Có một câu châm ngôn nổi tiếng mà tôi sẽ diễn đạt một cách tế nhị hơn cách biểu đạt thường gặp của nó. Câu đó như thế này: Bất cứ khi nào bạn nói với chính mình rằng bạn nên làm điều gì, thì bạn trả một giá đắt. Ngụ ý ở đây là chúng ta mãi mãi tưởng nhầm cái tiếng nói loạn thần là tiếng nói của lương tâm và tự buộc mình vào những bổn phận sai lầm mà chúng tước đi cả sự tự do lẫn chính chắn của chúng ta. Có đúng như vậy không? Vừa có vừa không. Câu châm ngôn này nghe thì hay hơn mức thực sự của nó. Nó nói rằng không nên có bất cứ điều “nên” nào trong đời ta; nhưng bản thân phát biểu đó cũng tự mâu thuẫn. 

Nhưng nó vẫn cần được thừa nhận ở mặt đáng được thừa nhận. Có minh triết trong bản chất của nó, mặc dù nó được diễn đạt bằng sự tinh tế của một cái búa tạ. Nó có sự thách thức tích cực như thế này:

Nhiều lần chúng ta cảm thấy có một nghĩa vụ ray rứt trong lòng (“Tôi buộc phải làm điều này! Tôi nên làm điều kia!”), mệnh lệnh đó không đến từ Chúa hay chân lý mà từ một giọng nói nào đó khác đang được nghe nhầm thành giọng của Chúa. Nói một cách kỹ thuật hơn, phần lớn giọng nói mà chúng ta nghe thấy từ bên trong đòi hỏi chúng ta làm một điều gì đó về mặt tâm lý và cảm xúc hơn là đạo đức hay tôn giáo. Chúng không nói với ta điều đúng hay sai, hay những gì Chúa muốn từ chúng ta, chúng chỉ nói với ta những gì chúng ta cảm thấy về những điều nhất định. Ví dụ: một cảm giác tội lỗi không chỉ ra cho chúng ta biết rằng ta đã làm điều gì đó sai trái, nó chỉ nói chúng ta cảm thấy thế nào về điều chúng ta đã làm, và cảm xúc đó có thể lành mạnh hoặc không lành mạnh. Có lẽ chúng ta chẳng làm điều gì sai trái cả, chúng ta chỉ bị tổn thương và loạn thần. Nỗi phiền muộn và ăn năn là những dấu chỉ tốt hơn về luân lý so với bất kỳ cảm giác có tội nào.Vậy những cảm giác về nghĩa vụ và có tội này đến từ đâu? Chúng đến từ bản năng và từ quá trình giáo dục, từ di truyền và xã hội, từ vô thức và từ các vết thương lòng. Những người theo các trường phái tâm lý của Freud, Jung hay Hillman đưa ra các cách giải thích khác nhau, nhưng tất cả đều đồng ý với nhau về một điều chính yếu, đó là, nhiều tiếng nói bên trong nói về điều đúng và sai, đòi hỏi chúng ta làm điều này hay điều kia không hề là giọng nói luân lý hay tôn giáo gì cả. Rất có thể chúng có những điều quan trọng để dạy cho chúng ta, nhưng nếu chúng ta coi đó là tiếng nói của Chúa và luân lý, rốt cuộc chúng ta sẽ hành xử từ một cái gì đó chứ không phải là Chúa và lương tâm. Đa số những điều “nên” mà chúng ta cảm thấy trong lòng lại không hề là tiếng nói của lương tâm. 

Nhưng, dù có nói như vậy, vẫn cần nói thêm những phẩm chất quan trọng: Nói nôm na, đôi khi tiếng nói về nghĩa vụ mà chúng ta cảm thấy trong lòng là tiếng nói mang tính luân lý và tôn giáo sâu sắc, là tiếng nói của Chúa. Những tiếng nói giả cất lên từ bên trong nhưng những tiếng nói thật cũng vậy. Ví dụ, C.S. Lewis, khi mô tả việc trở lại của chính mình, chia sẻ chuyện ông đã không muốn trở thành người Ki-tô hữu như thế nào nhưng một điều gì đó bên trong ông nói với ông rằng ông phải trở thành người Ki-tô hữu. Cho dù là “người trở lại miễn cưỡng nhất trong lịch sử Ki-tô”, vào một thời điểm trong cuộc đời, ông nhận ra rằng “sự cưỡng bách của Chúa” chính là sự giải phóng của ông. Ông trở thành Ki-tô hữu bởi vì, ngược đời thay, trong giây phút tự do thật sự, ông đi đến chỗ biết rằng ông không có sự lựa chọn nào khác về mặt hiện sinh trừ phi khuất phục trước một điều gì đó, sự cưỡng bách của Chúa, vốn thể hiện ra với ông như một nghĩa vụ. 

“Sự cưỡng bách của Chúa” chính xác là một điều “nên” chân thực và sâu sắc trong lòng chúng ta, và nghịch lý lớn lao nhất là khi chúng ta phục tùng nó thì chúng ta trở nên tự do hơn và chính chắn hơn. Nó cũng là điều mang lại niềm vui vào cuộc đời ta. Chẳng phải tình cờ mà quyển sách trong đó Lewis mô tả trải nghiệm này được đặt tên là “Kinh ngạc bởi Niềm vui” (Surprised by Joy.)

Có một nghịch lý lớn lao nằm ở tâm điểm cuộc sống nhưng lại khó chấp nhận, đó là, tự do nằm trong sự tuân phục, sự chính chắn nằm trong sự phục tùng, và niềm vui nằm trong việc chấp nhận bổn phận và nghĩa vụ. Chúa Giêsu đã dạy rõ ràng và là hiện thân của nghịch lý này: Người là con người bằng xương bằng thịt tự do nhất từng bước đi trên địa cầu này, ấy vậy mà người luôn luôn nhấn mạnh rằng người chẳng hề tự mình làm một điều gì, rằng mọi điều Người làm là vâng theo lời Cha. Người là hình mẫu cho sự chính chắn của con người, thậm chí cả khi cuộc đời của Người là cuộc đời trong đó Người thường xuyên từ bỏ ý chí của chính mình. Và người cũng thoát khỏi mọi tôn giáo sai lầm, luân lý sai lầm, tội lỗi sai lầm, kể cả khi người luôn luôn tuân theo những mệnh lệnh luân lý và tôn giáo từ sâu thẳm linh hồn mình và trong lòng truyền thống tôn giáo của chính mình. 

Simone Weil, nữ triết gia phi thường và huyền bí, người canh giữ sự tự do của mình một cách sâu sắc đến nỗi, cho dù bà tin vào chân lý Chúa Cứu thế, bà đã chống lại việc rửa tội vì bà không biết chắc chắn cái giáo hội hữu hình trên trái đất xứng đáng với loại tin tưởng này có hiểu được rõ rằng điều bà mong muốn và cần tột bậc là tuân phục, bất chấp sự kháng cự mãnh liệt của bản năng. Bà từng nói, chúng ta dành cả đời mình để tìm kiếm một người nào đó hay một điều gì đó lớn lao hơn bản thân mình, chúng ta vênh váo và trở nên lố bịch, thậm chí với chính bản thân mình. Bà nói đúng.

Chúng ta cần thôi vâng theo những tiếng nói giả trong lòng mình. Không được nhầm lẫn sự loạn thần với lương tâm. Nhưng, dù nói như vậy, vẫn có đôi điều “nên” mà chúng ta nên làm!