Việc tôi chọn đọc những gì cũng có đôi lý do. Tôi xem các bài bình luận sách, cố gắng để ý những gì mà bạn bè và đồng nghiệp nhắc tới khi bàn luận văn chương, và tôi cố ý đặt ra cho mình một thực đơn cân bằng giữa các sách thiêng liêng, tiểu thuyết, chuyên luận tri thức và các sách tiểu sử chọn lọc. Tuy vậy, hàng năm luôn luôn có những quyển sách hay nhất tôi đọc được là do tình cờ bắt gặp. Tôi tin vào thuyết cho rằng những sách bạn phải đọc vào một thời điểm nhất định sẽ tự tìm gặp bạn.

Năm nay những quyển nào đã tìm gặp tôi? Dưới đây là một số quyển nổi bật:

Trong số những tiểu thuyết tôi đã đọc có:

•    The Secret Scripture (Bài kinh bí mật) của Sebastian Barry, một trước tác xuất sắc. Độ căng tăng từ từ, nhưng thật bõ công chờ đợi, và ngôn ngữ của quyển này thật tài hoa.
•    The Lacuna (Chỗ khuyết) của Barbara Kingsolver, giống thể thức của nhiều tác phẩm khác của Kingsolver, là tiểu thuyết lịch sử, trong đó thiên tài kể chuyện của Kingsolver hiển hiện khắp mọi nơi.
•    A Mercy (Điều may mắn) của Toni Morrison. Morrison đã đoạt giải thưởng Nobel văn chương, và quyển này, giống các tác phẩm khác của bà, cho thấy tại sao bà đoạt giải. Không phải lúc nào cũng dễ đọc, sách của bà chưa bao giờ dễ đọc, nhưng nhiều đoạn văn bà xây dựng như những bức tranh để xem đi xem lại nhiều lần.
•    The Children’s Book (Quyển sách của Trẻ em) của A.S. Byatt. Byatt có lẽ là tiểu thuyết gia hàng đầu viết bằng tiếng Anh ngày nay và chắc chắn một ngày nào đó sẽ đoạt giải Nobel văn chương. The Children’s Book, giống mọi tác phẩm của bà, đậm đặc và không dễ đọc, không phải chỉ vì nó dày hơn 600 trang, mà bởi vì nó pha trộn lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc, chính trị, kinh tế, áp bức, ý thức hệ, huyền thoại, tình yêu, tình dục, lạm dụng, và đời sống gia đình theo một cách làm đảo lộn một tâm trí đã yên vị. Cuộc sống, như bà trải ra, không đi theo những đường lối luân lý rõ ràng và dễ dàng xác định. Mọi quan niệm dễ dàng về lịch sử, luân lý, gia đình hay tình dục sẽ đảo lộn khi bạn đọc bà.
•    Point Omega (Điểm Omega) của Don DeLillo. Nếu bạn muốn tìm một quyển sách giáo khoa về chủ nghĩa hậu hiện đại, thì đây là quyển sách bạn cần.
•    Brooklyn (Brooklyn) của Colm Toibin. Câu chuyện về một phụ nữ trẻ di cư từ Ai-len đến New York hai mươi năm trước. Cốt truyện này đã từng được người khác kể, nhưng không phải lúc nào cũng nồng hậu như cách kể của Toibin.
•    Santuary Line (Lối tôn nghiêm) của Jane Urquhart. Tôi chưa bao giờ thất vọng khi đọc một quyển sách nào của Jane Urquhart, tôi cũng không thất vọng với quyển này dù đôi khi cũng có. Theo thể thức một cuốn nhật ký chầm chậm, đầy khó khăn của một phụ nữ trẻ, nó để dành mối căng thẳng chính và mọi khai mở cho đến phút cuối, và khi đó, tài năng kể chuyện đặc biệt của Urquhart tuôn trào.

Trong số các tập chuyên luận có:

•        Circling My Mother (Vẽ vòng tròn mẹ tôi) của Mary Gordon.  Một tập truyện ngắn xuất sắc về mẹ mình của một trong những tiểu thuyết gia xuất sắc nhất của Mỹ. Có lẽ đây là quyển tôi thích nhất trong cả năm nay.

