Tôi cho rằng, chúng ta đã quen với câu nói của Julian thành Norwich, giờ đã như một tiền đề trong giới linh đạo. Xơ từng viết câu trứ danh: “Đến cuối cùng, tất cả sẽ tốt đẹp, và tất cả sẽ tốt đẹp, và mọi hiện sinh sẽ tốt đẹp.” Và Oscar Wilde được cho là đã thêm câu này: “Và nếu nó chưa tốt đẹp, thì chưa phải là cuối cùng.”
Vài lời này diễn tả rõ hơn những gì chúng ta mừng kính trong biến cố phục sinh của Chúa Giêsu. Niềm tin vào phục sinh, niềm tin rằng Thiên Chúa cho Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, là nền tảng cho đức tin Kitô giáo. Mọi sự khác chúng ta tin đều dựa trên chân lý đó, và như thánh Phaolô đã nói, nếu nó không có thật, nếu Chúa Giêsu không sống lại từ cõi chết, thì chúng ta là những kẻ bị lừa dối nhất. Nhưng nếu Thiên Chúa đã cho Chúa Giêsu sống lại, và chúng ta tin là thế, thì không chỉ những thông điệp còn lại của Chúa Giêsu đáng tin, mà chúng ta còn có thể sống với sự khuây khỏa vô cùng rằng cái kết câu chuyện cuộc đời chúng ta đã được viết sẵn, một cái kết hạnh phúc ngất ngây. Đến cuối cùng, chúng ta sẽ sống hạnh phúc mãi mãi. Cuộc đời như thế thật đúng là chuyện cổ tích.
Làm sao mà sự phục sinh của Chúa Giêsu bảo đảm được điều đó? Pierre Teilhard de Chardin, nhà khoa học và thần nghiệm của thế hệ trước, đã trả lời thế này: Một lần nọ, khi ngài trình bày về một thị kiến về cách thức vũ trụ và mọi sự sống sẽ chung hợp trong sự hòa hợp chung cục trong Đức Kitô Vũ Trụ vào thời cuối cùng, một người hoài nghi đã chất vấn ngài rằng, “Đấy đúng là suy nghĩ ước vọng và lạc quan. Nhưng giả sử ta phá tan thế giới bằng bom nguyên tử, thì suy nghĩ ước vọng đó sẽ thế nào?” Câu trả lời của cha Teilhard đã phân biệt tuyệt vời giữa đức cậy Kitô giáo đích thực với suy nghĩ ước vọng và chủ nghĩa lạc quan tự nhiên, thậm chí xác nhận những gì mà sự phục sinh của Chúa Giêsu bảo đảm cho ta. Ngài trả lời thế này: “Nếu chúng ta phá tan thế giới bằng bom nguyên tử, thì sự tốt đẹp đó sẽ bị đẩy lùi hai triệu năm. Nhưng điều tôi đang nêu ra đây sẽ xảy ra, không phải bởi tôi ước vọng nó xảy ra hay tôi có chứng cứ kiểu kinh nghiệm chủ nghĩa để bảo đảm. Nó sẽ xảy ra vì Đức Kitô đã hứa như thế, và trong biến cố phục sinh, Thiên Chúa cho thấy rằng Thiên Chúa có quyền năng để thực hiện lời hứa đó.”
Điều mà các Kitô hữu chúng ta tin, không dựa vào suy nghĩ ước vọng hay chủ nghĩa lạc quan tự nhiên, mà dựa vào lời và lời hứa của Chúa Giêsu, và sự khả tín của lời và lời hứa đó được bảo đảm bằng sự sống lại của Chúa Giêsu. Khi tin vào điều này, chúng ta có thể sống đời mình mà không phải lo lắng quá đáng về bất kỳ điều gì, tự tin rằng cái kết câu chuyện đời chúng ta đã được viết sẵn và đấy là một cái kết có hậu.
Nếu chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã cho Chúa Giêsu sống lại, nếu chúng ta tin vào sự phục sinh, thì về cơ bản, chúng ta tin rằng thế giới sẽ được cứu rỗi. Chúng ta không cần phải cứu thế giới, chúng ta chỉ phải sống đối diện với sự thật rằng chúng ta tin thế giới đã được cứu rồi. Và nếu chúng ta sống với niềm tin rằng chúng ta có thể mạo hiểm tất cả, mạo hiểm chính mạng sống của mình, biết rằng cái kết của mình đã được viết sẵn và đấy là cái kết hạnh phúc, bất chấp mọi chuyện hiện thời có khốc liệt đến thế nào đi nữa.
Chúng ta đã thấy một mẫu gương tuyệt vời của dạng niềm tin này nơi Tổng Giám mục Desmond Tutu, một trong những nhân vật chủ chốt phản đối và cuối cùng phá đổ chế độ kỳ thị chủng tộc (apartheid) ở Nam Phi. Ở tâm điểm của cuộc đấu tranh phá đổ chế độ kỳ thị chủng tộc, đối diện với đủ loại đe dọa, cha vẫn vững vàng và thậm chí là vui vẻ trước những đe dọa và hiểm nguy quá đỗi. Điều gì giữ cha vững vàng và vui vẻ? Chính là niềm tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu.
Thỉnh thoảng vào những sáng Chúa nhật, khi cha giảng, toán lính có vũ trang lại vào nhà thờ xếp hai hàng dọc hành lang giữa, súng cầm trong tay, với hy vọng khiến cha nhụt chí. Về phần mình, cha Tutu, mỉm cười với họ và nói: “Tôi mừng vì các anh đã theo phe thắng! Chúng tôi đã thắng rồi!” Khi nói thế, cha không nói về trận chiến với chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc, vốn lúc đó còn lâu mới đến chiến thắng. Cha đang nói về sự phục sinh của Chúa Giêsu, chiến thắng tuyệt đối của sự thiện trên sự dữ, vốn bảo đảm rằng, đến cuối cùng, sự thiện sẽ chiến thắng sự dữ, tình yêu thương chiến thắng chia rẽ, công lý chiến thắng bất công, và sự sống chiến thắng sự chết.
Khi biết như thế, chúng ta có thể tiếp tục sống trong tự tin và hy vọng. Mọi sự sẽ kết thúc tốt đẹp, không phải bởi chúng ta ao ước thế hay bởi mọi chuyện chúng ta thấy thể hiện như thế. Mọi sự sẽ kết thúc tốt đẹp bởi Chúa Giêsu đã hứa sẽ như thế và trong sự phục sinh, Thiên Chúa cam đoan cho lời hứa đó.
Do đó, chẳng có gì phải sợ, chẳng gì cả, kể cả thất bại, đe dọa, mất mát, bệnh tật, hay thậm chí là cái chết. Sự phục sinh của Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng đến cuối cùng, tất cả sẽ tốt đẹp, và tất cả sẽ tốt đẹp, và mọi hiện sinh sẽ tốt đẹp, và nếu nó chưa tốt đẹp… thì chưa phải là cuối cùng.