Xã hội chúng ta có khuynh hướng chia hai bên, bên người thắng, bên kẻ thua. Đáng buồn là chúng ta thường không nghĩ xem chuyện này tác động thế nào với mối quan hệ giữa chúng ta với nhau, cũng không nghĩ đến tác động của nó đến chúng ta trong tư cách Kitô hữu.

Vậy mối quan hệ kiểu này là gì? Về căn bản, mối quan hệ giữa chúng ta có khuynh hướng cạnh tranh và ghen tương, vì chúng ta bị tiêm nhiễm những động cơ muốn làm hơn người, thành tựu hơn người và vượt lên người khác. Tôi xin đan cử một vài khẩu hiệu được xem là khôn ngoan trong thời nay! Chiến thắng! Hãy là người giỏi nhất trong việc gì đó! Cho người khác thấy bạn tài năng hơn họ! Cho họ thấy bạn khôn lanh hơn người khác! Đừng xin lỗi, hãy nghĩ đến bản thân trước hết! Đừng làm kẻ thua cuộc!

Những lời này không phải là những câu châm ngôn vô tội khích lệ chúng ta làm việc chăm chỉ hơn, nhưng là những con siêu vi khuẩn tác hại lên chúng ta, làm cho mọi thứ trong cuộc đời đồng minh với tính ái kỷ có sẵn trong con người mình, thúc đẩy chúng ta phải thành công, phải là vận động viên giỏi nhất, người mặc đẹp nhất, xinh đẹp nhất, có tài năng âm nhạc nhất, nổi tiếng nhất, kinh nghiệm nhất, du lịch nhiều nhất, am hiểu xe cộ, phim ảnh, lịch sử, tình dục nhất… Bằng mọi giá, chúng ta thúc đẩy mình vượt trội hơn người khác. Chúng ta cố gắng bằng mọi giá tìm cách tách mình ra và vượt lên trên người khác. Ý niệm đó gần như thâm căn cố đế trong chúng ta rồi.

Và vì khuynh hướng này, chúng ta thường có xu hướng phán xét sai lầm về người khác, cũng như sai lầm về ý nghĩa và mục đích đời mình. Chúng ta xây dựng mọi thứ quanh thành tựu và nổi bật. Khi thành công, khi chiến thắng, khi hơn người khác trong chuyện gì đó, thì cuộc sống của chúng ta dường như trọn vẹn hơn, cái tôi của chúng ta vênh vang, và chúng ta cảm thấy tự tin cũng như thấy mình thật có giá trị. Ngược lại, khi chúng ta không thể nổi bật, khi chúng ta chỉ là một người trong đám đông, thì chúng ta cố gắng duy trì một hình ảnh đẹp về mình.

Nhưng trong cả hai trường hợp, chúng ta đều luôn mãi đấu tranh với tính ghen tương và bất mãn vì khi đem bản thân so sánh với người khác, chúng ta không thể không thấy mình luôn thiếu tài năng, không đẹp và không thành tựu. Và chúng ta vừa ghen tỵ vừa hờn ghét những người tài năng, xinh đẹp, quyền lực, giàu có và nổi tiếng. Chúng ta tâng bốc họ dù cho vẫn âm thầm chờ đợi họ sa cơ, hệt như đám đông tung hô Chúa Giêsu trong Lễ Lá, rồi mấy ngày sau lại la hét đòi đóng đinh Chúa vào thập giá.

Và điều này làm cho chúng ta bất hạnh. Làm sao chúng ta có thể tạo nên một cộng đồng, khi tài năng và thành tựu của người này là cái cớ ghen tỵ và phẫn uất cho người khác, cũng như là nguồn gây ra đố kỵ cũng như tranh giành? Làm sao chúng ta yêu thương nhau khi tinh thần cạnh tranh khiến chúng ta xem nhau như kẻ thù?

Chỉ có thể có cộng đoàn khi chúng ta để tài năng và thành tựu của người khác làm đẹp cho cuộc đời chúng ta, đồng thời để tài năng và thành tựu của mình làm đẹp chứ không đe dọa cuộc đời của người khác. Nhưng chúng ta hầu như không thể làm việc này. Chúng ta bị tiêm nhiễm tính cạnh tranh quá nặng nên không thể không xem thành tựu và tài năng của người khác là mối đe dọa, đồng thời cũng không thể dùng tài năng của mình nhằm làm đẹp cuộc sống người khác thay vì làm nổi bật bản thân.

Chúng ta có khuynh hướng phân ra người thắng kẻ thua, ngưỡng mộ và ganh ghét người thắng, tỏ lòng thương hại kẻ thua, và luôn mãi đánh giá nhau, cân đo cơ thể, tóc tai, trí tuệ, áo quần, tài năng và thành tựu của người khác. Nhưng khi làm như thế, là chúng ta dao động từ khủng hoảng và bị xem thường khi thua kém người khác, cho đến tự mãn vênh vang khi mình có vẻ hơn người khác.

Và càng khó khăn hơn nữa khi chúng ta ngày càng thêm ám ảnh về nhu cầu phải nổi bật, phải đặt biệt, phải ăn trên ngồi trốc, phải tạo dấu ấn trong đời. Chúng ta sống trong chứng ghen tỵ mơ hồ mà kinh niên, khi xem tài năng của người khác là mối đe dọa thường trực với mình. Và như thế chúng ta cứ bồn chồn lo lắng, và bớt trung thành với đức tin Kitô.

Đức tin Kitô của chúng ta mời gọi đừng so sánh mình với người khác, đừng cố nổi bật, đừng để mình thấy lo sợ và ghen tỵ với ơn của người khác. Đức tin của chúng ta mời gọi hãy tin rằng không cần phải nổi bật hay đặc biệt, tin rằng tài năng của người khác không phải là mối đe dọa, nhưng là một sự làm phong phú cho mọi con người trên đời, và trong đó có cả chúng ta.

Khi chúng ta chia ra người thắng kẻ thua, thì những tài năng và ơn ích của chúng ta trở thành gốc rễ của ghen tỵ, thành vũ khí của cạnh tranh và ham muốn trở nên thượng đẳng hơn người khác. Điều này không chỉ đúng với từng cá nhân, mà còn đúng cho các quốc gia nữa.

Một trong những khẩu hiệu cạnh tranh trong nền văn hóa của chúng ta bảo rằng: Chỉ cho tôi thấy một người thua cuộc cao đẹp, tôi sẽ chỉ cho bạn thấy một kẻ thua cuộc! Nếu nghĩ như thế, thì Chúa Giêsu là người thua cuộc. Người ta lắc đầu trước cái chết của Ngài, và chẳng ai đeo vòng nguyệt quế cho Ngài cả. Dưới con mắt người đời, Ngài chẳng được gì. Chỉ là một kẻ thua cuộc! Nhưng nhờ sự kém cỏi của Ngài, mà chúng ta được ơn cứu độ.