RonRolheiser,OMI

Tưởng niệm anh George của tôi

A A A

Vài tuần trước, anh George của tôi qua đời. Cái chết của anh phần nào làm chúng tôi sốc vì một tuần trước khi mất, sức khỏe của anh khá tốt. Cuộc đời của anh nên được kể lại. Triết gia giáo sư Mircea Eliade từng nói, không một cộng đồng nào nên làm xấu người đã khuất.

Dù rất thông minh và đầy động lực, anh George chưa hề có cơ hội được học lên cao. Gia đình chúng tôi đông con, sống ở một nông trại nhỏ không đủ chu cấp nhiều cho cả nhà. Cũng như các anh chị lớn trong nhà, anh nghỉ học sớm để làm việc giúp gia đình. Và chuyện này cũng không lạ gì. Trong cộng đồng nhập cư thế hệ thứ hai nơi chúng tôi sinh trưởng, phần lớn thế hệ các anh chị lớn đều như vậy. Cũng như nhiều người khác như anh, câu chuyện của anh là câu chuyện từ bỏ ước mơ của mình để đem lợi ích đến cho người khác.

Cuộc đời của anh là câu chuyện tận tụy vì đức tin, vì gia đình, Giáo hội và cộng đồng. Đa phần anh buộc phải làm thế vì hoàn cảnh. Dù anh rất thông minh, có lẽ anh là người thông minh nhất nhà, nhưng hoàn cảnh buộc anh phải nghỉ học từ năm lớp 8 để phụ giúp gia đình. Kết quả, anh chưa thật sự có cơ hội làm việc mà anh mong muốn trong đời, cả về sự nghiệp lẫn chuyện hôn nhân và có gia đình; và với anh, hy sinh lớn nhất không phải là sự nghiệp mà là hôn nhân.

Anh George chưa hề muốn là người độc thân cả đời, nhưng cuộc sống và những cam kết của anh không cho phép anh kết hôn, anh sống cuộc đời độc thân (gần giống với linh mục và tu sĩ). Dù vậy, cũng như người sống độc thân theo lời khấn, cuối cùng thì cũng đem lại nhiều phúc phần cho anh. Anh có một gia đình rất lớn, với nhiều người trên khắp thế giới xem anh là anh em, là người chỉ dẫn, là người bạn tin cẩn. Từ khi anh qua đời, hàng loạt thư từ, e-mail, tin nhắn, điện thoại từ khắp nơi gởi về chứng tỏ địa vị của anh trong cuộc đời họ. Anh chết trong độc thân, nhưng anh chết như một người được yêu thương.
Tuy nhiên, mọi chuyện này đều có cái giá của nó. Những người được anh tâm tình về những chán nản của anh, họ biết cái giá mà tâm hồn anh phải trả cho đời sống độc thân này. Nhiều lúc, anh chỉ cần tìm một nơi riêng tư và an toàn để trút nỗi chán nản và căng thẳng trong lòng, nhiều lúc anh không thể theo gương kiên nhẫn và quên mình của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, anh luôn bày tỏ nỗi chán nản của mình nơi an toàn, để không làm tổn thương bất kỳ ai. Anh luôn vượt lên nỗi chán nản của anh. Phần sâu thẳm nhất trong anh luôn thân ái và hóm hỉnh. Anh đi đâu là đem tiếng cười đến đó.

