Một vài năm trước đây, tôi có người bạn chuẩn bị sinh đứa con đầu lòng. Dù rất hạnh phúc vì sắp được làm mẹ, nhưng cô thú thật, cô rất lo cho việc sinh nở, đau đớn, có thể nguy hiểm, và những chuyện mình chưa biết. Nhưng cô tự an ủi với suy nghĩ: Hàng trăm triệu phụ nữ đã sinh con và rồi ra cũng mẹ tròn con vuông. Chắc chắn nếu nhiều người làm được thì cô cũng làm được.
Đôi lúc tôi cũng áp dụng suy nghĩ này khi nghĩ về cái chết. Chết là chủ đề nản chí, rối bời và nặng nề nhất đối với tất cả chúng ta, dù đôi khi chúng ta có vẻ như có can đảm đối diện với nó. Khi chúng ta nói mình không sợ chết, hầu hết chúng ta nói như thì thầm trong bóng tối, dù vậy, chúng ta nói về nó dễ hơn khi nó còn là một chuyện trừu tượng xa vời, một chuyện thuộc về tương lai mập mờ vô định. Kể cả tôi, chắc chắn tôi cũng nghĩ đến nó âm thầm trong bóng tối. Nhưng tại sao lại không nghĩ đến nó? Thà như vậy còn hơn là chối bỏ nó.
Nên tôi thích cách bạn tôi lý luận để can đảm đối diện với cơn đau và những chuyện chưa biết: Hàng trăm triệu phụ nữ đã làm được, tôi cũng làm được! Còn về cái chết, thì có rất nhiều lý do để tự an ủi, hàng tỉ tỉ người đã làm được, tất cả mọi người, kể cả tôi, cũng sẽ làm được. Và một trăm năm sau, ai trong chúng ta đọc những hàng chữ này cũng sẽ làm được!
Và như thế, thỉnh thoảng tôi nhìn công bằng theo cách này: Hàng tỉ tỉ người đã làm được, cả đàn ông, đàn bà và trẻ con. Một số người đã già, số khác còn trẻ, một số có chuẩn bị, số khác thì không, có người vui đón nhận, có người kháng cự đau đớn, nhiều người chết tự nhiên, có người chết chết vì bị hành hung, có người chết trong tình thương của gia đình thân thương, có người chết cô đơn không có ai ấp ủ, có người chết bình yên, có người khóc do sợ sệt, có người chết thọ, có người chết yểu trong tuổi thanh xuân, có khi còn quá sớm. Có người phải chịu nhiều năm mất trí vô ý nghĩa trước khi chết đến độ người chung quanh tự hỏi vì sao Thiên Chúa và tự nhiên bất nhẫn để họ phải sống mòn như vậy, có người chết lúc còn sức khỏe và mọi chuyện đang tốt, có người chết trong đức tin và hy vọng, có người chết trong bóng đêm và tuyệt vọng, có người chết với lòng biết ơn, có người lại ôm mối hận khi qua đời, có người chết trong lòng tôn giáo và giáo hội của họ, có người không ở trong giáo hội khi chết, có người chết lành như Mẹ Têrêxa, có người chết dữ như Hitler. Nhưng dù thế nào đi nữa, ai cũng thực hiện bước cuối cùng đó của cuộc đời, một bước vô định nhất trong mọi thứ vô định. Dường như có thể thu xếp được công bằng. Chẳng ai từ thế giới bên kia đi trở lại thế giới này để kể những câu chuyện khủng khiếp về cái chết cả (tất cả những bộ phim kinh dị về ma và những ngôi nhà ma đều hư cấu từ đầu đến cuối).
Tôi cho rằng hầu hết mọi người đều có chung cảm nghiệm như tôi khi nghĩ về cái chết, đặc biệt là những người tôi từng quen biết mà nay họ đã chết. Nỗi đau buồn ban đầu sẽ tan biến và thay vào đó là cảm nhận cho rằng chết là đúng, người chết giờ này đang tốt đẹp, theo một cách lạ lùng nào đó, cái chết tẩy sạch mọi thứ. Và cuối cùng, chúng ta cảm thấy tốt khi nghĩ về những người thân yêu đã qua đời, nghĩ về cái chết nói chung, thậm chí dù họ có chết không được hoàn hảo như chết trong giận dữ, chết yểu, chết với tội lỗi hoặc tự vẫn. Dù gì đi nữa, cái chết đã tẩy sạch mọi thứ và điều còn ở lại là ý thức khởi phát, một trực giác chắc chắn giờ đây, dù họ ở đâu thì cũng ở trong một tình trạng tốt hơn và yên ổn hơn chúng ta.
Khi còn là một chủng sinh trẻ, chúng tôi có dịch một đoạn luận của Cicero về tuổi già và cái chết từ tiếng La Tinh sang tiếng Anh. Lúc đó tôi mới mười tám tuổi, nhưng rất ấn tượng với suy tư của Cicero về nguyên do tại sao chúng ta không nên sợ chết. Ông thuộc phái Khắc kỷ, nhưng đến cuối cùng, cách ông ít sợ hãi cái chết có điều gì đó giống với cách đón nhận việc sinh nở của bạn tôi: Vì đây là một việc ai cũng làm, nên tôi cũng làm được!
Tôi đã làm mất bài luận về Cicero từ lâu rồi, nên phải tìm lại nó trên Internet. Và tôi xin đưa ra đây câu then chốt trong bài: “Không nên lo ngại về cái chết! Bởi rõ ràng nếu nó tiêu diệt hoàn toàn linh hồn thì tác động của cái chết chẳng có gì đáng kể, và thậm chí còn đáng mong đợi, nếu nó đưa linh hồn đến một nơi bất diệt. Nhưng điều mà tôi lo ngại nhất chính là, liệu sau khi chết tôi có buộc phải sống một kiếp chẳng vui chẳng buồn hay không?”
Đức tin của chúng ta cho biết rằng nhờ lòng nhân từ của Thiên Chúa mà chúng ta tin tưởng, thì chỉ có một điều duy nhất chờ đợi chúng ta, đó là niềm vui hạnh phúc. Và hiện giờ, chúng ta đã trực cảm được nó rồi.