Gần đây một người bạn của tôi dự đám tang của một người đàn ông vừa tự vẫn. Vào cuối lễ tang, anh trai của người quá cố phát biểu với những người tham dự lễ. Sau khi kể về lòng hào hiệp và mẫn cảm của em mình, và chia sẻ một vài giai thoại để khắc họa cuộc đời của người em, ông chuyển sang nói đôi điều về cái chết của người em. Đây là những gì ông đã nói:
Khi một người mắc bệnh ung thư, có thể sẽ xảy ra một trong ba điều sau: Có khi bác sĩ có thể điều trị bệnh, và căn bản là chữa lành. Đôi khi các nhà chuyên môn y tế không thể chữa lành căn bệnh nhưng có thể khống chế nó đủ để người bệnh tuy có đau nhưng vẫn có thể sống với căn bệnh này cho đến cuối đời. Tuy nhiên, đôi khi căn bệnh ung thư này thuộc loại vô phương cứu chữa. Tất cả thuốc men và phương cách điều trị trên thế giới đều bất lực, và người đó chết.
Những kiểu trầm cảm cũng vậy: Đôi khi có thể điều trị được để trên thực tế người bệnh được chữa lành. Đôi khi không thể chữa lành thật sự, nhưng có thể điều trị theo cách mà người đó vẫn có thể sống với căn bệnh đến trọn đời. Và đôi khi, cũng như với các kiểu bệnh ung thư, căn bệnh này là vô phương cứu chữa, không thể chặn đứng lại, không ai có thể can thiệp bằng cách gì hết, hoặc không có cái gì có thể chặn đà tiến triển của nó. Cuối cùng, nó giết người bệnh và không ai có thể làm được điều gì hết. Bệnh trầm cảm của em tôi là thuộc kiểu đó, kiểu cuối cùng.
Tôi nghĩ rằng lời giải thích đó có thể có ích cho bất cứ ai trong chúng ta từng phải mất mát một người thân vì tự vẫn. Mọi cái chết đều làm chúng ta rúng động, nhưng tự tử bỏ lại chúng ta đằng sau với hàng loạt những vết sẹo về tình cảm, về đạo đức và tôn giáo. Nó để lại một nỗi đau đớn, một tình trạng hỗn loạn, tối tăm, và một nỗi mặc cảm mà có trải qua thì mới hiểu được. Đôi khi chúng ta phủ nhận điều đó, nhưng bao giờ nó cũng tồn tại, bất chấp niềm tin tôn giáo và đạo đức của chúng ta. Thực sự, từ tình trạng tăm tối và mặc cảm, tự tử không chỉ làm chúng ta mất đi người thân yêu, mà còn lấy đi của chúng ta những ký ức chân thực về những người đó. Món quà mà họ đã mang đến trong đời chúng ta không còn được ca ngợi. Chúng ta không bao giờ tự hào nói về cuộc đời của họ nữa. Những bức ảnh của họ bị gỡ khỏi tường, cất sâu trong ngăn tủ để không bao giờ chúng ta mở ra nữa, tên của họ ngày càng ít được nhắc đến trong những lần trò chuyện, và chúng ta hiếm khi nào nói về chuyện họ chết ra sao. Tự tử đã đẩy những người thân yêu ra xa khỏi chúng ta theo nhiều cách hơn mức mà đôi khi chúng ta thừa nhận.
Và không hề có giải pháp nào dễ dàng để thay đổi điều đó, mặc dù có thể bắt đầu bằng cách thông hiểu hơn về vấn đề tự tử.
Không phải mọi trường hợp tự tử đều cùng một loại. Một số trường hợp tự tử là vì người đó quá kiêu hãnh và trái tim quá cứng rắn nên không muốn sống trên thế gian này. Nhưng tôi phải nói đó là trường hợp ngoại lệ chứ không phải trường hợp tự tử thường gặp. Phần lớn các trường hợp tự tử, và chắc chắn tất cả những trường hợp tôi biết, đều vì lý do ngược lại, nghĩa là người đó mang quá nhiều thương tích và mẫn cảm quá, đến mức không thể bền gan để tiếp tục đối phó với cuộc sống. Trong những trường hợp đó, và đây là đại đa số các trường hợp tự tử, nguyên nhân cái chết có thể được gọi một cách khá chính xác là ung thư – ung thư tình cảm. Cũng như với bệnh ung thư ở thân thể, người chết do tự vẫn bị đưa ra khỏi cuộc sống này trái với ý muốn của họ. Cái chết do tự tử tương đương với bệnh ung thư về tình cảm, cơn đột quỵ tình cảm, cơn đau tim tình cảm. Như vậy, kiểu của nó cũng giống như kiểu của bệnh ung thư, đột quỵ, và những cơn đau tim. Cái chết có thể xảy tới đột ngột hay có thể là kết cục của một quá trình gắng gỗ lâu dài và dần dần khiến người đó sức cùng lực kiệt. Cách nào đi nữa, thì cái chết đó đều không tự nguyện.
Là con người, chúng ta không phải là những thiên thần hoàn toàn mà cũng không phải là con vật hoàn toàn, mà luôn luôn vừa là thể xác vừa là tinh thần, một tổng thể trọn vẹn của tâm lý và thân thể. Và một trong hai phần, phần nào cũng có thể suy sụp.
Điều này có thể giúp để hiểu được vấn đề tự tử, mặc dù nếu hiểu rõ hơn cũng không hẳn có nghĩa là bóng tối và mặc cảm xung quanh vấn đề này sẽ đơn thuần biến mất. Chúng ta vẫn sẽ mang nhiều cảm giác như trước đây khi đối diện với một cái chết do tự tử: Chúng ta vẫn sẽ cảm thấy đau khổ. Chúng ta vẫn sẽ cảm thấy bị giằng xé và chia rẽ giữa cảm giác tội lỗi và phỏng đoán. Chúng ta vẫn sẽ cảm thấy bứt rứt về cái cách mà người này đã ra đi và vẫn sẽ cảm thấy như đau bệnh khi nói về chuyện người này đã chết như thế nào. Chúng ta vẫn sẽ cảm thấy ngại ca ngợi cuộc đời của người đó theo cái cách mà chúng ta hẳn sẽ ca ngợi nếu người đó chết vì những nguyên nhân tự nhiên. Chúng ta vẫn sẽ đi xuống mồ với những vết thủng đen trong tim. Nỗi đau của cái chết do tự tử để lại dấu vết không thể nào gột sạch trong tâm hồn chúng ta.
Nhưng ở một cấp độ hiểu biết khác, sẽ có một điều gì đó đột phá và giúp chúng ta xoay xở tốt hơn với tất cả những cảm giác giằng co này, nghĩa là thông cảm và hiểu được một người mà hệ miễn dịch về tình cảm đã suy sụp. Và sự thông hiểu này cùng lúc sẽ đem lại niềm khuây khỏa rằng sự thấu cảm và thông hiểu của Chúa vượt xa thấu cảm và thông hiểu của chúng ta.