Hơn nữa, anh còn là con người của đức tin và của Giáo hội. Giáo hội là phần cốt yếu, anh xem như gia đình, và anh đã dốc hết mình, cho cả Giáo hội địa phương vùng nông thôn nơi anh sống và cho cả Giáo hội ở tầm vóc lớn hơn. Hơn 20 năm, anh giúp dẫn dắt chương trình Đào tạo Giáo dân và hỗ trợ mục vụ giới trẻ ở giáo phận quê nhà. Sự tận tụy và năng lực của anh đem lại cho chương trình đã được nhiều người công nhận. Thật vậy, có lần, giám mục địa phương đã nói với anh: “George, tôi có một câu hỏi cho anh, anh muốn tôi phong chức cho anh ngay giờ, hay anh muốn vào chủng viện vài năm”. Mục vụ trong tư cách linh mục hẳn là ước mơ thành hiện thực với anh, nhưng những người hiểu anh cũng biết lý do vì sao anh từ chối lời mời đó. Anh vẫn còn nhiều nghĩa vụ với gia đình và cộng đoàn mà anh cảm thấy mình không thể từ bỏ. Có thể đặt câu hỏi về lựa chọn đó, nhưng đó là lựa chọn từ sự tận tụy và quên mình, đặt nhu cầu của người khác lên trước bản thân.

Trong Tin Mừng, thánh Gioan đã mô tả chuyện sau khi Chúa Giêsu chết, binh lính đâm vào cạnh sườn Ngài và “lập tức máu và nước chảy ra” từ thân xác đã chết của Ngài. Một hình ảnh đáng để chúng ta chú ý! Sự sống tuôn trào từ xác chết! Sau khi Chúa Giêsu chết, các môn đệ cảm thấy mình được Ngài nuôi dưỡng một cách sâu sắc hơn cả khi Ngài còn sống. Từ tinh thần mà Chúa Giêsu để lại, họ cảm nhận được sự sống và sự thanh tẩy tuôn tràn.

George cũng để lại tinh thần như thế. Mọi người quen biết anh sẽ tiếp tục nhận lấy tinh thần ấy, quên mình, hy sinh ước mơ của mình vì gia đình và Giáo hội, sẵn sàng gánh lấy nản lòng và căng thẳng vì người khác. Và chúng ta còn được nuôi dưỡng bằng sự hài hước và vui vẻ anh mang lại, một phẩm chất thể hiện cả trí thông minh và niềm vui sống của anh.

Anh đã sống một cuộc đời tốt lành. Anh đã chết như một người được yêu thương. Anh sẽ được cả gia đình rộng lớn tưởng nhớ, gia đình mà anh đã hy sinh hôn nhân và có con cái riêng cho mình.

Mất đi tính ngây thơ

A A A

Câu chuyện Cựu Ước về ông Sa-un là một trong những tấn bi kịch lớn nhất lịch sử văn học. So với câu chuyện của Sa-un, Hamlet chỉ là nhân vật của Disney. Ít ra, Hamlet có lý do hợp lý cho sự cay đắng chiếm lấy mình. Còn vua Sa-un, với khởi đầu của ông, đáng ra ông phải tốt đẹp và thuận lợi hơn nhiều, rất nhiều.

Câu chuyện của ông bắt đầu với tuyên bố, trong toàn dân Israel, không một ai so sánh được với ông về chiều cao, sức mạnh, sự tốt lành hay sự tán thành. Một lãnh đạo bẩm sinh, một quân vương giữa toàn dân, tính cách phi thường của ông được toàn dân công nhận và tán dương. Họ đã biến ông thành vua. Khởi đầu câu chuyện của ông không khác gì cổ tích, và nó tiếp diễn như thế trong một thời gian.

Tuy nhiên, đến một lúc, mọi chuyện bắt đầu trở nên xấu. Lúc đó là lúc Đavid xuất hiện, một người trẻ hơn, đẹp hơn, tài năng hơn và được ca ngợi hơn ông. Sự ghen tị xuất hiện và bắt đầu đầu độc tâm hồn Sa-un. Khi nhìn Đavid, ông chỉ thấy sự ái mộ lấn át ông, chứ không thấy sự tốt lành của người khác và càng không thấy sự tốt lành đó đem lại gì cho người khác. Thay vào đó, ông ngày càng cay đắng, nhỏ nhen, thù địch, cố giết Đavid, và cuối cùng chết bởi chính tay mình, một con người giận dữ đã xa rời sự ngây thơ và tốt lành thời trẻ của mình.

