Năm ngoái một bộ phim Pháp được công chiếu có tiêu đề “Về Chúa và Con người” mà tờ New York Times cho rằng đây “có lẽ là bộ phim hay nhất từng có về nguyện ước Ki-tô.”
Dựa trên một câu chuyện có thật, bộ phim kể về chuyện năm 1996, một nhóm khủng bố Hồi giáo bắt cóc một cộng đồng nhỏ các tu sĩ dòng Trappe từ tu viện xa xôi của họ ở miền Bắc nước Ăng-giê-ri, giam giữ họ và cuối cùng giết họ. Nhưng bộ phim này nói về điều sâu sắc hơn những sự kiện trần trụi đó. Nó tập trung vào chuyện từng tu sĩ này, những con người bình thường không hề có tham vọng tử vì đạo, đã phải chấp nhận chuyện có thể tử vì đạo như thế nào. Mỗi một tu sĩ có cuộc đấu tranh riêng của mình, và đối với nhiều người trong số họ, đó là cuộc đấu tranh lớn lao. Bộ phim lên đến cao trào với cảnh “Bữa ăn tối cuối cùng” khi máy quay phim quay cận cảnh kỹ lưỡng khuôn mặt của từng vị tu sĩ. Mỗi gương mặt thể hiện cả niềm vui lẫn nỗi thống khổ trong sự nhận ra một cách vô thức của chính người đó rằng mình sẽ sớm phải chết, thế nhưng, bởi vì những gì người đó đã nỗ lực trải qua và chấp nhận trong linh hồn mình, cái chết sẽ là một chiến thắng như thế nào. 

Trong câu chuyện, có một lúc, khi các vị tu sĩ bắt đầu thấy rõ rằng, đến một lúc nào đó, bạo lực chính trị và quân sự xung quanh họ sẽ xâm lấn vào tu viện, phim cho chúng ta xem một cảnh rất xúc động, những chiếc máy bay trực thăng lượn vù vù trên ngôi làng nhỏ và tu viện của họ, các cánh quạt ầm ầm như điềm báo cho những tiếng trống trận. Trong khi những tiếng đập chiến tranh này át hầu hết mọi âm thanh khác, các vị tu sĩ đáp lại bằng cách vào nhà nguyện, mặc lễ phục, nắm tay nhau và hát những bài hát nhẹ nhàng của lòng tin tưởng và ca ngợi Chúa, và khán giả chúng ta ngây người trước sự tương phản đó: những bài hát nhẹ nhàng của lòng tin tưởng trước binh khí chiến tranh đang lượn vù vù. Trong hai thứ đó, cái nào có quyền năng lớn hơn?

Trong các kinh Phúc âm cũng có một cảnh tương tự như vậy khi mô tả về sự ra đời của Chúa Giêsu. Một thế giới đầy bạo lực, dưới bàn tay quân sự khắc nghiệt của Đế chế La Mã, đang kiếm tìm một câu trả lời từ cao xanh. Và Chúa đã đáp lại bằng điều gì: Một em bé yếu ớt ngủ trong máng lừa. Đứa bé này rốt cuộc sẽ chiến thắng như thế nào? Sự nhẹ nhàng và nhu mì thừa kế thế gian này như thế nào?