•       A Million Miles in a Thousand Years  (Một triệu dặm trong một ngàn năm) của Donald Miller. Một lời biện giải tuyệt vời về đức tin và nỗi khát khao về một điều cao hơn vị ngọt đơn giản của cuộc đời. Xin giới thiệu đến các bậc cha mẹ để trao cho quý vị những đứa con trong độ tuổi đại học của quý vị.

•       The Dance of the Dissident Daughter, A Woman’s Journey from Christian Tradition to the Sacred Feminine (Điệu nhảy của người con gái chống đối: Hành trình của một phụ nữ từ Truyền thống Ki-tô đến Phụ nữ dâng hiến) của Sue Monk Kidd. Một bản tường thuật rất, rất thách thức kể tại sao một phụ nữ có đức tin và cam kết Ki-tô sâu sắc, một nhà văn có tài, đã rời bỏ nhà thờ. 

Trong số những sách thiêng liêng tôi đọc năm nay, có hai quyển nổi bật:

•       The Structure of Waiting (Cấu trúc của chờ đợi) của W.H. Vanstone. Một nghiên cứu sâu sắc và thật sự xuất sắc về sự Thương Khó của Giê-su và điều có có thể dạy chúng ta về sự chờ đợi. Quyển sách này đã ảnh hưởng sâu sắc tới cha Henri Nouwen.

•       Soulcraft, Crossing into the Mysteries of Nature and Psyche (Chiếc bè tâm hồn, Băng qua những Bí ẩn của Tự nhiên và Tâm hệ) của Bill Plotkin. Được viết bởi một nhà tự nhiên học hơn là từ quan điểm đức tin, quyển sách này có thể khiến một số người khó chịu, nhưng nó chứa đựng nhiều cái nhìn sâu sắc về tâm lý (và những câu chuyện chứng thực về chuyển hóa nội tâm) mà tôi tin là có thể rất hữu ích trong việc tìm hiểu hành trình của tâm hồn.

Cuối cùng là một vài truyện tiểu sử và tự truyện:

•       Under My Skin, Volume One of my Autobiography to 1949 (Dưới làn da của tôi, Tập một của Tự truyện đến năm 1949), và Walking in the Shade, 1949-1962, Volume Two of my Autobiography (Bước đi dưới bóng che, 1949-1962, Tập hai của Tự truyện) của Doris Lessing. Hai tập đầu tự truyện của Lessing đã xứng đáng đem giải Nobel văn chương về cho bà. Hai tập này không chỉ kể lại chuyện của Lessing, mà còn đem lại cho người đọc hương vị văn hóa và chính trị của Anh và Phi châu trong gần một thế kỷ. Một “Nhật ký Anne Frank” của người lớn. 

•      Catherine of Sienna, A Passionate Life (Catherine Sienna, một cuộc đời đam mê) của Don Brophy. Nếu bạn gần như không biết gì về Catherrine Sienna, mà tôi cũng không biết gì khi mua quyển này, thì đây là khởi đầu phù hợp. Đây là truyện tiểu sử mới nhất của một phụ nữ thật sự đặc biệt
•       Small Beneath the Sky (Nhỏ bé dưới bầu trời) của Lorna Crozier.  Có thể tôi có thiên kiến vì tác giả quê vùng Saskatchewan (gốc gác tôi cũng ở đó) và đặt bối cảnh câu chuyện của bà ở đó, nhưng đây là một tác phẩm hay, mà, bên cạnh những điều khác, cho thấy các thảo nguyên đã giúp định hình tâm hồn như thế nào.

•       I Remember Nothing and Other Reflections (Tôi không hề nhớ điều gì và những chiêm nghiệm khác) của Nora Ephron. Tác giả của quyển When Harry Met Sally (Khi Harry gặp Sally) nay đã gần bảy mươi và kể rất thông minh dí dỏm về chuyện già. Vượt lên trên tài hóm hỉnh và hành văn tinh tế, quyển sách này là một thách thức tuyệt vời đối với bệnh vĩ cuồng sâu kín của chúng ta vốn thích tự che giấu bằng vẻ nghiêm túc long trọng.

Sở thích thì không có gì để tranh cãi (De gustibus non est disputantum).