Vậy chuyện gì đã xảy ra? Làm sao một người có quá nhiều thứ như ông, tốt lành, tài năng, được ca ngợi, quyền lực, phúc lành, làm sao một người như thế lại có thể trở thành một kẻ cay đắng và nhỏ nhen, rồi cuối cùng tự sát? Sao chuyện lại xảy ra như thế được? Cố tác giả Margaret Laurence, trong tiểu thuyết xuất sắc và tăm tối Thiên thần đá (The Stone Angel), đã cho chúng ta một mô tả rất hay về cách câu chuyện này xảy ra, và nó xảy ra cách kín đáo không cho người đó nhận ra mình đang biến đổi.

Nhân vật chính của bà là Hagar Shipley, kiểu người như vua Sa-un. Câu chuyện của Hagar cũng bắt đầu như thế. Cô trẻ trung, ngây thơ và đầy tiềm năng. Và cô gái trẻ trung, tài năng, sáng láng, xinh đẹp này sẽ trở nên nhân vật thế nào? Đáng buồn là, lại chẳng đi đến đâu. Cô vật vờ trôi dạt vào mọi thứ: tuổi trưởng thành, hôn nhân không hạnh phúc, một nỗi thất vọng sâu sắc không thể nhận ra, không diễn tả được, đến nỗi cuối cùng làm cho cô thành nhếch nhác, lạnh lẽo, cay đắng, không còn sinh lực hay chí khí gì nữa. Điều đáng buồn nhất là bản thân cô lại chẳng thấy được chuyện này. Trong đầu cô, cô nghĩ cô vẫn là cô gái trẻ trung, ngây thơ, dễ thương, quyến rũ, nổi bật như thời trung học. Cô không để ý thấy thế giới của mình đã trở nên nhỏ bé đến thế nào, số bạn bè thật sự chẳng còn bao nhiêu, cô không còn ngưỡng mộ điều gì hay ngưỡng mộ ai, cô đã trở nên nhếch nhác như thế nào cô cũng không biết.

Và cô đã thức tỉnh một cách đột ngột, tàn khốc. Một ngày mùa đông nọ, luộm thuộm trong bộ áo trùm đầu, cô bấm chuông cửa nhà nọ để giao trứng. Một đứa bé sáng sủa ra mở cửa, và Hagar nghe cậu bé nói nói với mẹ: Cái bà già giao trứng gớm ghiếc đang đứng ở cửa!

Quá choáng váng, cô rời ngôi nhà và tìm đường đến nhà vệ sinh công cộng, mở hết đèn lên và soi mình trong gương. Trước mắt cô là một gương mặt mà cô còn nhận không ra, một người quá đỗi thảm hại trái ngược với những gì cô hình dung về mình. Cô thấy trước mắt đúng là bà già giao trứng gớm ghiếc mà đứa bé thấy, chứ không phải là cô gái trẻ trung, nhân hậu, dễ thương, hấp dẫn mà cô nghĩ mình vẫn là. Cô tự hỏi, “làm sao có thể như thế này được?”. Làm sao mà chúng ta lại trở thành một người mà chúng ta không quen, không thích và chẳng hề nhận ra chuyện này?

Có thể nói, đây là chuyện của tất cả chúng ta. Không dễ để già đi, để chấp nhận chúng ta đã xa rời giấc mơ về mình, để nhìn người trẻ tiếp nối sự nổi tiếng và ca ngợi mà chúng ta từng có. Như Sa-un, chúng ta có thể đầy ghen tị mà không biết, và như Hagar, chúng ta có thể cay đắng và xấu xí mà không biết. Nhưng người khác lại nhận ra.

Và trong chuyện này, không phải chúng ta không đạt được điều gì. Thường thì chúng ta trở nên khôn ngoan hơn theo kiểu của thế gian mà vẫn là người tốt tính, rộng lượng. Tuy nhiên, chúng ta có khuynh hướng xấu tính hơn trước, than vãn quá nhiều, thương thân quá nhiều, và chiều theo thói nguyền rủa thay vì chúc phúc khi thấy người khác thế chỗ mình, những người trẻ, người được ái mộ, người được ca ngợi.

