Tôi thường hay được nhắc nhở là phải thận trọng cả hồn lẫn xác: “Cẩn thận! Đừng mắc sai lầm! Hãy thận trọng! Đừng làm điều gì khiến mình phải hối tiếc!” Đúng là tôi đã hấp thụ những lời này ngay từ khi còn nhỏ, những năm học ở trường dòng, và phần lớn những năm tháng làm linh mục.Đây cũng là những lời trối trăn cuối cùng của cha tôi, cha tôi là một trong những người đàn ông chân thật nhất mà tôi được biết. Đêm đó, anh tôi và tôi đến bệnh viện thăm cha đang bị bệnh ung thư, sau đó chúng tôi ra về không hề biết sáng sớm hôm sau cha ra đi, cha nhắc chúng tôi: “Cẩn thận nghe!” Ông nhắc chúng tôi lái xe cẩn thận trên con đường mùa đông đầy băng tuyết. Lời nhắc nhở này cho thấy cá tính, tâm hồn nhạy cảm và sự lo lắng đúng đắn của ông dành cho con cái, và về mặt tinh thần nó cũng có nghĩa: “Cẩn thận! Thận trọng!” Đây là lời nhắc nhở thường xuyên của cha tôi.

Bây giờ những lời đó là một phần tính di truyền của tôi. Con cái không những thừa hưởng các đặc tính sinh học của cha mẹ mà còn hơn thế nữa, đặc biệt nếu may mắn có một đấng sinh thành có lập trường đạo đức vững chắc. Và sự thận trọng đó giúp ích cho tôi rất nhiều. Tôi biết ơn nó. Hơn năm mươi năm qua, tôi đã giữ gìn nguyên vẹn cả xác lẫn hồn. Một món quà không phải là nhỏ. 

Tuy vậy sự thận trọng đó đôi lúc cũng không tốt cho tôi. Một người có thể  không sứt mẻ, nhưng thận trọng đến mức nhút nhát, rụt rè nhiều hơn yêu thương thì sự thận trọng đó trở thành tâm điểm cuộc đời họ. Mối nguy cơ trong việc luôn luôn muốn toàn hảo dễ đi đến tâm trạng giống như tâm trạng của người anh cả của người con hoang đàng, đặt niềm tin cứng ngắt vào mọi sự, nhưng lại hay xét đoán, đố kỵ, gắt gỏng cay chua; không bao giờ thỏa hiệp về mặt đạo đức và tín lý, trong khi lại ham muốn những chuyện phi luân lý và tâm hồn như tê cứng với cuộc sống thật. Đôi lúc một sự thận trọng được rèn dũa kỹ lưỡng trong từng hành vi là do quả tim cảnh giác nhiều hơn là quảng đại, ham muốn nhiều hơn là khẳng định, xét đoán nhiều hơn là tha thứ. Đôi lúc nó làm do một quả tim mà yêu thương và tha thứ được xem như phần thưởng chứ không phải cho và nhận không vụ lợi. Tx nó là kết quả của một quả tim âm thầm sung sướng khi người khác đi lầm đường vì không sống giống như mình. Không phải lúc nào cũng như vậy, nhưng nó cũng dễ xảy ra, phải thẳng thắn và khiêm tốn nói thỉnh thoảng trong cuộc đời tôi, tôi cũng vướng vào những trường hợp như vậy.
Goethe, nhà thơ người Đức đã viết: Cuộc sống chứa đựng nhiều nguy cơ, và sự an toàn là một trong những mối nguy cơ đó. Đối với một vài người thì có lẽ lời nhắc nhở ngược lại mới thích hợp hơn. Tuy nhiên đối với hầu hết chúng ta, những người luôn được nhắc nhở phải trở nên người tử tế và có đạo thì câu nói của Goethe cũng mang một sựï thật làm chúng ta bối rối.

Có phải chúng ta đang sống quá thận trọng? Liệu chúng ta có đủ can đảm để nhìn vào những kiềm chế, ghen tương, luận phạt tôn giáo của chúng ta một cách thẳng thắn không? Có phải cuộc sống của chúng ta bị nỗi sợ hướng dẫn thay vì được tình yêu hướng dẫn không? Liệu chúng ta có thể yêu đời mà không bị phán xét và cay đắng không? Người khác có xem chúng ta là những người cứng ngắt không? Lần cuối cùng chúng ta thật sự tha thứ cho người làm tổn thương mình là lần nào? Cuộc sống chúng ta có nói lên tình yêu thương và lòng quảng đại hơn là sợ hãi và tự vệ không? Mối nguy cơ trong việc sống quá thận trọng là đôi lúc chúng ta nghĩ chúng ta đang bảo vệ cuộc đời nhưng thật ra chúng ta đang bảo vệ sự nghèo nàn của chính đời sống mình, đôi lúc chúng ta nghĩ chúng ta đang bảo vệ đức hạnh, nhưng thật ra chúng ta đang bảo vệ những kiềm chế và sợ hãi của chính mình, và có khi chúng ta nghĩ chúng ta đang nói về sự quan phòng của Thiên Chúa cho thế gian nhưng, như người anh cả của người con hoang đàng, thật ra chúng ta đáng nói về lòng ghen tương giấu kín trong con người mình.

Nhân vật nam chính trong bộ phim Những cỗ xe rực lửa là Eric Liddell, một chàng thanh niên hết sức đạo đức, là lực sĩ chạy bộ tham dự Thế Vận Hội Olympic với triển vọng được huy chương vàng, nhưng anh từ chối tham dự cuộc tranh tài vì vòng tranh sơ khởi nhằm vào ngày Chúa Nhật, ngày anh giành cho Chúa. Rất dễ phê phán việc làm của Eric Liddell là việc làm xuất phát từ nguyên tắc tôn giáo cứng ngắt. Đối với ai đó thì điều này có thể đúng. Nhưng đối với Eric Liddell thì không. Tại sao? Bởi vì anh không bị cuốn đi bởi nỗi sợ hãi hay nguyên tắc cứng ngắt. Anh được cuốn đi bởi tình yêu. “Khi tôi chạy,” anh nói, “tôi cảm thấy niềm vui của Thiên Chúa.”

Thỉnh thoảng tôi cũng hỏi tôi câu hỏi đó trong mối liên hệ của tôi với tôn giáo và những kiềm chế tinh thần: Liệu Thiên Chúa có vui trong sự thận trọng của tôi? Liệu Thiên Chúa có vui trong các hy sinh của tôi? Liệu Thiên Chúa có vui trong những khắc khoải của tôi về những khiếm khuyết đạo đức của thế giới? Hay có phải Người Cha đang đứng bên cạnh tôi, bên ngoài bàn tiệc, nài nỉ tôi như ông từng nài nỉ với người con cả, con không thể vì cha mà chấp nhận em con sao?

Tôi biết ơn sự giáo dục tôi được hưởng, dù tính dè dặt bẩm sinh đi kèm với nó không còn ở tôi nữa. Thận trọng là điều hay. Đó là cách sống đầy yêu thương và có trách nhiệm. Nhưng tôi lớn lên một cách thẳng thắn hơn trên các nguy cơ này. Đa số thời gian tôi như được trọn vẹn, tuy nhiên đôi lúc tôi sợ hãi nhiều hơn quảng đại, tự vệ nhiều hơn yêu thương, ghen tương nhiều hơn quan tâm lành mạnh. Sự thận trọng đôi lúc đã không cho tôi một quả tim lớn. An toàn cũng là một mối nguy cơ.