Trong tiểu thuyết “Một tháng toàn ngày Chúa nhật” của John Updike, ông mô tả nhân vật linh mục Quản xứ bị xuống chức, dù ông là người phải đấu tranh với chính mình về đức tin, nhưng lại cực lực phê phán người trợ lý trẻ của mình, xem đức tin và thần học của anh là thứ ẻo lả và kém cỏi. Ông mô tả người trợ lý trẻ như sau:

Những gì anh ta có là một thứ “thần học khập khiễng, một pha trộn hoàn toàn tạp nham kiểu Jung-Zen, loại thần nhiệm vừa hồn vừa xác, nấu thành nồi lẩu nhạt nhẽo những thứ vô vị của Tillich, Jasper, Bultmann, thức ăn được dọn ra trong chiếc chén rẻ tiền là món dĩ hòa vi quý của thế hệ anh ta.” Tất nhiên cha xứ không vướng vào tâät nào ở trên, ông dị ứng vì thứ lẩu không hợp quan điểm mỹ học của ông. Theo ông, là thế này: “Hãy dùng những bình đá nguyên gốc, nếu không thì đừng dùng gì hết!”

Nghe thì thật hay và sáng suốt, và đúng như vậy. Nhưng nếu làm như thế thì có khôn ngoan không, hay chỉ đơn thuần là một trong những thứ có vẻ sáng suốt nhưng không khôn ngoan? Tôi thú nhận, có một thời tôi đã tóm lấy các phát biểu kiểu này và làm theo nó. Tôi cũng đã nuôi dưỡng thái độ: Hãy dùng bình cũ, bằng đá, rắn chắc. Đừng đem đến cho tôi thói dĩ hòa vi quý, kiểu ngồi lại với nhau thành nhóm nhỏ, cầm tay nhau và quả quyết mình yêu thương nhau!

Nhưng, khi đã có tuổi, tôi ngày càng hoài nghi bản thân tôi thời trẻ, hoài nghi cả một số điều khôn ngoan của thế hệ chúng tôi. Người ta cho vào đầu chúng tôi quá nhiều bình đá như thế, và rồi tôn giáo, chính trị, kinh tế, và thái độ của chúng tôi đều phản ánh từ đó mà ra. Chúng tôi được dạy phải khăng khăng và thuần nhất trong giáo lý, không khoan nhượng, phải trung thành với những gì có nơi mình, không chấp nhận bất kỳ điều gì không do tự mình tìm ra, tự hào về những chỉ trích nặng nề mà mình đã phải chịu. Chúng tôi cũng được dạy để tự bản chất không tin tưởng bất kỳ thứ gì có vẻ êm ái, những thứ không làm mà có, và những thứ không đến từ một chiếc bình trông rắn chắc.

Và phần nổi của chuyện này là: Nói chung, chúng tôi lớn lên, mạnh mẽ, độc lập, rắn rỏi, bản lĩnh, không tìm kiếm bất kỳ của rơi vãi nào cả về vật chất lẫn tinh thần. Chúng tôi không tin tưởng vào những hành vi mang tính quả quyết, hay việc cầm tay nhau, hay việc quá thường xuyên nói với nhau những câu như “Tôi thương bạn”. Chúng tôi học cách đào sâu nội tâm, tìm cách làm cho mình rắn rỏi hơn. Những chiếc bình đá được nuôi dưỡng theo cách này.

Nhưng vẻ ngoài rắn rỏi, tố chất không nhân nhượng, và niềm kiêu hãnh vì không bao giờ lấy những gì không do bàn tay lao động của mình làm ra, nhưng những thứ đó cũng có một mặt tối ẩn khuất của chúng. Chúng tôi có khuynh hướng công kích và cạnh tranh khiến chúng tôi khó chúc phúc cho ai, đặc biệt cho những người trẻ tài năng hơn mình. Chúng tôi thiên về ghen tỵ, không dễ bỏ cái vị trí trung tâm của mình, và chúng tôi hẹp hòi, quá dễ dàng rơi vào chủ nghĩa ái quốc sai lầm, kỳ thị chủng tộc, giới tính, cũng như nhiều dạng kiêu căng tự đại khác.

