Ít tư tưởng gia nào có tác động trên tôi sâu sắc như nhà tư tưởng Robert L. Moore. Ông là ai? Ông là học giả đã dành gần 50 năm để nghiên cứu sinh lực con người từ góc nhìn tâm lý, nhân học, và thiêng liêng. Ít học giả nào bằng được ông trong việc nối kết các sinh lực con người, ngay cả khi nó tự đại hoặc thô thiển, với hình ảnh giống với Thiên Chúa ở trong mỗi chúng ta. Ông xứng đáng để chúng ta lắng nghe.

Gần đây, tôi được may mắn dự một Chuyên đề do ông hướng dẫn. Tôi sẽ chia sẻ với các bạn 2 suy tư thấu suốt của ông:

Nỗi lo lắng tăng dần của chúng ta và nhu cầu đóng một “con tàu lớn” để không bị nhận chìm trong đó.

Ngày nay đời sống của chúng ta bị ngập trong lo lắng và điều này giáng xuống các tàn phá về mặt tâm lý cũng như về mặt thánh lễ ở khắp nơi. Chúng ta bị tấn công túi bụi vì “nỗi lo lắng không được chỉnh đốn” và nỗi lo lắng này ngày càng tăng lên trong khi khả năng xử lý nó lại đi xuống. Theo lời Moore, điều này đang gây nên một “bước lùi bộ lạc”, có nghĩa là chúng ta đang thấy gần như khắp nơi có những nhóm túm tụm lại với nhau trong hoang tưởng và tự vệ. Và hệ quả của chuyện này là gì?

Các nghiên cứu cho thấy, khi chúng ta cảm thấy bị đe dọa, thì khả năng lắng nghe nhau bị khóa kín, ngay cả về mặt thể lý. Tóm lại, khi thấy lo lắng, não bộ của chúng ta theo bản năng hướng về một cõi nguyên thủy ban sơ, cụ thể là, về cái phần “con”, phần máu lạnh ở trong chúng ta. Và điều này đi kèm theo một sự thật, chúng ta có ít nguồn mạch văn hóa và thiêng liêng nào để điều hòa nỗi lo lắng của mình. Nhiều nghi lễ cũ trong văn hóa và thiêng liêng của chúng ta nhằm giải quyết nỗi lo lắng, giờ đã bị biến tướng hay mất đi. Do đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi chúng ta thấy có quá nhiều hoang tưởng và bạo lực trong thế giới ngày nay. Chúng ta đang bị nhận chìm trong lo lắng và thiếu các nguồn mạch tâm lý lẫn thiêng liêng để giải quyết nó. Theo nhà tư tưởng Moore, điều này có thể được gọi là “trận lụt Noê” của thời đại chúng ta, thế giới đang bị nhận chìm trong lo lắng và chúng ta cần phải học cách đóng cho mình một “con tàu thiêng liêng”.

Nhưng, Moore cảnh báo rằng, chuyện này chẳng dễ dàng gì. Chúng ta vẫn ở rất sâu trong tình trạng chối bỏ, và nghịch lý thay, ở một mức độ nào đó, chối bỏ lại thực sự là một hành động bảo vệ lành mạnh cho chúng ta. Theo Moore, nếu chúng ta đâm xuyên qua sự chối bỏ của mình và các cơ chế phòng vệ của người khác, mà trước đó lại không xây một đền thờ siêu linh nội tâm, thì chúng ta có thể bị rối loạn tinh thần vì có khả năng chúng ta bị các sinh lực nguyên hình của mình chế ngự. Chúng ta cần có cơ chế phòng vệ, ít nhất là trong một khoảng thời gian, để giúp bảo vệ sự ôn hòa lành mạnh của mình. Chủ nghĩa chính thống là một trong những bảo vệ đó: Người ta đang hướng về các cách thức cứng ngắc nhằm cố gắng giữ cho mình được ôn hòa.

Trong nỗi sợ Thiên Chúa, trong những nỗ lực khóa kín Thiên Chúa khỏi đời chúng ta, và trong tâm thức tôn giáo ngây thơ của chúng ta, chúng ta có nhiều cơ chế phòng vệ chống lại “thiêng liêng”, nhưng chuyện này có thể hiểu được. Khi chúng ta đứng trước mặt Chúa và cố gắng vận dụng sinh lực đó, thì chuyện này như việc một người đứng trước sợi dây điện có 200 000 điện thế và cố dùng nó cho cái máy pha cà phê vậy. Đó là một hình ảnh cho nỗ lực cố gắng vận dụng và dung nạp sinh lực của Thiên Chúa vậy. Chúng ta luôn luôn bị đè nén vì sinh lực này, từ bên trong lẫn bên ngoài, và từ trong chúng ta cần phải xây dựng một chén tâm lý, một chén thánh, một đền thờ nội tâm, để giữ lấy một cách có ý thức, các sinh lực của Chúa. Chén tâm lý này cũng là chén Mình Máu Thánh Chúa.

Ngoài ra, chúng ta còn phải đặt ra câu hỏi là: Tại sao trong chúng ta lại có một ngăn trở chống lại nhận thức về sự hiện diện cao cả? Tại sao chúng ta cứ thường chối bỏ nhận thức về Thiên Chúa? Tại sao chúng ta thích đi một mình, không cần Thiên Chúa? Với Moore, đây thực sự là một phần mấu chốt trong mầu nhiệm tội lỗi: Chúng ta thường đóng sầm cánh cửa với Thiên Chúa nhân từ, và thích bóng đêm hơn ánh sáng.

Về sự khác biệt giữa khoa học và thần học:

Sự khác biệt giữa khoa học và thần học là sự khác nhau giữa một động cơ phản lực và động cơ tên lửa. Một động cơ phản lực cần oxy và chỉ có thể bay đến một độ cao nhất định, nó cần phải ở trong bầu khí quyển. Một động cơ tên lửa được tăng sức để có thể bay ra khỏi khí quyển.

Về cách chúng ta dựng đền thờ siêu linh nội tâm:

Tất cả chúng ta đều có những tiềm năng đáng kinh ngạc, nhưng luôn luôn bị hạ thấp. Chúng ta có thể học cách bước đi cho đẹp, học cách sống tao nhã, là vì chúng ta đã ở trong ánh sáng rạng ngời rồi. Trong chúng ta đã có sẵn một lòng thương căn bản, nhưng phải “nhận biết” nó. Chúng ta đã sống trong một tình yêu lớn rồi. Con đường về nhà đã ở sẵn trong nhà rồi. Và như thế, chúng ta cần phải thực sự hoài nghi bất kỳ lúc nào thấy mình cô đơn, vì chúng ta không bao giờ cô đơn. Khi cảm thấy đơn độc là lúc chúng ta đang bị lừa phỉnh đó.

Vậy những bước để đạt đến một cách sống đẹp và có lòng thương là gì? Nói tóm lại là:

Hãy cắt xuyên qua sự chối bỏ của bạn, nhận ra những gì bạn thiếu. Lờ đi “chuyện qua đường” trong đời mình, học cách nắm lấy căng thẳng, cân bằng những đối lập, và cố gắng có ý thức để ở lại trong Hiện hữu Cao cả. Hãy làm những việc này một cách “mãnh liệt thánh thiện”.

Ít ngòi bút thiêng liêng nào có được những kết hợp chiều sâu và cân bằng như Moore. Ông xứng đáng để chúng ta lắng nghe.