“Giáo hội đã thánh hóa các cảm xúc cực mạnh, chúc lành cho những điên cuồng, xưng tụng các rối loạn tâm trí, Giáo hội đã đi trong con đường đó và gần như chẳng có gì chặn tôi mở cánh cửa của giáo hội. Chẳng có gì có thể.”
Đây là lời của một tri thức trẻ, anh Maurice Sachs, ngay sau khi anh vừa trở lại đạo Công giáo vào đầu thế kỷ XX, và những lời này diễn tả những gì quan trọng nhất đã đưa anh đến với đạo, cụ thể là thần nghiệm, các nghi thức bí tích, các cách cầu nguyện, lòng mộ đạo và gần như về phần lớn những gì linh đạo Công giáo La Mã nói về những chuyện phía bên kia của những gì có thể hiểu được theo lý tính. Trong ký ức của mình, Sachs mô tả những yếu tố thần nghiệm, bí tích, và mộ đạo như những “tia nắng” và thấy chúng là một chọn lựa tận căn để đối phó với chủ nghĩa duy lý hẹp hòi đã lan tràn khắp môi trường tri thức thời này và là điều làm cho anh ngột ngạt.
Mười chín tuổi Maurice Sachs mới rửa tội, bà Raissa Maritain đã tác động mạnh trên cuộc lữ hành đến với đạo Công giáo của anh, bà theo đạo Do Thái và đã trở lại Kitô giáo. Bà và người chồng nổi tiếng Jacques của mình đã gặp nhau tại đại học Sorbonne, Paris vào đầu thập niên 1990. Lúc đó, cả hai đều theo thuyết bất khả tri, bà chẳng biết gì về di sản Do Thái giáo, ông chẳng biết gì về gốc rễ Kitô giáo của mình. Là người không tín ngưỡng, cả hai đến Sorbonne để nghiên cứu sâu về khoa học và chủ nghĩa duy lý. Nhưng những gì họ thấy đã làm cho họ thất vọng não nề và đập tan ảo tưởng của họ. Họ cảm thấy ngột ngạt. Trí óc và tâm hồn họ muốn một điều gì đó cao hơn khoa học và lý luận thuần túy, rồi họ sớm rời Sorbonne, không chắc mình đang tìm kiếm gì, nhưng gần như chắc thế giới lý luận suông sẽ chẳng bao giờ làm cho họ thỏa mãn được.
Họ bắt đầu tìm kiếm một chọn lựa khác và điều này dẫn họ đến hai nhà trí thức độc lập, không theo khuôn phép xã hội, Leon Bloy và Charles Peguy, cả hai đều bị giới trí thức thời đó khinh thị thấy rõ, vì họ yêu mến thần nghiệm và mộ đạo quá đỗi. Cuối cùng Leon Bloy đưa họ đến với Giáo hội, là cha đỡ đầu rửa tội cho Raissa, và một trong những điều mà ông đã đưa vào cuộc đời họ, một điều căn bản đi ngược với tất cả những gì họ đã gặp ở Sorbonne, đó là thần nghiệm và lòng mộ đạo sốt sắng. Những điều này, mạnh mẽ hơn cả tín lý kitô giáo, đã đưa vợ chồng Maritain vào giáo hội.
Không lâu sau khi trở thành kitô hữu, Raissa và Jacques bị giới tri thức ruồng bỏ, họ bắt đầu tổ chức những cuộc thảo luận hàng tuần tại căn nhà ở ngoại ô Paris. Trong thời gian này, họ đọc sách của thánh Tôma Aquinô, tầm nhìn sâu sắc của ngài đã tác động mạnh trên họ, tạo cho họ một khung tri thức nội tâm kết hợp với thần nghiệm, bí tích, và lòng mộ đạo. Giờ đây, họ cảm thấy sẵn sàng để cố vấn cho người khác và sớm quy tụ được một nhóm lớn các văn nghệ sĩ trí thức, nhiều người trong số đó cuối cùng đã rửa tội.
Họ đã đem lại điều gì cho những người này, những điều mà đời sống văn hóa và tri thức của Paris thời đó không thể có được? Làm sao họ đưa tri thức và chủ nghĩa hoài nghi vào trong giáo hội được? Họ đã mang lại cho giới văn nghệ sĩ trí thức một tầm nhìn đức tin, linh đạo kitô giáo và giáo hội, họ nói với cả quả tim và cái đầu không theo cách duy lý kiểu trường đại học cũng không sùng đạo quá đáng như những người thời đó. Tầm nhìn đức tin của họ vừa nhắm đến quả tim vừa nhắm đến cái đầu. Nó vừa có lòng mộ đạo sâu đậm vừa có tri thức cao, một công thức kết hợp hiếm có.
Ngày nay, trong lòng giáo hội, chúng ta đang đấu tranh để có thể đem lại được chính tầm nhìn này, một tầm nhìn nuôi dưỡng cả quả tim và cả cái đầu. Chúng ta có xu hướng bỏ cái này lấy cái kia.
Các nhóm tự do có khuynh hướng đưa tầm nhìn đức tin và giáo hội về sự tôn trọng đúng đắn dành cho lý luận nhưng thường không dành chỗ cho sự “thánh hóa các cảm xúc cực mạnh, chúc lành cho những điên cuồng.” Hậu quả là, chúng ta mất nhiều người trẻ như anh Maurice Sachs, những người không tin tưởng vào tầm nhìn đức tin quá phê phán, họ muốn đức tin tập trung hầu hết vào lòng sốt sắng và sự minh bạch của giáo lý. Họ không muốn một chủ nghĩa phê phán học thuật cầm đầu giáo hội và chi phối các thực thể giáo hội đó. Và vì họ thấy giới học thuật không tôn trọng tính tôn giáo của mình, nên họ nhìn giới này như ông bà Maritain đã nhìn các giáo sư duy lý ở đại học Sorbonne, thế giới của những người miệt mài trong duy lý và không có ngọn lửa nhiệt tâm trong lòng.
Nhưng có một mặt trái gần như hoàn hảo cho điều này: Nhóm những người sợ và khinh giới chủ nghĩa học thuật phê phán, họ muốn tạo một tầm nhìn đức tin có chỗ cho lòng sốt sắng và minh bạch về giáo lý, nhưng họ lại thiếu thông cảm và mở vòng tay để đón nhận một tinh thần suy tư như thế. Trong khi nhiều người trẻ như Maurice Sachs, được lôi cuốn bởi dạng Công giáo này, thì hàng triệu người khác lại thấy nó quá ngột ngạt, quá hẹp hòi về tri thức, quá sợ sệt, quá yếu đuối, quá thu mình, quá tự vệ để có thể chấp nhận được. Quá nhiều người đã bỏ giáo hội ra đi và nhiều người khác đơn thuần chịu đựng giáo hội thay vì có được hứng khởi trong đó.
Và chúng ta có thể rút ra được một bài học từ Raissa and Jacques Maritain trong cuộc tìm kiếm một công thức thích hợp cho công cuộc Tân Phúc âm hóa. Chúng ta vừa cần một thần học phê phán, nghiêm khắc vừa cần một lòng sốt mến dịu dàng và nồng ấm.