Từ xưa đến nay, các định luật toán học và vật lý vẫn luôn là những điều bất di bất dịch vĩ đại. Chúng có thể tiên liệu được và đáng tin cậy, không có những bất ngờ lạ kỳ. Nhưng giờ đây, các nhà khoa học ngày càng phát hiện, đôi khi các định luật vật lý cũng có những bất ngờ và cho thấy một mức độ tự do khiến chúng ta bối rối. Dường như tự do có mặt khắp mọi nơi.

Các tiểu thuyết gia luôn luôn hiểu điều này. Họ hư cấu lên một nhân vật, bắt đầu viết câu chuyện, và rồi phát hiện ra không phải lúc nào nhân vật này cũng tuân theo những gì họ nghĩ sẵn trong đầu cho nó. Nó trở thành một con người riêng, có thái độ riêng, có cách đi đứng riêng, và hướng câu chuyện đi theo một cách mà tiểu thuyết gia chưa bao giờ nghĩ đến trong đầu. Cuối cùng, phần nào nó độc lập với tác giả, mỗi một nhân vật tự viết nên câu chuyện của riêng mình.

Trong cuốn sách mới Một Triệu Dặm trong Một Ngàn Năm (A Million Miles in a Thousand Years), Donald Miller lấy ý tưởng này và dùng nó để đưa ra một thử thách tuyệt vời, theo đó mỗi người trong chúng ta được mời biên tập lại đời mình để biến câu chuyện đời mình hay hơn và cao đẹp hơn.

Ông làm như vậy thông qua một loạt các bài viết tự sự, trong đó ông tự thách thức mình viết lên một câu chuyện đời hay ho hơn cho bản thân, và sau đó mời mỗi độc giả tự chỉnh lại cuộc đời của chính mình nhằm xây dựng nên một câu chuyện thú vị hơn và cao đẹp hơn, một câu chuyện mà, giống như một bộ phim tuyệt hay, khi kết thúc sẽ khiến khán giả rơi nước mắt và khao khát làm những điều tốt đẹp hơn với đời mình.

Ông mô tả điều này như sau: “Và thế là tôi thì viết tiểu thuyết, còn các nhân vật của tôi thì làm những gì họ muốn, càng ngày tôi càng nhận ra một người nào đó đang viết tôi. Vì vậy tôi bắt đầu lắng nghe Tiếng nói đó, hay đúng hơn, tôi bắt đầu gọi đó là Tiếng nói và chấp nhận đó là Người viết. Tôi thừa nhận rằng một điều gì đó không phải là tôi đang chỉ cho tôi thấy một cách hay hơn. Và khi tôi thừa nhận như vậy, tôi nhận ra rằng Tiếng nói đó, Người viết đó, mà không phải là tôi, đang cố gắng tạo nên một câu chuyện hay hơn, một loạt những trải nghiệm ý nghĩa hơn để tôi có thể nếm trải.”

Lối viết của ông giỏi nhưng dễ đánh lừa. Vì tính chất khác thường như vậy, nên nhiều khi có vẻ ông gần như hời hợt, nhưng, rốt cục, cái bạn có là một sự kết hợp giữa David Sedaris (dí dỏm nhanh trí, giấu mình một cách bông đùa), Annie Lamott (trần tục, thẳng thắn theo cách khiến người khác quy thuận), Kathleen Norris (trực giác xuất sắc, thông minh), Henri Nouwen (cái nhìn trung thực về bản thân), và Ignatius of Loyola (những quy tắc hay để minh định và một chút như là một hướng dẫn về mọi điều). Donald Miller pha trộn tất cả những điều đó lại với nhau.

Thoạt tiên, khi đọc những chương đầu, tôi chỉ để ý tới ngôn ngữ hành văn của ông chứ không để ý đến nội dung. Ông có vẻ như là một người có tài dí dỏm trong kịch vui hơn là một bậc cao niên thông thái. Nhưng rồi một cách từ từ, gần như không nhận thấy – và đó là biệt tài của ông – chiều sâu, lý tưởng, tầm nhìn Ki-tô, trực giác khiến người khác quy thuận, và theo mạch truyện, thách thức thật sự của ông bắt đầu thấm vào, mỗi lúc một trở nên rõ ràng và mời gọi hơn.

Đây là một ví dụ cho cách hành văn lẫn chiều sâu của ông. Trong đoạn văn này, ông chia sẻ cách ông minh định tiếng nói đích thật của Chúa với nhiều tiếng nói không thật do thần kinh kích thích mà ông và hầu như bất kỳ ai khác có thể dễ dàng nhầm với tiếng nói của Chúa:

“Hồi còn nhỏ, cảm thức duy nhất mà tôi có từ Chúa là tội lỗi, một cái gì đó tôi gạt đi, xem như đó là một loại lương tâm quá sức nhạy cảm do giáo dục ở nhà thờ của một vị mục sư áp chế. Nhưng đó không phải là tiếng nói mà tôi đang đề cập. … Tiếng nói thật sự đó yên lặng hơn, nhỏ hơn và dường như biết được một cách không hề nhầm lẫn sự khác nhau giữa đúng và sai, và ranh giới tinh tế giữa cái đẹp đẽ và cái trần tục. Đó không phải là tiếng nói kích động, mà luôn luôn kiên nhẫn, như thể chấp nhận được cả triệu lần làm sai. Cái Tiếng nói mà tôi đang đề cập là một thứ minh triết làm tâm hồn được bình an trong sâu thẳm, nó nói rằng: hãy chớ mở lời; đừng nói như vậy về người đó; hãy tha thứ cho người bạn mà lâu nay mình không nói chuyện; đừng coi người phụ nữ đó như vật sở hữu; ba muốn chỉ cho con thấy hoàng hôn; hãy nhìn ngắm đi và thấy cuộc đời ngắn ngủi biết chừng nào còn các vấn đề của con không xứng đáng khiến con lo lắng đến vậy; hãy mua một chai rượu vang và gọi điện cho người bạn của mình, xem anh ta có đến được không, bởi vì, hãy nhớ rằng anh ta phải có cuộc trò chuyện đó với con gái mình, và bạn cần hỏi anh ta về việc đó.”

Và Tiếng nói đó, ông nói, vẫn luôn luôn bảo chúng ta: “Hãy yêu thích vị trí của mình trong câu chuyện của tôi. Vị trí đó đẹp ở chỗ nó cho biết bạn là quan trọng, và bạn có thể tạo ra vị trí đó kể cả khi tôi là người đã tạo ra bạn.”

Cuối cùng, quyển sách đó là một lời xin lỗi lành mạnh về đức tin, luân lý, lòng tử tế, và Chúa, là loại thử thách mà ngày nay chúng ta thật sự rất cần. Một người bạn cho tôi quyển sách này, bạn tôi có cô con gái khoảng 20 tuổi từ lâu luôn khẳng định mối nghi ngờ về Chúa, và, cũng không kém phần quan trọng, quan niệm bất khả tri về giáo hội. Bạn tôi kể, cô gái trẻ hậu-Kitô này thấy quyển sách đó trên bàn ăn trong bếp, tò mò nhặt lên, và đọc ngấu nghiến từ đầu tới cuối, thừa nhận nó đã thách thức cô rất nhiều.

Một lời xác nhận không đến nỗi tệ!