Còn nữa, nhiệm vụ về nhân bản và thiêng liêng của nửa sau cuộc đời là từ bỏ ghen tị và xấu xí này để một lần nữa quay lại với tình yêu, sự ngây thơ và tốt lành của tuổi trẻ, để lấy lại sự thuần khiết, hướng đến một sự ngây thơ lần thứ hai và bắt đầu có lòng ngưỡng mộ lần nữa.

Mở đầu sách Khải Huyền, Thánh Gioan, với ngụ ý thay lời Thiên Chúa, đã khuyên chúng ta, ít ra là với những ai đã qua thời tuổi trẻ: “Ta đã thấy con làm việc chăm chỉ đến thế nào. Ta công nhận sự độ lượng và mọi việc lành con làm, nhưng có điều này Ta có điều này không hài lòng về con – là con ít yêu thương hơn thời trẻ! Hãy quay lại và xem con đã ngã ở đâu!”

Có lẽ chúng ta muốn nghe điều này từ Kinh Thánh trước khi vô tình nghe một cô bé bảo mẹ, có một người già cay đắng khó chịu đang đứng trước cửa nhà.

Bài học từ kẻ ngoài vòng pháp luật

A A A

Hơn nửa thế kỷ trước, tác giả Flannery O’Connor đã viết truyện ngắn Khó tìm được một người tốt (A Good Man is Hard to Find). Một trong những nhân vật chính của truyện là một bà cụ khó tính, ngoan cố và không hạnh phúc vui vẻ cho lắm. Khi đi Florida cùng gia đình, bà liên tục phàn nàn và than vãn. Rồi do một vài bất cẩn của bà mà họ bị tai nạn giao thông, và khi xe chết máy, một tên tội phạm bỏ trốn (The Misfit, kẻ ngoài vòng pháp luật) chạm mặt họ và xử cả nhà. Ngay trước khi bị bắn, bà cụ, vì sợ mất mạng, đã vươn ra, chạm đến Kẻ ngoài vòng pháp luật đó, và có phút tâm tình với hắn. Sau khi giết bà, hắn nói đáng ra bà đã là người tốt, nếu như có người nào ở bên bắn bà liên tục mỗi phút trong đời bà.

Tôi cho là chúng ta cũng sẽ trở nên người tốt hơn nếu như có ai đó ở bên cạnh bắn chúng ta liên tục trong đời. Ít ra, tôi biết mình sẽ như thế, vì tôi đã từng có người như thế ở bên cạnh để bắn tôi, và họ đã làm cho tôi trở nên tốt hơn, ít ra là trong lúc mối đe dọa vẫn còn đó. Câu chuyện của tôi là thế này.

12 năm trước, tôi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Chẩn đoán ban đầu khả quan, chỉ cần phẫu thuật và hóa trị là sẽ ngăn chặn được khối u. Và đúng như thế, nhưng chỉ trong một thời gian. Ba năm sau, nó tái xuất hiện. Lần này, chẩn đoán không khả quan cho lắm. Bác sĩ của tôi, người tôi rất tin tưởng, bảo rằng tình hình lần này nghiêm trọng rồi. Có thể thử dùng hóa trị, nhưng xác suất cao là sẽ không có hiệu quả lâu dài, và nó chỉ dùng để xoa dịu hơn là để chữa trị dứt điểm. Ông cảm thấy trách nhiệm của ông là nói cho tôi rõ tin này. Và thế là tôi đang đối diện với người chực bắn mình. Bạn chỉ còn khoảng 30 tháng để sống!