Có thể lô-gic của điều này hơi gượng ép, nhưng chúa Giê-su đã ám chỉ một câu trả lời cho câu hỏi đó trong cách Người đáp lại các môn đồ khi họ hỏi tại sao họ không có quyền năng xua đuổi quỷ, trong khi Chúa Giêsu có thể xua đuổi chúng được. Câu trả lời của Chúa Giêsu mang tính ẩn dụ nhưng sâu sắc. Về căn cốt, Người trả lời  rằng “những con quỷ” bị xua đuổi không phải thông qua một quyền năng thần bí siêu việt, mà thông qua một quyền năng đạo đức siêu việt, nghĩa là, bởi một sức mạnh được tạo ra từ bên trong một người nào đó khi người đó nuôi dưỡng đầy đủ lòng chính trực, lòng biết ơn, tình thương yêu, sự trong trắng và sự nhẹ nhàng riêng, và giữ tất cả những điều đó một cách trung kiên trước mọi thử thách cám dỗ, kể cả bạo lực. Sự nuôi dưỡng những điều này trong lòng một người sẽ kết nối người đó với nguồn mọi Sinh Linh tối hậu, Quyền năng Tối hậu, thứ quyền năng mà Giêsu gọi là “Cha” của mình. Và thứ quyền năng đó, chỉ thứ quyền năng đó, cuối cùng mới đứng vững; mọi thứ khác, kể cả những phương tiện quân sự tinh vi nhất cuối cùng phải lùi bước trước tuổi già, mục ruỗng, lỗi thời, và chết chóc. Những chiếc máy bay trực thăng đang lượn vù vù trên đầu những vị tu sĩ đang hát thánh vịnh kia giờ đây nằm trong các bãi rác, bài thánh vịnh của các vị tu sĩ vẫn tiếp tục. 

Điều đó không dễ gì chấp nhận được. Cám dỗ muôn đời là cố gắng đánh bại bạo lực với một thứ bạo lực siêu việt hơn về mặt luân lý, cái kiểu chúng ta thấy ở đoạn kết các bộ phim tẩy trần trong đó người anh hùng dùng súng áp chế được những kẻ xấu bằng cách phô diễn cơ bắp nhiều hơn, hỏa lực nhiều hơn và chính xác hơn bọn xấu kia. Quỷ dữ rồi thì bị xua đi bằng một thứ bạo lực siêu việt hơn. Nhưng đó không phải là cách của Giêsu hay Phúc âm; cũng không phải là cách của những vị tu sĩ dòng Trappe tử vì đạo ở Ăng-giê-ri. Đối diện với bạo lực sắp diễn ra, hành động đầu tiên của chúng ta là không nên tìm cách huy động một thứ bạo lực siêu việt hơn. Không. Như những vị tu sĩ tử vì đạo kia, chúng ta nắm tay nhau và hát những hát tình thương và tin tưởng. Hoặc, để thay đổi hình ảnh một chút, giống như ba chàng thanh niên trong Sách Đanien, chúng ta hát những bài thánh ca, kể cả khi chúng ta đang bước đi giữa những ngọn lửa nóng gấp bảy lần so với bình thường. 

Chấp nhận cách đáp lại bạo lực như thế này thật sự không phải là loại đi khả năng tự vệ được biện minh về mặt đạo đức hay khả năng một cuộc chiến tranh chính nghĩa. Thế giới này phức tạp, đạo đức phức tạp, mà chúng ta không phải bao giờ cũng ở vào cùng một tình thế trong đời sống của mình, trong đức tin của mình, và trong lòng tin tưởng vào Chúa của chúng ta. Một kích thước không thể vừa cho tất cả. Và, trong “Về Chúa và Con người”, mỗi vị tu sĩ đã phải tự đưa ra quyết định đau đớn nhưng thích hợp của mình để đáp lại bạo lực. Mỗi chúng ta cũng vậy. 

Đây không phải là một tiêu chí cho mọi quyết định luân lý về tự vệ và chiến tranh (mặc dù, không kể tới hoàn cảnh cụ thể, chúng ta nên luôn luôn tin vào câu châm ngôn rằng bạo lực luôn luôn nảy sinh ra bạo lực nhiều hơn) mà là một lời mời, lời mời gọi để bắt đầu vun xới trong lòng chúng ta một kiểu “cầu nguyện và ăn chay” xua đi mọi quỷ dữ, kể cả bạo lực. Lời mời gọi này là bắt đầu nuôi dưỡng từ sâu thẳm bên trong mình lòng chính trực, biết ơn, thương yêu, trong trắng và nhẹ nhàng riêng, và giữ tất cả những điều đó một cách trung kiên trước mọi thách thức cám dỗ, kể cả bạo lực.