Gần đây, tôi nghe bài phỏng vấn một phụ nữ trẻ trên đài, cô đã là mẹ, cô chia sẻ hằng ngày cô gọi điện thoại cho mẹ, được mẹ cô nói lời yêu thương và cô hy vọng, cô cũng sẽ nói như vậy với đứa con còn nhỏ của mình. Phản ứng bộc phát của tôi là phản đối: Quá mật ngọt! Thật là một thế hệ được nuông chiều đến hư hỏng! Một phụ nữ trưởng thành vẫn cần loại khẳng định yêu thương này của mẹ! Tôi không lớn lên theo kiểu như thế! Thế hệ của tôi không lớn lên theo kiểu như thế! Thật ủy mị sướt mướt!

Vì không tin gì nơi tính ủy mị đa cảm này nên chúng tôi không thấy điều gì tốt ở đây, trong lời nói cũng như việc làm. Và vì do rắn rỏi và khinh thường tính đa cảm, chúng tôi thấy thật khó để khẳng định tình yêu và chúc phúc cho người khác. 

Vì thế, tôi nhìn vào những dòng trên của Updike với cái nhìn phê phán (vẫn giữ trong lòng rằng đây chỉ là những lời nói của một nhân vật hư cấu và chẳng cần phải suy ngẫm thái độ của Updike trong đó). Tôi nhận ra những dòng này thật sáng suốt và tôi tôn trọng ý nghĩa ẩn sâu bên trong chúng. Xét cho cùng, chúng bắt nguồn từ một cảm thức tinh tế, một ước vọng có được một mỹ học đúng đắn, kèm theo là sự khinh thị đối với bất kỳ thứ gì sướt mướt và đa cảm, một thứ suy nghĩ cố gắng nhận nhầm rằng mình đủ sâu sắc. Tất cả chúng ta có thể cảm được tại sao nhân vật linh mục Quản xứ của Updike lại có cảm nhận như thế, vì tất cả chúng ta đều có một phẫn nộ giống nhau khi thấy loại nước giải khát rẻ tiền khoa mép tự cho mình là rượu thượng hạng. Tất cả chúng ta đều có những chiếc bình đá ưa thích riêng của mình.

Nhưng khi nhận ra điều này, chúng ta cũng cần công nhận rằng Tillich, Jasper, Jung và thuyết thần nghiệm khó có thể là một thứ nước giải khát chua ngọt rẻ tiền. Và, quan trọng hơn, chúng ta cũng phải công nhận rằng nơi những người cảm thấy cần đến với những nhóm nhỏ, gặp gỡ và cầm tay nhau, cũng như nơi những người trẻ thấy cần phải gọi điện cho mẹ mỗi ngày để được mẹ nói những lời yêu thương, ở nơi họ, chúng ta thường thấy một tấm lòng ấm áp nồng hậu của tình yêu Thiên Chúa, mà tấm lòng này lại chẳng thấy rõ nơi một số nhóm ưu tú của chúng ta, những người thích lấy nguồn sống từ những chiếc bình đá, nhức nhối muốn tìm một mỹ học cao hơn, cảm thấy bị xúc phạm vì các tiêu chuẩn sống gần như đang bị xuống giá, lại còn mong tính chính thống được thuần nhất hơn, và rồi cũng như nhân vật Quản xứ trong truyện của Updike, có những phán xét chua cay đối với đồng bạn mình.

Những bài học đạo đức kiểu chua cay, cho dù nguồn gốc phẫn nộ của chúng có căn cứ đến đâu đi nữa, vẫn luôn phát sinh ra nhiều dạng và luôn lộ rõ bộ mặt thật của chúng trong sự vắng bóng tình nồng ấm và trong bất lực không có khả năng chúc phúc cho người khác.