Quan niệm về khiết tịnh đã bị sụp đổ nặng nề.

Vài năm trước, tôi được mời đến nói chuyện với một nhóm sinh viên tại một đại học Công giáo. Thư mời đi kèm một yêu cầu và một giới hạn. Tôi được yêu cầu nói về khiết tịnh, nhưng lý tưởng nhất là tránh nhắc đến từ đó. Trưởng khoa Thần học, người mời tôi, đã đánh giá tình hình như thế này: Có lẽ hơn bất kỳ điều gì khác, các sinh viên cần có một thách thức về khiết tịnh, nhưng họ lại bị “dội” bởi từ đó nên nếu chúng ta nhắc đến từ đó trong tiêu đề bài nói chuyện, sẽ có rất ít sinh viên đến dự.

Linh tính của ông đúng về hai điều: nhu cầu cần có sự khiết tịnh trong đời sống sinh viên và ác cảm của họ với từ đó. Điều này cũng đúng với nền văn hóa của chúng ta.
Với nhiều người thời nay, từ khiết tịnh có những hàm nghĩa tiêu cực. Ngoài phạm vi những nhóm trong Giáo hội với con số ngày càng thu hẹp, thì từ “khiết tịnh” gần như luôn gợi lên cảm giác tiêu cực. Trong thế giới đặc biệt thế tục hóa và cầu kỳ hóa, khiết tịnh gần như bị đánh đồng với ngây thơ, với sự ngại ngùng về tình dục, với chủ nghĩa tôn giáo chính thống cực đoan, với một sự nhấn mạnh độc hại về trinh tiết, thiếu sự tinh vi, và là một thứ thuộc về một thời đại khác. Thường thì quan niệm này bị giễu cợt, thậm chí cả trong phạm vi tôn giáo. Thời nay, rất ít người dám nói về chuyện giữ trinh tiết trước hôn nhân hay xem khiết tịnh là một nhân đức.

Ẩn sau chuyện này là gì? Tại sao người ta lại thấy tiêu cực và khinh thị khiết tịnh như thế?

Một phần là do một số quan niệm đại chúng. Họ thường xem khiết tịnh có nền tảng ở chủ nghĩa tôn giáo chính thống cực đoan, một thứ mà nền văn hóa thời nay hoặc khinh thị hoặc thương hại (chẳng hạn như với phong trào (“Khiết tịnh vì Chúa Giêsu”). Cũng vậy, khái niệm khiết tịnh bị xem là sản phẩm của sự nhấn mạnh một phía, lâu dài của Giáo hội về sự trinh tiết và độc thân, cũng như thất bại của Giáo hội trong việc thể hiện rõ ràng một linh đạo lành mạnh và mạnh mẽ về tình dục. Thật khó để tranh luận với những quan niệm này, ngoại trừ lập luận rằng lý do cho sự suy tàn của khái niệm khiết tịnh trong nền văn hóa chúng ta là một chuyện phức tạp hơn thế nhiều.

Phải thừa nhận, giáo lý căn bản của chúng ta về khiết tịnh là một phần của vấn đề. Tôi cho rằng một số người thấy khái niệm này tiêu cực vì cách giới thiệu nó. Giáo hội và các giảng viên luân lý của chúng ta phải chịu phần nào trách nhiệm và thừa nhận rằng khái niệm khiết tịnh, dù không chủ ý, quá thường xuyên bị thể hiện như một thứ ngây thơ, kìm kẹp và quá nhấn mạnh đến sự trong trắng về tình dục. Và chuyện này cũng phần nào tương đồng với cách mà chủ nghĩa vô thần tìm thấy nền tảng của nó. Cũng như chủ nghĩa vô thần là ký sinh sống nhờ tôn giáo xấu, thì quá nhiều sự tiêu cực hướng đến khái niệm khiết tịnh cũng là ký sinh sống nhờ các giáo huấn tôn giáo không lành mạnh.

Tuy nhiên, cái nhìn tiêu cực của nền văn hóa chúng ta đối với khiết tịnh đâu chỉ tồn tại bởi một giáo lý căn bản thiếu lành mạnh. Vậy thủ phạm chính là gì? Sự tinh vi xem nó là nhân đức và tự nó cũng là mục đích. Nói tóm lại, nền văn hóa tôn vinh sự cầu kỳ cá nhân trên tất cả mọi sự, và khi sự cầu kỳ được tôn vinh quá cao, thì khiết tịnh trông có vẻ ngây thơ và ngu muội.

Thật thế không? Khiết tịnh là ngây thơ và ngu muội sao? Xét tận cùng, khái niệm khiết tịnh có thật là sự kìm kẹp tình dục, là sự ngại ngùng không lành mạnh, là sự nhấn mạnh độc hại về trinh tiết, là chủ nghĩa tôn giáo chính thống cực đoan, là sự kém tinh vi đáng thương hại hay không? Phải thừa nhận, đôi lúc, có thể là thế. Tuy nhiên, vấn đề của khiết tịnh là thế này.

Năm 2013, giáo sư nhà văn Donna Freitas, tác giả của một số sách về tình dục và đồng thuận, đã đăng một nghiên cứu với tiêu đề: Kết cục của Tình dục: Cách mà nền văn hóa tình qua đường làm cho một thế hệ bất hạnh, thiếu viên mãn về tình dục và mơ hồ về sự thân mật (The End of Sex: How Hookup Culture is Leaving a Generation Unhappy, Sexually Unfulfilled, and Confused about Intimacy). Tiêu đề đó cũng là tóm gọn cả quyển sách. Trong quyển sách này, bà không hề nói rằng những gì đang xảy ra trong văn hóa thời nay về vấn đề tình dục bất cần tầm hồn là sai trái hay tội lỗi (và bị nhiều người trong tôn giáo chỉ trích vì vậy). Bà đâu cần phải nói thế. Bà đã nêu rõ những hậu quả rồi, là bất hạnh, hoang mang, trầm cảm về tình dục.

Một thế hệ trước đó, nhà giáo dục lừng danh Allan Bloom, từ một quan điểm thuần thế tục, đã có cùng kết luận như vậy. Nhìn vào những sinh viên trẻ tuổi, vô cùng cầu kỳ của mình, ông kết luận rằng sự cầu kỳ vô độ mà họ quá tự hào (và ở đây ông cũng đưa ra cụm từ “sự vắng mặt của khiết tịnh trong đời sống của họ”) đã có tác động lên đời họ, làm cho họ “khập khiễng về tình ái”.

Và tôi cho rằng khiết tịnh xứng đáng được nền văn hóa của chúng ta nhìn lại. Có sự ngây thơ ấu trĩ và sự ngây thơ như trẻ con. Có loại tình dục qua đường và tình dục thấm vào tâm hồn. Có chủ nghĩa tôn giáo chính thống cực đoan và có sự khôn ngoan được thần thánh mặc khải. Có sự nhấn mạnh quá đáng về trinh tiết và có sự xâm phạm phi nhân hóa trên người khác (thứ mà phong trào #MeToo đang đứng lên phản đối). Có một sự buồn chán và mệt mỏi trong sự cầu kỳ cực đoan tin rằng mọi điều cấm kỵ phải bị xô đổ, và có sự rung động, hạnh phúc khi “cởi giày trước bụi gai đang cháy”. Phải thấy, trong mỗi một cặp này, khiết tịnh là tiếng nói của tâm hồn, của khôn ngoan, của tôn trọng và của hạnh phúc.