Người ta thường bảo rằng, quyển sách bạn cần đọc nhất sẽ tìm đến bạn khi bạn cần đọc nhất. Tôi đã nhiều lần trải nghiệm điều này, và gần đây nhất là với quyển Chiếc áo cháy lửa, Một năm với thánh Teresa Hài Đồng Giêsu (Shirt of Flame) của Heather King
Tựa đề quyển sách mượn từ T.S. Eliot, trong quyển Bốn bộ tứ (Four Quartets) trong đó ông cho rằng Tình yêu, hay Thiên Chúa, ẩn sau sự giày vò mà chúng ta thường cảm nhận trong những khát khao mãnh liệt của chính mình và sự thiêu đốt mà chúng ta cảm nhận đó là “chiếc áo lửa không chịu đựng nổi.”
Tác giả King viết quyển sách này từ một hoàn cảnh dữ dội trong chính đời mình: Cô là một tác giả, nhà báo tự do, độc thân, đã ly hôn, đang phục hồi chứng nghiện rượu, cố gắng dàn xếp một vài tăm tối trong quá khứ, đương cự với một ám ảnh gây tê liệt cả tinh thần, khi cô yêu mà không được đáp lại, cô cũng mạo hiểm về tài chính khi từ bỏ công việc ổn định trong ngành luật để đổi lấy sự bất định của một tác giả tự do, và đang phải vật lộn với cảm thức mình là người ngoài cuộc xa lạ với những đều bình thường như gia đình, hôn nhân, và cộng đồng, cảm nhận mình như cô nhi ngoài bàn tiệc cuộc đời. Vậy nên, cô để dành một năm để chìm đắm nơi một trong những vị thánh lôi cuốn nhất mọi thời đại, Têrêxa Hài Đồng Giêsu, để cố gắng tìm xem liệu thánh Têrêxa có phải là kim chỉ nam đạo đức và thiêng liêng, nhằm xác định lại cuộc đời của mình hay không. Kết quả là một quyển sách chính chắn, thấu suốt sâu sắc và cực mạnh.
Cô nhận ra nơi linh hồn Têrêsa, bên trong linh hồn một vị thánh, bên trong con người dường như có thể từ bỏ mọi sự vì Chúa, họ có cùng những khát khao mãnh liệt mà cô cũng đang cảm nhận trong lòng mình. Và cô nhận ra những ngọn lửa này có thể vừa thanh luyện vừa hủy diệt, cứu rỗi hay giày vò, biến đương sự thành thánh nhân lớn hay thành tội nhân lớn. Vậy nên, cô để ngọn lửa của thánh Têrêsa chiếu tỏa trên ngọn lửa của lòng cô. Và do bởi những gì riêng tư và cá nhân nhất trong mỗi chúng ta, nếu được bày tỏ, cũng sẽ mang tính chung nhất, cho nên khi tiết lộ những đấu tranh riêng tư và sâu thẳm của mình, quyển sách của cô cũng soi rọi cho cuộc đấu tranh chung của nhân loại. Tuy nhiên, quyển sách này là kiểu tự bày tỏ, chứ không hề phô trương, một điều mà tác giả nắm rất rõ.
Ví dụ như, rút ra từ một sự kiện nhiều người biết trong cuộc đời thánh Têrêsa khi còn bé, được chị mình bảo chọn ra một thứ trong chiếc giỏ may đầy bóng mày, Têrêsa nói: “Em chọn hết!” và lấy hết cả giỏ rồi đi. Cô King suy ngẫm dựa trên đấu tranh của chính mình với ý chí chỉ mong một điều, như Kierkegaard cũng từng trải qua. Và đây là điều mà cô rút ra cho cuộc đời mình:
“Em chọn hết!” thánh Têrêsa đã nói thế, và tôi còn tiến hơn nữa, tôi càng thấy một sự tiến thoái lưỡng nan của con người đó là muốn tất cả. Tôi muốn độc thân, và tôi cũng muốn bung mình cho người bạn đời, tôi muốn các bí mật tăm tối, tiếng động, ánh sáng, sự điên cuồng và kích động của chốn đô hội, và tôi cũng muốn trồng một khu vườn, nuôi súc vật và sống ở trang trại. Tôi muốn sống một nơi suốt đời, và tôi cũng muốn chu du dọc ngang hết mọi thước đất trên địa cầu trước khi chết. Tôi muốn ngồi hoàn toàn tĩnh lặng, và tôi cũng không ngừng dấy lên ý muốn hoạt động. Tôi muốn trốn đi và sống ẩn danh, và tôi cũng muốn nổi tiếng. Tôi muốn gần gũi với gia đình, và tôi cũng muốn để mặc gia đình. Tôi muốn cả đời mình thật năng động, và tôi cũng muốn dành cả đời để trầm tư. Tôi muốn trao mọi sự cho Chúa, và tôi không biết làm thế nào! Tôi khao khát được trao đi cái tôi trọn vẹn của mình, và tôi không thể!”
Suy tư về lời khấn khó nghèo của thánh Têrêsa, cô King viết: “Khó nghèo không bao giờ là chuyện tự nguyện. Khó nghèo hệ tại chính ở việc bạn tuyệt đối không muốn nghèo.” Lấy ý từ nhà thơ người Đức, Gertrud von le Fort, người đã viết rằng khi linh hồn cô thống khổ nhất, thì mọi thứ chung quanh cũng thốt lên rằng: “Nhưng cô chẳng là gì cả!” Và cô King viết tiếp: “Ít nhất có ai đó đã nói lên chuyện đời tôi. Đặc biệt trong mười năm qua, tôi đã thống khổ, và “họ” – chồng tôi, người tôi yêu, nghiệp pháp lý, nghiệp y khoa khi tôi mắc ung thư, ngành xuất bản- tất cả đã nói rất nhiều rằng: “Nhưng cô chẳng là gì cả.” Nơi nào tôi hướng đến, đều là một bức tường trống không. Mọi sự tôi hy vọng, đều là tro bụi. Mọi sự tôi đã làm việc, chỉ là “Nhưng cô chẳng là gì cả.” … Một buổi sáng khi đang tắm, tôi khóc với Chúa Kitô: “Con không yêu Chúa, và Chúa cũng không yêu con!” Chúng ta đều như thế.
Nếu bạn đấu tranh với đức tin, với sự rạn vỡ trong đời, với một ám ảnh, với một chứng nghiện, với một ý thức gặm nhấm rằng cuộc đời bạn đã sai lầm, ý thức mình là kẻ ngoài cuộc, một cô nhi trên bàn tiệc sự sống, và nhất là, với một nhận thức rằng mình không yêu Chúa Giêsu, và Chúa cũng không yêu mình, rằng mình là hư vô, thì quyển sách này dành cho bạn đó. Đây là quyển sách cho những người nghĩ là mình quá yếu, và bác sĩ cũng chẳng giúp gì được.
Chiếc áo cháy lửa
Tháng Hai 1, 2016