Khi tôi còn là chủng sinh ở dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm, vị phó giám đốc phụ trách chủng sinh, một người chân thành nhưng nghiêm nghị quá mức, cảnh cáo chúng tôi về những chuyện nhẹ dạ trong đời sống bằng cách nói với chúng tôi rằng trong Kinh Thánh không có chi tiết nào cho thấy Đức Giêsu đã cười to. Tôi là một chủng sinh thành tín, nhưng dù thế, tôi cũng thấy điều này không ổn. Tôi rà đi rà lại Phúc âm, cố gắng chứng minh ông nói sai, nhưng phát hiện ra rằng, về mặt kỹ thuật, ông nói đúng. Nhưng có phải là ông đúng không?

Vài năm sau, trong thời gian tôi ở chủng viện, tôi đọc một cuốn sách của Peter Berger có tên là Tin Đồn của các Thiên Thần (A Rumor of Angels), trong đó ông cố gắng chỉ ra nhiều chỗ khác nhau trong kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta, khi mà, như ông nói, chúng ta có những lời gợi ý của đấng thiêng liêng, những tin đồn của các thiên thần, ám chỉ rằng trải nghiệm đời thường chứa đựng nhiều hơn mức đời thường, rằng Chúa có ở đó. 

Một trải nghiệm như thế, ông trình bày, là khi người mẹ đang dỗ đứa con đang bị cơn hoảng sợ giữa đêm, dùng lời lẽ và cử chỉ vỗ về để đứa bé an lòng, không còn sợ hãi vì mọi thứ đều ổn, thế giới nằm trong trật tự. Khi nói những lời lẽ đó, nếu người mẹ thật sự nghĩ như vậy, và thường là vậy, thì trên thực tế, người mẹ đang ngầm đọc kinh Tin Kính.

Một sự gợi ý như vậy nữa của đấng thiêng liêng trong trải nghiệm đời thường, Berger nói, là hiện tượng tiếng cười. Trong tiếng cười, ông trình bày, chúng ta trực cảm sự siêu nghiệm: chuyện chúng ta có thể cười trong bất kỳ tình huống nào cho thấy có điều gì đó trong ta vượt lên hoàn cảnh đó, siêu nghiệm so với nó. Trong tiếng cười, Berger tin rằng chúng ta có tin đồn của các thiên thần. 

Karl Rahner đồng ý, và nêu rằng tiếng cười cho thấy chúng ta đang thoải mái với thực tại và do vậy với Chúa. Tiếng cười ca ngợi Chúa vì chúng nói trước cho chúng ta biết trạng thái của chúng ta nơi thiên đường khi chúng ta sẽ tràn ngập niềm vui. Chú giải về Tám Mối Phước Thật trong Phúc âm thánh Luca khi Chúa Giêsu nói, phúc thay cho những ai đang khóc, vì họ sẽ cười, Rahner nói rằng điều mà Chúa Giêsu nói cho thấy niềm vui là trạng thái cuối cùng, sẽ không chỉ lau khô dòng nước mắt và đem tới bình an, mà còn đem ta tới với tiếng cười nữa – “tới sự say sưa của niềm vui”. Đây là lời của Người: “Nhưng rồi con sẽ cười.” Đó là điều được viết ra. Và bởi vì Từ của Chúa cũng phải viện đến từ ngữ của con người để biểu đạt những gì mà một ngày nào đó rồi sẽ xảy ra khi mọi điều rồi sẽ xảy ra – có nghĩa là tại sao một điều thần bí vĩnh cửu cũng ẩn mật, nhưng có thật trong đời sống hàng ngày, đó là lý do tại sao tiếng cười của đời sống hàng ngày thể hiện cho thấy một người đang thoải mái với thực tại, thậm chí trước tất cả những gì mà sự bằng lòng toàn năng và vĩnh cửu trong đó kẻ được cứu chuộc một ngày nào đó sẽ nói Amen với tất cả những gì họ đã làm và cho phép xảy ra. Tiếng cười là ngợi ca Chúa bởi vì nó báo hiệu sự ngợi ca vĩnh cửu về Chúa vào chung cuộc, khi những ai phải khóc than trên trái đất này rồi sẽ cười lên. 

Nhưng liệu điều này có hời hợt không? Sự lạc quan của con người tự thay thế cho hy vọng? Một tinh thần lạc quan giả mạo làm thần học? Lời tuyên bố ngây thơ rằng nếu tôi vui thì Chúa đang ở cùng tôi? Thực sự, trong Phúc Âm, ở đâu ghi lại chi tiết Giê-su cười to?

Sự nghiên cứu học thuật hay về kinh thánh từ lâu đã nói rằng nếu đi tìm một đoạn văn bản nào để chứng minh một ý nào đó là đúng hay là sai thì đó không phải là cách tiếp cận hay đối với Kinh Thánh. Những lời dạy của Kinh Thánh sẽ được lượm lặt tốt nhất nếu nhìn vào bản Thánh Kinh như một tổng thể. Và nếu chúng ta làm như vậy trong trường hợp này, tôi tin rằng chúng ta sẽ thấy cả Peter Berger và Karl Rahner đều đúng. Như Rahner chỉ ra, Đức Giêsu dạy rằng tiếng cười sẽ là một phần của trạng thái cuối cùng trên thiên đường. Con rồi sẽ cười to! Nhưng, vượt lên trên điều đó, thông điệp của Đức Giêsu xét toàn thể là mời gọi chúng ta đến với niềm vui, một niềm vui mà không ai có thể tước đi của chúng ta, và tiếng cười là sự biểu đạt hân hoan ngập tràn của niềm vui đó. Đó là đỉnh cao, là chóp đỉnh, là châu báu tột vời của trạng thái cuối cùng của chúng ta trên thiên đàng. 

Vì vậy mà trong tiếng cười, chúng ta thật sự có tin đồn của các thiên thần và chúng ta thật sự trực cảm sự siêu nghiệm của mình. Trong tiếng cười chúng ta thật sự bộc lộ rằng mình đang thoải mái với hiện tại, và thoải mái với Chúa. Trong tiếng cười, chúng ta khẳng định, một cách to rõ ràng, vui vẻ, và với cả thế giới, câu thần chú của Julian vùng Norwich rằng, rốt cuộc, mọi chuyện đều ổn, và rồi mọi chuyện đều ổn, và mọi cách thức hiện sinh đều ổn – cho dù thế giới chúng ta ngày nay không ở trong trạng thái đó. 

Vị phó Giám đốc phụ trách các chủng sinh của chúng tôi là một người tuyệt vời, chân thành, nhẹ nhàng, và nghiêm nghị quá mức. Sự khinh suất không phải là bản tính của ông, và tiếng cười không phải là thể thức ông ưa chuộng để ngầm đọc kinh Tin Kính. Ông thể hiện đức tin sâu sắc của mình theo những cách thức khác, với niềm tin rằng tiếng cười không phải là tin đồn duy nhất của các thiên thần trong đời thường.

Nhưng đó là một trong những gợi ý của đấng thiêng liêng trong lòng đời sống con người. Tiếng cười, khi  lành mạnh, khi không bị cưỡng ép hay khắc chế, thì như Rahner nói, là “một sự say sưa của niềm vui”, niềm vui của trạng thái cuối cùng của chúng ta. Vì vậy khi cười to chúng ta cũng đang đọc kinh Tin Kính.