Biết căn nguyên của một từ đôi khi rất hữu ích. Theo ngôn ngữ học, trong tiếng Anh cổ, mùa chay có nghĩa là mùa xuân. Theo tiếng La-Tinh, mùa chay có nghĩa là chầm chậm.
Như vậy, theo từ nguyên học, mùa chay báo gọi mùa xuân đến và mời gọi chúng ta giảm nhịp sống để nhìn lại cuộc đời mình.
Dù qua cách nghĩ thông thường, mùa chay mang một vài nét cổ truyền nhưng mùa chay chính là thời gian kêu gọi chúng ta chay tịnh, gạt qua những thú vui thông thường và lành mạnh nào đó để chuẩn bị tốt hơn cho đại lễ Phục Sinh.
Một trong những hình ảnh giúp ích cho điều này là ý niệm về Sa Mạc trong Kinh Thánh. Qua Kinh Thánh chúng ta biết rằng, để chuẩn bị cho việc rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đi vào sa mạc bốn mươi đêm ngày để chay tịnh và, theo Phúc Âm thánh Mác-cô, Đức Giêsu còn chịu Xa-tan cám dỗ, sống với thú hoang, và được các thiên thần che chở.
Mùa Chay luôn được hiểu là thời gian chúng ta noi theo Đức Giêsu, một cách ẩn dụ Đức Giêsu trải qua bốn mươi ngày trong sa mạc, không sống bằng thực phẩm thông thường, để có thể đối diện với “Xa-tan” và “thú hoang” và thấy “các thiên thần” hiện đến, che chở khi chúng ta không còn tự lo cho mình được nữa.
“Xa-tan” và “thú hoang” ám chỉ đặc biệt đến các xáo trộn trong tâm hồn mà chúng ta thường hay phủ nhận hoặc đơn giản không dám đối diện – đó là các chứng hoang tưởng, nỗi giận, ghen tương, xa lánh mọi người, ảo tưởng, tự kiêu, ham muốn, những tổn thương chưa lành, rắc rối trong đời sống tình dục, không có khả năng cầu nguyện, kém lòng tin, và các che giấu về mặt đạo đức. Thực phẩm thông thường làm sao nhãng cuộc sống, nó che không cho chúng ta đối diện với các xáo trộn sâu kín núp bóng dưới bề mặt cuộc sống.
Mùa chay kêu gọi chúng ta ngưng dùng các thực phẩm này, các thực phẩm ngăn không cho chúng ta đối diện với cô tịch trong tâm hồn. Mùa Chay kêu gọi chúng ta đối diện với bé mọn, yếu mềm, e sợ của mình, và mở lòng để thấy cái xáo trộn của sa mạc, để các thiên thần có dịp nuôi sống chúng ta. Đó là lý tưởng Ki-tô giáo về mùa chay, đối diện với chính những xáo trộn của mình.
Để bổ sung, tôi đề nghị ba hình ảnh đầy tính thần thoại, mỗi hình ảnh giúp giải thích một khía cạnh của mùa chay và việc giữ chay:
Trong mỗi nền văn hóa đều có các câu chuyện cổ, các huyền thoại dạy chúng ta lúc này lúc kia trong đời, phải biết ngồi giữa tro tàn. Chẳng hạn, ai cũng biết chuyện Cô Bé Lọ Lem. Theo nghĩa đen Cinderella có nghĩa là cô bé (puella) ngồi trong tro tàn (cinders). Bài học rất rõ ở đây là: Trước khi trở nên xinh đẹp, trước khi có thể kết hôn với hoàng tử hay công chúa, trước khi đi dự tiệc, trước hết bạn phải nếm trải thời gian ở một mình giữa tro tàn nhem nhuốc, hèn mọn, quay về với với bụi đất và chờ đợi. Mùa chay là mùa dành thời gian ngồi trong tro tàn. Không ngẫu nhiên khi chúng ta bắt đầu Mùa Chay bằng việc xức tro lên trán.
Thứ hai là hình ảnh ngồi dưới sao Thổ, làm đứa con của sao Thổ. Người xưa tin rằng sao Thổ là sao của buồn chán, u sầu. Do đó không ngạc nhiên khi thấy ai đó rơi vào bùa mê của nó, chính xác khi họ cảm thấy buồn và thất vọng. Thật vậy, người xưa tin rằng trong đời, ai cũng phải trải qua một khoảng thời gian nào đó làm đứa con của sao Thổ, nghĩa là, ngồi trong buồn chán, nặng nề, kiên nhẫn chờ đợi để một điều quan trọng nào đó tự biến chuyển trong tâm hồn mình. Thỉnh thoảng những người lớn tuổi hay các vị Thánh cũng tự nguyện đặt mình ngồi dưới sao Thổ, như Đức Giêsu đi vào sa mạc, họ sẽ ngồi trong tình trạng buồn chán, nặng nề, hi vọng rằng, nỗi u sầu này có một ý nghĩa đưa họ đến một chiều sâu nội tâm mới mẻ nào đó. Đó cũng là chức năng của mùa chay.
Cuối cùng một hình ảnh quý giá, lưu truyền trong những thần thoại cổ xưa, hình ảnh các giọt nước mắt nối kết chúng ta lại với dòng chảy cuộc đời, với nguồn mạch sự sống. Nước mắt, như chúng ta biết, là nước muối mặn. Không phải không có ý nghĩa sâu sắc. Đại dương là nước muối mặn và, như chúng ta biết, tất cả sự sống đều bắt nguồn từ đó. Vì vậy, trong ý tưởng nhiệm mầu và nên thơ, nước mắt nối kết chúng ta lại với nguồn mạch sự sống, nước mắt tái sinh, thanh lọc chúng ta trong sự tận hiến cuộc đời, và nước mắt làm tâm hồn sâu đậm, để tâm hồn nếm trải nguồn mạch sự sống. Với sự thật đó, và khi tất cả chúng ta đều trải nghiệm sự thật đó, nước mắt chính là đi vào sa mạc để chay tịnh, là vật dẫn truyền đến chiều sâu mới mẻ của tâm hồn.
Sự cần thiết của mùa chay được trải nghiệm khắp nơi: Nếu không được thăng hoa thì có thể chúng ta sẽ không bao giờ đạt được cái siêu phàm. Để thật sự đi vào đại tiệc trước hết phải có chay tịnh. Để đi vào Phục Sinh một cách đúng đắn trước hết phải có một khoảng thời gian của sa mạc, tro tàn, buồn chán và nước mắt.