RonRolheiser,OMI

Thiên Chúa hài lòng với việc chúng ta làm

Trong sáu tháng qua, khi điều trị bệnh ung thư, tôi làm việc với thời khóa biểu hạn chế hơn. Các điều trị y khoa, dù làm cho tôi mệt nhưng vẫn cho tôi đủ sức khỏe và sinh lực để chu toàn các nhiệm vụ điều hành trong trách vụ hiện tại của tôi nhưng lại không đủ sức để đứng lớp hay trình bày các bài diễn thuyết, nói chuyện, giảng tĩnh tâm, những việc tôi vẫn thường làm. Tôi đùa với gia đình và bạn bè rằng tôi ‘đang chịu án treo’ nhưng tôi rất biết ơn vì sức lực còn lại của mình, nghĩa là việc không thể giảng dạy và diễn thuyết không phải là một hy sinh mất mát. Tôi tập trung vào việc giữ sức khỏe, và biết rằng sức khỏe tôi có được là một ơn trọng,

Một tháng trước, các điều trị y khoa đã kết thúc, và ít lâu sau gần như tôi đã lấy lại sức, tôi bắt đầu lịch làm việc thông thường, gồm cả việc giảng dạy trong lớp học. Vì đã tạm gác việc giảng dạy trong nửa năm qua nên tôi thấy có đôi chút hồi hộp lúc bước vào lớp học để bắt đầu buổi dạy 3 tiếng đầu tiên sau một thời gian vắng mặt. Tôi bớt bồn chồn rất nhanh vì lớp học hăng hái theo sát chủ đề hôm đó, 3 tiếng sau bước ra khỏi lớp, tôi cảm thấy mình đầy sinh lực tuyệt vời mà tôi đã không cảm nhận được suốt 6 tháng qua. Việc giảng dạy (với tôi vừa là nghề nghiệp vừa là ơn gọi của mình) vừa làm cho tâm hồn và thể xác tôi được thoải mái. Đây đúng là thang thuốc bổ thiếu mất trong mấy tháng qua.

Lúc đầu, tôi thấy có hơi dằn vặt và tội lỗi vì chuyện này. Thực sự thì điều gì đã thổi bùng cảm giác tuyệt vời và bật tung năng lượng trong tôi? Tính ái kỷ? Kiêu ngạo? Tôi đang tắm trong cảm giác được chứng tỏ bộ óc thông minh và kiến thức của mình, và uống lấy sự ngưỡng mộ từ các sinh viên? Tôi thấy tốt vì cái tôi của tôi được chiều chuộng ư? Tôi giảng dạy thực sự là để mở mang Nước Trời hay là để thỏa mãn cái tôi?

Mà không chỉ mình tôi có vấn đề này. Đây là những vấn đề có căn cứ với bất kỳ ai lấy sinh lực từ chính công việc của mình, đặc biệt là nếu như từ công việc này, người đó có được khá nhiều ái mộ. Động cơ của chúng tôi không bao giờ hoàn toàn thuần khiết. Thực sự, nếu hoàn toàn lương thiện với bản thân, chúng ta phải thừa nhận rằng trong việc phục vụ người khác luôn luôn có sự phục vụ bản thân ở mức nào đó. Nhưng, dù cho các động cơ của chúng ta luôn phức tạp, vẫn có một điều gì đó, một sự tích cực hơn, cần phải có, cụ thể là, việc Thiên Chúa cho chúng ta các tài năng khác nhau và Thiên Chúa thấy tốt đẹp khi chúng ta dùng các tài năng của mình.

Eric Liddell, vận động viên điền kinh Olympic, nhân vật chính trong bộ phim đoạt giải Oscar, Những cỗ xe lửa, đã từng nói thế này: ‘Khi tôi chạy, tôi cảm thấy Thiên Chúa hài lòng.’ Ông đã không nhận định hời hợt về vấn đề này. Tiểu sử của ông và bộ phim Những cỗ xe lửa đã làm rõ rằng, Eric Liddell, trong chiến dịch đoạt huy chương vàng Olympic, đã được thúc đẩy bởi niềm tin hơn là cái tôi của mình. Đức tin của ông, đã khiến cho ông tin rằng, vì Thiên Chúa cho ông tài năng độc nhất vô nhị này, nên không khác các bậc cha mẹ tự hào về con cái mình, Thiên Chúa vui mừng thực sự khi thấy ông dùng được ơn này. Trong lòng mình, Eric ý thức được Thiên Chúa thấy hài lòng mỗi khi ông đưa tài năng đó đến mức cao nhất. Hơn nữa, từ nội tâm, ông ý thức Thiên Chúa hạnh phúc khi ông dùng được tài năng của mình, đã đổ đầy trong Eric một sinh lực tuyệt vời mỗi khi ông sải bước trên đường chạy.

Nhìn từ phương diện này, chúng tôi thấy rằng gốc rễ và nguồn cội cho động cơ và niềm vui thích của ông trên đường chạy, xét cho tận cùng không phải là khát khao muốn đoạt huy chương vàng và được quần chúng hâm mộ, dù rõ ràng ai ai cũng có những ý nghĩ này. Xét cho đúng, thì Eric được thúc đẩy bởi một ý thức từ nội tâm cho rằng Thiên Chúa đã cho ông một ơn đặc biệt, rằng Thiên Chúa muốn ông dùng ơn đó cho trọn, và Chúa hạnh phúc khi ông dùng tối đa ơn ích này. Như mọi con người khác, chắc chắn, ông khoái trá với sự hâm mộ có được từ thành công của mình, nhưng ông cũng biết rằng niềm vui thâm sâu nhất ông cảm nhận được khi dùng ơn tài năng này, xét tận cùng là phát xuất từ Thiên Chúa chứ không phải từ cái tôi của ông.

Và, tôi tin rằng, điều này cũng đúng với tất cả mọi người chúng ta. Khi ai đó dùng cho đúng những thiên khiếu mà Chúa đã ban cho họ, Thiên Chúa thấy hài lòng và vui thích vì điều đó. Sau cùng, Thiên Chúa đã cho chúng ta tài năng này, và việc này có nguyên do.

Không lâu sau khi tôi được thổi bùng trong sự thích thú và sinh lực nhờ được giảng dạy trở lại trong lớp học, tôi đã trò chuyện với một bạn đồng sự, một giảng viên trẻ rất có tài chỉ mới bắt đầu sự nghiệp giảng dạy của mình. Anh chia sẻ với tôi về niềm vui thú khi giảng dạy, nhưng cũng về những lo lắng e sợ niềm vui thú này phần nhiều là do bởi cái tôi của anh. Tôi đã cho anh câu nói của Eric Liddell, trấn an anh rằng, bất kỳ lúc nào anh dạy tốt, Thiên Chúa đều thấy hài lòng và vui thích. Anh rất cảm kích câu nói của Eric.

Và tất cả chúng ta cũng nên như vậy. Chúng ta không nên cảm thấy tội lỗi khi thực hành những tài năng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, cho dù động cơ của chúng ta không bao giờ hoàn toàn thuần khiết. Bất kỳ lúc nào chúng ta dùng tài năng mà Chúa đã ban để làm tốt việc gì đó, Thiên Chúa thấy hài lòng và vui thích vì việc đó … và chúng ta cũng hãy nên như vậy.