Một vài trường phái tâm lý học thời nay cảnh báo chúng ta về “bóng tối” của mình. Vậy bóng tối của chúng ta là gì?
Về cơ bản là thế này: Chúng ta có trong mình những sinh lực mãnh liệt đến nỗi không thể lúc nào cũng đương đầu được với chúng, nên chúng ta xử lý chúng bằng cách chối bỏ và đè nén để khỏi phải đối diện với chúng. Có thể nói ẩn dụ là chúng ta chôn chúng trong thửa đất bí mật của linh hồn, nơi chúng tránh xa tâm trí có ý thức của chúng ta.
Nhưng có một vấn đề. Những gì chúng ta chôn giấu không nằm yên mãi được. Dù cho những sinh lực này không nằm trong vòng ý thức của chúng ta, nhưng chúng vẫn tiếp tục tác động đến cảm giác, suy nghĩ và hành động của chúng ta bằng đủ mọi cách vô thức. Những sinh lực sâu sắc và bẩm tính của chúng ta sẽ luôn phát tiết ra, dù là ý thức hay vô thức. Carl Jung, một trong những nhà tiên phong về lĩnh vực này, nói rằng chúng ta phải thể hiện một cách vô thức những hành động mà chúng ta không kiểm soát được cách ý thức.
Có lẽ hình ảnh đơn giản này sẽ giúp dễ hiểu hơn. Thử tưởng tượng mình sống trong một căn nhà có tầng hầm, một tầng hầm mà bạn chẳng bao giờ xuống đó, và cứ mỗi khi cần vứt đi thứ gì là bạn chỉ việc mở cửa và ném chúng xuống hầm. Trong một thời gian, cách này có hiệu quả, những thứ chúng ta không muốn thấy giờ đã khuất mắt, nhưng rồi đống rác bắt đầu lên men và mùi của chúng lên qua lỗ thông hơi, làm ô nhiễm không khi nhà bạn. Đống rác đó đã không làm phiền bạn trong một thời gian, nhưng rồi chúng lại làm ô nhiễm môi trường của bạn.
Đây là một hình ảnh dễ hiểu, dù cho nó chỉ phản ánh một chiều, chỉ nói đến những thứ tiêu cực chúng ta ném vào hầm. Và một chuyện đáng chú ý nữa, là chúng ta cũng ném vào đó những gì trong chúng ta khiến chúng ta e sợ sẽ phát tiết. Chúng ta sợ sự cao cả của mình, và chúng ta cũng che đậy phần nào sự cao cả đó. Bóng tối của chúng ta không chỉ cấu thành từ những thứ tiêu cực, nhưng còn cả những sự cao cả nhất trong chúng ta mà chúng ta sợ mình không xử lý nổi. Xét tận cùng, cả sinh lực tích cực và tiêu cực trong chúng ta đều khiến chúng e sợ không kham nổi, và cả hai đều phát xuất từ một nguồn, là hình ảnh Thiên Chúa ghi trong chúng ta.
Điều căn bản nhất trong đức tin Kitô của chúng ta, là chúng ta được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa. Tuy nhiên, không thể hiểu nó theo kiểu đơn giản hóa, như kiểu một biểu tượng đẹp đẽ được đóng dấu vào linh hồn chúng ta. Đúng hơn, chúng ta nên nghĩ về nó như một sinh lực thần thiêng, một tình yêu vô tận và một tinh thần vô hạn, đấu tranh không ngừng với những giới hạn trong sự hữu hạn của chúng ta. Chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng ta phải đấu tranh với những sinh lực, cảm giác, áp lực, và xung lực quá lớn, quá vô tận đến nỗi khiến chúng ta cảm thấy e ngại.
Nghịch lý thay, càng nhạy cảm, về mặt luân lý hay tôn giáo, thì chúng ta lại càng thấy e ngại những sinh lực này. Tại sao lại thế? Bởi có hai nỗi sợ thường tác động lên những linh hồn nhạy cảm. Thứ nhất là nỗi sợ của vị kỷ. Không dễ gì nắm bắt được sự cao cả, và những linh hồn nhạy cảm biết thế. Những người hoang dại và thâm hiểm cũng rút lấy sinh lực từ ngọn lửa thiêng, nhưng họ không biết nhạy cảm và cuối cùng họ gây tổn thương cho mình và cho người khác. Còn những linh hồn nhạy cảm thì trầm tư và dè dặt hơn. Họ sợ trở nên hoàn toàn quy kỷ, vị kỷ. Nhưng sự dè dặt đó không phải lúc nào cũng ích lợi cho họ. Quá nhạy cảm trong việc xử lý những sinh lực trong con người mình, đôi khi họ lại loại trừ cả Thiên Chúa khỏi con người họ.
Lý do thứ hai khiến những người nhạy cảm chôn chặt sự cao cả của mình là bởi họ gắn bó hơn với một nỗi sợ nguyên sơ trong chúng ta. Một nỗi sợ được diễn tả trong thần thoại Hy Lạp về Prometheus, nghĩa là chúng ta sợ sinh lực trong mình có thể là một sự đối đầu với Thiên Chúa, muốn trộm ngọn lửa của Thiên Chúa. Những người nhạy cảm lo sợ mình tự đại, sợ mình quá tập trung vào cái tôi.
Cũng như những phần tiêu cực mà chúng ta chôn dấu, cả sự cao cả của chúng ta khi bị nhét xuống hầm cũng bắt đầu lên men, biến thành một mùi độc hại và lan lên những ống thông hơi của ý thức chúng ta. Những mùi độc hại này mang lấy hình thù của giận dữ, ghen tỵ, cay đắng, và phán xét lạnh lùng. Phần lớn những cơn giận không mục đích của chúng ta cứ muốn trút lên đầu ai đó hay cái gì đó, chính là cái bóng của sự cao cả bị đè nén và chôn chặt.
Và chúng ta phải làm gì với chuyện này? James Hillman nói rằng, ‘Một triệu chứng sẽ đau đớn nhất khi nó chẳng biết chỗ của mình ở đâu.’ Chúng ta cần thêm những linh hướng có thể chẩn đoán cho chúng ta điều này. Các linh đạo của chúng ta quá ngây thơ trong việc chẩn đoán về sự kiêu ngạo và cái tôi. Chúng ta cần thêm những linh hướng có thể nhận ra chúng ta đã chôn chặt bao nhiêu phần cao cả của mình, nhận ra nỗi sợ sự viên mãn đã khiến chúng ta cố gắng gạt Thiên Chúa ra khỏi đời mình như thế nào.