Thuyết tương đối nói rằng không gian và thời gian không phải như vẻ ngoài của nó. Chúng tương đối, nghĩa là không phải lúc nào cũng vận hành theo cùng một cách và không phải lúc nào cũng được cảm nghiệm theo cùng một cách. Thời gian có thể đứng yên.

Có thể thế sao? Ở đời này, dường như là không thể. Từ khai thiên lập địa với vụ nổ ma-mút từ cách đây khoảng 13,8 tỷ năm trước, đồng hồ của vũ trụ chạy không ngừng, như một máy đo nhẫn tâm, không ngừng lao về phía trước.

Tuy nhiên, đức tin của chúng ta lại cho rằng, trong cõi vĩnh hằng thời gian khác thế, rất khác, đến nỗi chúng ta không thể nào hình dung được thời gian trên thiên đàng là như thế nào. Như lời thánh Phaolô đã nói trong thư gởi tín hữu Corintô: “Những điều mắt chẳng hề thấy, tai không hề nghe,và đã không hề nảy lên nơi lòng một người phàm, hết thảy những điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người.” Thời gian trong thiên đàng như thế nào? Như đã có lời xác nhận, đó là việc hiện giờ chúng ta không hình dung được.

Có thể thế sao? Trong một quyển sách rất tuyệt vời về Phục Sinh và Sự Sống Đời đời, quyển Toàn bộ điều đó là đây sao [Is This All There Is], học giả kinh thánh lỗi lạc người Đức, Gerhard Lohfink, gợi ý rằng chúng ta có thể và đôi lúc cảm nghiệm được thời gian như trong cõi vĩnh hằng. Theo Lohfink, chúng ta cảm nghiệm được điều này khi tôn thờ.

Với ông, lời cầu nguyện cao nhất là sự tôn thờ. Nhưng “tôn thờ” Thiên Chúa nghĩa là gì, và tại sao đấy là lời cầu nguyện cao nhất? Lohfink trả lời: “Khi tôn thờ, chúng ta không xin Chúa điều gì. Khi than thở với Chúa, thì điểm khởi đầu để cầu nguyện là những đau khổ của riêng tôi. Cả khi tôi nài xin Chúa, thì thường là do những rắc rối của mình. Tôi cần điều gì đó nơi Chúa. Và cả khi tạ ơn Chúa, thì đấy thường cũng là lời tạ ơn vì một điều gì đó tôi đã nhận. Nhưng khi tôn thờ, thì tôi bỏ đi bản thân mình và chỉ hướng về Thiên Chúa.”

Chúng ta phải thừa nhận rằng, lời than thở, nài xin, và tạ ơn là những mức độ cao của cầu nguyện. Và theo định nghĩa kinh điển có từ xưa, và rất hay, thì cầu nguyện là “nâng lòng và trí lên với Chúa,” và những gì có trong lòng chúng ta hầu như lúc nào cũng là những dạng than thở, nài xin, và tạ ơn. Hơn nữa, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta xin Chúa bất kỳ điều gì có trong lòng chúng ta vào bất kỳ lúc nào: “Cứ xin thì sẽ được.” Than thở, nài xin, và tạ ơn là những dạng cầu nguyện tốt đẹp, nhưng khi cầu nguyện như thế, theo cách nào đó, chúng ta vẫn tập trung vào bản thân, vào nhu cầu và vui thú của riêng mình.

Tuy nhiên, khi tôn thờ, thì chúng ta hướng về Thiên Chúa hay một thuộc tính của Thiên Chúa (chân, thiện, mỹ, độc nhất) theo một cách quá đỗi mạnh mẽ đến nỗi mọi thứ khác đều tan biến đi. Chúng ta đứng đó trong ngạc nhiên, ngưỡng mộ, kinh sợ thuần túy, và hoàn toàn gạt bỏ đi mọi bận tâm trong lòng, trong trí, bỏ đi chiều hướng tập trung vào bản thân. Chân thiện mỹ của Thiên Chúa chiếm trọn chúng ta đến nỗi lòng trí chúng ta đi ra khỏi bản thân và chúng ta không còn là chính mình nữa.
Được tự do khỏi chính mình, là định nghĩa về sự xuất thần (một từ có gốc Hy Lạp là EK STASIS, nghĩa là đứng bên ngoài bản thân mình.) Do đó, tôn thờ là khi xuất thần, dù cho không phải theo kiểu xuất thần theo quan niệm thời nay. Với chúng ta, xuất thần là một cơn chấn động bên trong, là bản thân mình được thể hiện tột đỉnh. Nhưng ngược lại mới phải. Xuất thần chính là sự tôn thờ.

Hơn nữa, với Lohfink, tôn thờ không chỉ là dạng xuất thần chân thực, mà còn là cách sống trong thiên đàng ngay lúc này và cảm nhận thời gian của cõi vĩnh hằng. Và đây là cách diễn giải của ông: “Trong phép lạ tôn thờ, chúng ta được ở cùng Thiên Chúa, hoàn toàn ở với Thiên Chúa, và ranh giới giữa thời gian và vĩnh hằng bị xóa bỏ. Đúng là chúng ta không thể hiểu được rằng sự tôn thờ Thiên Chúa sẽ là hạnh phúc bất diệt. Chúng ta luôn làm việc gì đó. Chúng ta muốn phê phán, can thiệp, thay đổi, cải thiện, thành hình. Và đúng là thế! Đấy là bổn phận của chúng ta. Nhưng khi chết, khi đến với Chúa, thì tất cả những sự đó dừng lại hết. Rồi sự hiện hữu của chúng ta sẽ thuần túy là kinh ngạc, sững sờ, tán dương, tôn thờ, và hạnh phúc không thể tưởng tượng nổi. Vì thế mà còn có một dạng tôn thờ không cần lời. Với cách đó, tôi trao trọn đời mình cho Chúa, trong sự thinh lặng, và chung cùng toàn thế giới, biết rằng Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, là Chúa, là quy hướng của mọi chúc tụng và tôn vinh. Tôn thờ là hiến lễ đời mình cho Thiên Chúa. Tôn thờ là quy phục. Tôn thờ là giao phó hoàn toàn bản thân cho Chúa. Khi chìm trong tôn thờ, thì sự vĩnh hằng bắt đầu, một vĩnh hằng không trốn tránh thế giới nhưng mở mang thế giới đến tột cùng.”

Thời gian có thể đứng yên! Và thời gian đứng yên khi chúng ta ở trong sự cảm phục, kính sợ, kinh ngạc, và tôn thờ thuần túy. Trong những lúc đó, chúng ta đứng ngoài bản thân mình, và đứng trong dạng tình yêu thuần túy nhất. Và lúc đó, chúng ta cũng ở trong thiên đàng, không phải là một sự thưởng nếm trước thiên đàng, nhưng là thiên đàng đích thực. Sự vĩnh hằng sẽ là thế, là một chớp mắt như ngàn năm, và ngàn năm như một chớp mắt.

Khi tôn thờ, là thời gian đứng yên, và chúng ta ở trong thiên đàng!