Các bạn hẳn cũng đoán được, chuyện này chẳng dễ gì đón nhận nổi. Tôi đã vô cùng đấu tranh để chấp nhận. Cuối cùng, qua lời cầu nguyện, tôi viết ra một tuyên tín cho mình, để nói về cách mình sẽ sống trong hai năm nay. Bản tuyên tín của tôi như sau:

Tôi sẽ đấu tranh để khỏe mạnh bao lâu còn có thể.
Tôi sẽ đấu tranh để đem lại gì đó bao lâu còn có thể.
Tôi sẽ biến mỗi ngày, mỗi hoạt động, trở nên quý giá và thích thú nhất có thể.
Tôi sẽ đấu tranh để nồng hậu, ân cần, và độ lượng hết sức có thể.
Tôi sẽ đấu tranh để đón nhận tình yêu thương của người khác một cách sâu sắc hơn từ trước đến nay.
Tôi sẽ đấu tranh để sống “cuộc đời hòa giải” trọn vẹn hơn. Không còn chỗ cho tổn thương quá khứ nữa.
Tôi sẽ đấu tranh để giữ óc hài hước nguyên vẹn.
Tôi sẽ đấu tranh để can trường và dũng cảm hết sức có thể.
Tôi sẽ đấu tranh để luôn không nhìn lại những gì đã mất, nhưng nhìn vào sự diệu kỳ và viên mãn của cuộc đời tôi từ trước và bây giờ.
Và tôi sẽ hằng ngày đặt mọi sự này dưới chân Thiên Chúa trong lời cầu nguyện.

Trong vài tháng, tôi đã sốt sắng cầu nguyện lời tuyên tín này mỗi ngày, cố gắng sống trọn vẹn mỗi một câu trong đó. Nhưng hóa trị rất hiệu quả. Sau năm tháng điều trị, mọi dấu hiệu của ung thư đều biến mất và tôi khỏe mạnh lại, bác sĩ của tôi rất lạc quan nói rằng có lẽ ông chẩn đoán quá nặng và nếu duy trì hóa trị, có lẽ tôi còn sống được nhiều năm nữa. Và đúng là tôi đã sống được thêm bảy năm qua.

Tuy nhiên, trong bảy năm bệnh tình thuyên giảm, với cảm giác khỏe mạnh và lạc quan, khi không có ai cầm súng bên tôi mỗi ngày, bây giờ tôi ít cầu nguyện với lời tuyên tín hơn và ít nhiệt tâm hơn. Và dù những thách thức của lời kinh này đã thấm vào tôi, nhưng thói quen xem cuộc đời là mặc nhiên, thói quen theo lời cầu nguyện của Thánh Augutinô (Xin cho con nên một kitô hữu tốt hơn, nhưng khoan đã!), thói quen không nhìn xa, mất kiên nhẫn, thương thân hoặc nuôi dưỡng bất bình, thói quen không trân trọng trọn vẹn sự phong phú của cuộc đời, tất cả bắt đầu trỗi dậy.

Và hai năm trước, “tay súng” đó đã xuất hiện trở lại cùng sự tái phát khối u. Ban đầu, chẩn đoán rất nghiêm trọng (còn sống thêm 30 tháng và hóa trị cả đời), thế là lời kinh tuyên tín lại nắm lấy vị trí trọng tâm đời tôi. Tuy nhiên, một liệu pháp mới đã cho tôi kéo dài mạng sống nhiều hơn, và không ai cầm súng bắn tôi mỗi ngày, lời tuyên tín bắt đầu mờ dần, những thói quen mất kiên nhẫn, không biết tri ân và thương thân của tôi lại vùng lên.

Tôi thật sự biết ơn vì bao nhiêu năm còn sống sau khi mắc ung thư mà Thiên Chúa và y học hiện đại đã cho tôi. Ung thư là một ơn đã dạy cho tôi rất nhiều điều. Thấy cuộc đời của mình chỉ còn gói gọn trong sáu tháng đã khiến tôi cảm kích cuộc đời, cảm kích mọi người, sức khỏe, tự nhiên, những niềm vui đơn sơ trong cuộc sống và công việc hơn bao giờ hết. Tôi trở nên người tốt hơn khi có người ở bên cầm súng bắn tôi mỗi ngày!