi đó, tình dục trở thành một thứ vô hồn, máy móc, không có ý nghĩa sâu đậm, lưỡng cực, một thứ mà ta cần từ bỏ để trở lại với con người thực sự của mình. Và khi đó, sự thâm thúy biến mất, như lời nhà thơ Anh Wystan Hugh Auden đã viết, chúng ta đều biết vài chuyện mà loài có vú chúng ta có thể làm.
Đáng buồn thay, ngày nay, nhiều người trẻ, nhất là các chàng trai, xem sản phẩm khiêu dâm là giáo dục giới tính ban đầu và do đó nó là một trong những thứ có thể để lại dấu ấn vĩnh viễn cho đời họ. Dấu ấn của nó có thể có tác động lâu dài đối với cách hiểu của họ về ý nghĩa của tình dục, cách họ tôn trọng hay xem thường phụ nữ, và cách họ hiểu hay không hiểu mối liên kết sống còn giữa tình dục và tâm hồn. Khiêu dâm phẩm có thể để lại những vết sẹo tâm hồn khó chữa lành. Có người lập luận rằng khiêu dâm phẩm có thể làm méo mó quan điểm của một cậu bé tuổi dậy thì, nhưng chuyện này sẽ thay đổi khi cậu ấy trưởng thành và khi yêu ai đó thật sự. Tôi mong rằng chuyện này đúng, nhưng tôi lo là dấu ấn ban đầu đó có thể làm méo mó cách người ta yêu và nhất là cách người đó hiểu sự tương quan cần có của tình dục trong tình yêu. Khiêu dâm phẩm có sức mạnh tiềm tàng ghê gớm như vậy đấy.
Ngoài ra, một lập luận lớn nữa là sản phẩm khiêu dâm (trong việc sản xuất và xem) là sự xúc phạm phụ nữ và khiêm dâm phẩm thúc đẩy sự xúc phạm phụ nữ (một cách tinh vi hay trắng trợn).
Cuối cùng, trong một nền văn hóa tự hào rằng mình tinh vi và giải phóng hơn bất kỳ ai, bao gồm cả giải phóng khỏi nhiều điều cấm kỵ tôn giáo cũ, hẳn nhiều người sẽ ngại nhắc đến chữ “khiết tịnh”. Có ai dám nói rằng khiêu dâm phẩm là xấu vì nó đối nghịch với đức khiết tịnh không? Có ai dám dùng đức khiết tịnh để tranh luận khi mà phần lớn nền văn hóa chúng ta xem thường sự khiết tịnh, và cực kỳ châm chích cay nghiệt với những nhóm tôn giáo vẫn bảo vệ cho quy tắc xưa “chờ đến khi kết hôn”? Tệ hơn nữa, là họ còn cay nghiệt trước ý niệm giữ khiết tịnh vì Chúa Giêsu. Nhưng lý tưởng khiết tịnh đưa tình dục vào trong sự lãng mạn, thiêng liêng, cam kết, gắn kết, và linh hồn, còn khiêu dâm phẩm thì thể hiện tình dục một cách vô hồn và riêng tư không lành mạnh. Vậy thì trong hai điều, điều gì khiến cho tình dục trở nên bẩn thỉu?