Các tu sĩ Kitô giáo thời tiên khởi tin có một thứ gọi là Nguội lạnh (acedia). Họ còn gọi nó là Quỷ Chính Ngọ. Theo họ Nguội lạnh khác với trầm cảm thông thường. Nó không lôi bạn vào những vùng tâm trí tối tăm hỗn loạn, làm cho bạn đổ bệnh trước chiều sâu vô tận và phức tạp của bản thân. Đúng ra nó là một sự suy sút, mất hết năng lượng, làm cho bạn rơi vào trạng thái bán thực vật, nói đơn giản là nó làm tắt lịm những cảm giác và suy nghĩ thâm sâu của chúng ta.
Giáo hội tiên khởi xem nó là một trong bảy mối tội đầu. Về sau nó được sửa tên lại là Lười biếng. Có rất nhiều bản văn thiêng liêng nói về khái niệm nguội lạnh, trong đó phải kể đến tác phẩm của Kathleen Norris về việc giáo hội tiên khởi hiểu lầm nguội lạnh như thế nào.
Nhưng cho đến gần đây, nguội lạnh vẫn chưa được nghiên cứu sâu như một khái niệm tâm lý. May thay chuyện này đang thay đổi với các tương quan lớn với linh đạo. Tôi xin đưa ra một ví dụ: Mới đây tôi đã dự một buổi diễn thuyết về nguội lạnh của Lauren Morgan Wuest, một chuyên gia theo phái Jung. Tôi không thể biện bạch hết luận thuyết của bà ở đây, nhưng xin tôi xin phép được tóm tắt rất sơ lược về luận thuyết này.
Tác giả đã đọc các tác phẩm của những Giáo phụ Sa mạc và nhiều bình luận khác nhau về khái niệm Nguội lạnh, bà cố gắng tìm mẫu số chung giữa các tác phẩm thiêng liêng này với các hiểu biết của tâm lý học đương thời, nhất là những hiểu biết của trường phái Jung. Kết luận của bà là gì?
Nói ngắn gọn, theo quan điểm của bà, nguội lạnh không phải là một triệu chứng lâm sàng, nghĩa là nó không phải là một chứng bệnh cần điều trị, và nó cũng không phải trầm cảm thông thường. Đúng hơn, các triệu chứng của nguội lạnh là kết quả một phản ảnh bản năng lành mạnh của thân thể và trí óc chúng ta, khi chúng không có được những thứ chúng cần, thì đôi khi chúng phải buộc chúng ta ngừng hoạt động, cũng giống như chứng trầm cảm làm cho chúng ta không còn làm được gì, ngoài trừ một điều là nguội lạnh tắt đi năng lượng của chúng ta vì mục đích tốt đẹp. Nói đơn giản, chỉ vì chúng ta không thể tự cho cơ thể và trí óc nghỉ ngơi, dưỡng chất và không gian mà chúng cần, nên chúng bắt tay nhau để buộc chúng ta phải nghỉ ngơi. Về căn bản, nguội lạnh là tốt cho sức khỏe chúng ta.
Là một nhà tâm lý học, bà không đi sâu vào chuyên ngành thiêng liêng của vấn đề này, nhất là về mối liên hệ có thể có giữa nó với ngày nghỉ Xa-bát, nhưng chúng ta cũng có thể thoáng thấy được rồi.
Khi bạn đọc các bản văn Do Thái-Kitô giáo, nhất là các chương đầu sách Sáng Thế kể lại việc Chúa dựng nên trời đất và Ngài nghỉ vào ngày thứ bảy, chúng ta sẽ thấy có một nhịp điệu được Chúa sắp đặt để chúng ta làm việc và nghỉ ngơi sao cho cuộc sống được triển nở. Nói ngắn gọn, có một khuôn mẫu, một nhịp điệu để chúng ta sống. Bạn làm việc trong sáu ngày, rồi bạn có một ngày nghỉ. Bạn làm việc bảy năm, rồi có một năm nghỉ. Bạn làm việc bảy lần bảy năm thì có một năm toàn xá, một ngày nghỉ cho toàn thể địa cầu. Bạn làm việc cả đời rồi vào một ngày nghỉ vĩnh hằng.
Về căn bản, cuộc sống công việc, lịch trình thường nhật, và những mối bận tâm bình thường của chúng ta bị ngắt quãng một cách đều đặn. Phải có lúc chúng ta bỏ dụng cụ xuống, bỏ qua lịch trình, gạt đi các lo lắng trong ngày làm việc, và đơn giản là ngồi đó, nghỉ ngơi, chẳng làm gì, vô vị, thưởng thức gì đó, suy tưởng, cầu nguyện, và cứ để mặc mọi chuyện trong một chốc. Đó là công thức trong Kinh thánh để chúng ta có sự lành mạnh về tâm linh, nhân thể, tâm lý, và thể xác. Và bất kỳ lúc nào chúng ta không tự nguyện làm điều này, bất kỳ lúc nào chúng ta làm ngơ ngày nghỉ Xa-bát trong đời mình, thì thân thể và trí óc của chúng ta sẽ buộc chúng ta nghỉ ngơi. Nguội lạnh là bạn tốt của chúng ta. Nhờ đó chúng ta có ngày nghỉ Xa-bát, dù bằng cách này hay cách khác.
Tôi chẳng thấy lạ khi việc thực hành ngày Xa-bát đang ngày càng biến mất trong văn hóa của chúng ta. Thật sự là nền văn hóa của chúng ta tạo nên một hệ thống rõ ràng đi ngược lại với việc nghỉ ngày Xa-bát. Trong số nhiều tác nhân bị xem là nguyên do dẫn đến chuyện này, tôi muốn nêu bật lên thói nghiện công nghệ thông tin, sự bất lực hiện thời khi không thể chịu nổi một phút không kết nối với người khác và thế giới qua chiếc điện thoại, máy tính bảng, hay màn hình máy vi tính. Chúng ta thấy mình ngày càng kém khả năng tránh xa khỏi tất cả những gì chúng ta đang kết nối qua công nghệ thông tin, và do đó chúng ta thấy mình ngày càng thiếu khả năng nghỉ ngơi, buông bỏ mọi thứ để đi vào ngày nghỉ Xa-bát. Có lẽ việc thực hành kiêng khem quan trọng nhất cho chúng ta thời nay, là làm một ngày nghỉ kỹ thuật số.
Cách đây bảy trăm năm, nhà thơ Rumi đã than thở rằng: Tôi đã sống quá lâu ở nơi người khác có thể đến được! Đó là tiếng kêu cần phải có một thời gian nghỉ ngơi, đã vang lên từ lâu trước thời đại công nghệ thông tin chúng ta, nơi dù chúng ta ở đâu người khác cũng liên hệ được, thời nay và tiếng kêu đó đang vang lên khắp nơi khi thói nghiện công nghệ thông tin của chúng ta đang ngày càng tăng. Chúng ta lo là mình sẽ không tìm được một cách kiêng khem cần thiết để bỏ đi thói nghiện này, nhưng Nguội lạnh có thể giúp chúng ta việc chúng ta không thể tự làm cho mình.