Làm sao bạn giữ được tinh thần tích cực, nuôi hy vọng, đầy tình thương và độ lượng khi bạn đối diện với chống đối, hiểu lầm, thù địch và hiềm hận?

Đây là điều Chúa Giê-su đã làm được và chính phẩm chất đặc biệt đó trong cuộc đời và lời dạy của Người đã trở thành có lẽ là thách thức cá nhân và luân lý lớn nhất cho tất cả chúng ta, những ai cố gắng theo chân thầy. Làm thế nào bạn vẫn giữ đầy tình thương khi đối diện hận thù? Làm thế nào bạn giữ được lòng cảm thông khi đối diện với hiểu lầm? Làm thế nào bạn tiếp tục nồng hậu và tử tế trước thái độ thù địch? Làm thế nào bạn thương yêu kẻ thù khi họ muốn giết bạn?

Gần như mọi bản năng trong chúng ta đều chống lại chúng ta khi xảy ra những trường hợp như thế. Bản năng tự nhiên của chúng ta gần như luôn là tự vệ, thậm chí sợ hãi hoang tưởng, đối chọi với sự xả thân và tha thứ. Cảm thức bẩm sinh trong chúng ta về công bằng đòi hỏi mắt nhìn phải được nhìn lại, một cử chỉ cho đi được nhận tặng vật trở lại, hận thù trả hận thù, ngờ vực đổi lấy ngờ vực, mạng đổi mạng. Mà điều này không chỉ đúng với những chuyện lớn như sự gắng gỏi của chúng ta để vẫn giữ đầy tình thương yêu khi đối diện hiểm họa cái chết. Chúng ta gắng gỏi để giữ thương yêu khi đối diện những điều khó chịu.

Làm sao chúng ta đối xử trước sự chống đối, hiểu lầm, thù địch và hiềm hận đây?

Đôi khi phản ứng của chúng ta là tê liệt. Chúng ta trở nên quá sợ hãi trước việc bị chống đối, hiểu lầm và thù hận tới mức rút về và thu mình lại. Chúng ta giữ lý tưởng của mình nhưng không còn thực hành lý tưởng đó khi có mặt những người chống đối chúng ta. Chúng ta tiếp tục nói về tình thương yêu và hiểu biết, nhưng không nói với kẻ thù của chúng ta (những người chúng ta không hẳn là căm ghét, nhưng giờ đây chúng ta tránh ra xa).

Đôi khi phản ứng của chúng ta lại hoàn toàn ngược lại, có nghĩa là, khi bị chống đối, chúng ta trở nên chai sạn tới mức không cần phải để ý người khác nghĩ về mình như thế nào nữa: Cứ để cho họ nghĩ gì mặc sức! Họ thích thì thích, không thích thì kệ! Vấn đề của kiểu da dày như vậy là ở chỗ khả năng tiếp tục nói những điều đúng đắn và làm những việc đúng đắn của chúng ta tùy thuộc một phần vào một mức độ mù và lãnh cảm nhất định. Chúng ta nghĩ mình không có vấn đề. Người khác mới có vấn đề.

Sự lãnh cảm này đôi khi có một hình thức khó nhận thấy hơn, đó là thái độ hạ cố. Mình nghĩ rằng mình đã bao dung độ lượng đủ để thương yêu người chống đối và căm ghét mình. kể cả khi lòng lân mẫn và thương yêu dựa trên một kiểu tâm lý tự cho mình là ưu tú, có nghĩa là, chúng ta cao hơn về mặt luân lý và tôn giáo so với những người căm ghét ta tới mức chúng ta có thể thương yêu họ mà họ không hề biết: những con người ngu dốt tội nghiệp! Giá như họ hiểu được ra! Đây không phải là tình thương mà là một phức hợp tâm lý cho mình là tốt đẹp hơn, được ngụy trang bằng lớp vỏ lòng lân mẫn và quan tâm. Đó không phải là cách Chúa Giê-su đối xử với những kẻ căm ghét người.

Người đối xử với họ như thế nào? Đối diện với thù hận và bị kẻ thù giết hại, Chúa Giê-su không kinh sợ, cũng không chai sạn hay hạ cố. Người làm gì? Người đi sâu hơn vào tâm hồn sâu thẳm nhất của mình, và từ đó tìm ra sức mạnh để duy trì trái tim ấm áp, thương yêu và tha thứ trước thù hận và giết chóc. Làm sao như vậy được?

Khi Chúa Giê-su bị hành hình, người cầu nguyện: “Xin hãy tha thứ cho họ, họ không biết họ đang làm gì.” Karl Rahner, khi nhận xét về điều này, đã chỉ ra một cách sắc sỏa rằng trên thực tế, những kẻ hành hình người hoàn toàn biết họ đang làm gì. Họ biết họ đang đóng đinh một người vô tội. Vậy thì tại sao Chúa Giê-su nói họ đang hành động không biết gì?

Tình trạng không biết gì của họ, như Karl Rahner chỉ ra, là ở một mức độ sâu hơn: Họ không biết rằng họ được thương yêu nhiều biết bao nhiêu, trong khi Chúa Giê-su biết. Khi Phúc âm tả về nội tâm Chúa Giê-su ở Bữa Tiệc Ly, kinh nói: “Giê-su, biết rằng mình đã đi từ Chúa và đang trở về với Chúa và vì vậy mọi điều đều có thể đối với người, đứng dậy khỏi bàn và cởi áo choàng…”

Giê-su có thể vẫn thương yêu và tha thứ trước thù hận và giết chóc, bởi vì, tận gốc rễ của sự tự biết của Người là việc nhận thức mình là ai, là con của Chúa Cha, và biết mình được thương yêu nhiều đến nhường nào. Người không chai sạn, cũng không cho mình là ưu tú, mà chỉ thấu cảm rằng mình là ai và mình được thương yêu đến nhường nào. Từ nguồn cội đó, người lấy năng lượng cho mình và đủ sức mạnh để thứ tha.

Chúng ta cũng có thể tới được suối nguồn năng lượng mạnh mẽ đó. Như Giê-su, chúng ta cũng là những đứa con của Chúa và cũng được yêu thương sâu sắc như vậy. Như Giê-su, chúng ta cũng có thể tha thứ được như vậy.

Tôi tin rằng rất ít điều gì trong xã hội và giáo hội của chúng ta ngày nay lại cần thiết hơn khả năng thấu hiểu và tha thứ này. Tiếp tục thấu hiểu và thương yêu đích thực người khác trước sự chống đối và hận thù chính là thách thức tối hậu về xã hội, chính trị, giáo hội, luân lý, tôn giáo và nhân văn. Đôi khi người giáo hội cố gắng đưa ra một vấn đề luân lý cụ thể để làm thước đo liệu một người có phải là tín đồ chân chính của Giê-su hay không. Nếu cần phải có một thước đo, thì hãy lấy điều này làm thước đo:

Bạn có thể vẫn thương yêu những ai hiểu lầm mình, những ai chống đối mình, những ai thù địch với mình, những ai căm ghét mình, và những ai đe dọa mình hay không – mà không bị tê liệt, chai sạn hay hạ cố?