Dù được lớn lên trong một gia đình và cộng đoàn yêu thương, an toàn, và được giáo dưỡng, nhưng một trong những ký ức lớn nhất thời thơ ấu và niên thiếu của tôi là niềm khắc khoải, có thể nói là bất mãn. Cuộc đời tôi dường như quá nhỏ bé, quá hạn chế, và xa cách với những gì quan trọng trên thế giới. Tôi luôn mãi khát khao được kết nối hơn nữa với đời và sợ rằng những người khác không cùng cảm nhận như vậy và tôi, theo cách này cách khác, đơn độc và không lành mạnh trong nỗi khắc khoải bứt rứt của mình.

Ngay khi học xong cấp trung học, tôi vào Dòng Hiến sĩ, mang theo nỗi khắc khoải của mình, mà thậm chí, khi đã sống trong đời tu trì, tôi lại thấy càng lo lắng và xấu hổ hơn vì đã có nỗi bứt rứt đó. Tuy nhiên trong nửa năm đào tạo đầu tiên ở tập viện, chúng tôi được gặp một hiến sĩ truyền giáo xuất chúng tên là Noah Warnke, người đã được nhận vô số giải thưởng dân sự cũng như giáo hội vì các thành tựu của mình và ai ai cũng tôn trọng cha. Cha bắt đầu bài nói với các tập sinh chúng tôi bằng cách hỏi những câu này: “Các con có bồn chồn khắc khoải không? Có cảm thấy bị cô lập trong nhà tu này không? Có cảm thấy cô đơn và bị tách biệt khỏi thế giới hay không?” Chúng tôi, ai cũng gật đầu thưa có, và cha nói một lời đánh động thật chính xác: “Tốt, các con nên cảm thấy khắc khoải. Chúa ơi, các con hẳn phải giật mình, tất cả các con đều mang dòng máu đỏ bừng bừng đầy năng lượng, và các con lại rúc vào đây tránh xa mọi sự! Nhưng thế là tốt, lòng khắc khoải đó là một cảm giác tốt, và như thế là các con lành mạnh! Nỗi niềm khắc khoải loại bỏ tính ương ngạnh, và đáng để chúng ta đi cả quãng đường dài vì điều đó!” Đây là lần đầu tiên trong đời tôi, có một người hợp lý hóa cho cảm giác của tôi. Tôi cảm thấy như thể mình vừa mới biết mình vậy: “Mày có giật mình không? Tốt quá, mày lành mạnh!”

Ngay sau năm tập viện đó, tôi bắt đầu học thần học và một trong những người chúng tôi học rất sâu là thánh Tôma Aquinô. Ngài là người thứ hai giúp tôi biết mình. Lần đầu tiếp xúc với suy tư của ngài, tôi mới 19 tuổi, và dù một vài thấu suốt của ngài quá cao so với suy nghĩ non trẻ của tôi, nhưng tôi cũng hiểu đủ để tìm được nơi ngài không chỉ một vài hợp lý hóa cho cảm giác của mình, mà quan trọng hơn, còn là một siêu ký thuật cho tôi hiểu được vì sao mình lại có cảm giác như thế. Thánh Tôma đưa ra câu hỏi: “Khách thể tương xứng của tâm trí và tâm hồn con người là gì?” Nói cách khác, là chúng ta phải cảm nghiệm điều gì để được hoàn toàn mãn nguyện? Câu trả lời của ngài là: Tất cả mọi sự, tất cả! Những gì chúng ta phải cảm nghiệm để hoàn toàn mãn nguyện là tất cả mọi sự. Chúng ta phải biết tất cả mọi sự và được tất cả mọi người biết, một chuyện bất khả thi trong đời, và do đó chẳng có gì là bí ẩn về việc chúng ta sống bất an luôn mãi và về lý do vì sao, như Pascal đã nói, tất cả mọi khốn khổ của con người là do việc chúng ta không thể ngồi yên trong phòng dù chỉ một tiếng đồng hồ.

Người thứ ba cho tôi biết mình là Sydney Callahan. Là một chủng sinh, khi đọc sách của bà viết về tính dục, tôi chấn động vì cách bà liên kết tính dục với linh hồn, và cách khát vọng, có cả dục vọng bắt rễ sâu trong linh hồn. Bà đã cho tôi một lời đơn giản. Tôi không có nguyên văn, nhưng lời đó như thế này: Nếu bạn nhìn vào mình, vào sự không thể thỏa mãn của mình và lo lắng rằng bạn quá khắc khoải, quá dục tính, và có thể là mắc bệnh không thỏa mãn, thì nó không có nghĩa là bạn bệnh hoạn, nó chỉ có nghĩa là bạn lành mạnh và không cần phải tiêm thêm kích thích tố! Đây là lời giải phóng cho một thanh niên 20 tuổi khắc khoải và quá nhạy cảm.

Hai năm sau, tôi được biết đến các tác phẩm của Henri Nouwen và, có lẽ hơn bất kỳ ai, chính ngài đã cho tôi được cảm nhận đúng những gì mình cảm nhận. Như chúng ta biết, Nouwen là một ngòi bút uy thế, vì ngài hết sức thành thật trong việc chia sẻ những thiếu thốn, khắc khoải và bất an của mình. Ngài có tài năng có một không hai trong việc dò ra các mối khắc khoải trong linh hồn chúng ta. Ví dụ như, khi mô tả những đấu tranh của chính mình, Nouwen viết rằng: “Tôi muốn làm một vị thánh, nhưng tôi cũng muốn được cảm nghiệm tất cả những cảm giác của một tội nhân. Kỳ lạ làm sao, đời là một cuộc đấu tranh.”

Người cuối cùng tất nhiên là thánh Âu Tinh và phần mở đầu lừng danh trong quyển Tự thú, khi ngài tóm lược cuộc đấu tranh suốt đời trong vài từ: “Ngài đã tạo dựng chúng con vì Ngài, lạy Chúa, nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nào nó được nghỉ an trong Ngài.” Chúng ta mang nỗi vô hạn này trong mình, và như thế chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm được cảm giác thành toàn và bình an trong cái hữu hạn. Thánh Âu Tinh cũng cho chúng ta một lý luận tuyệt vời rằng chúng ta thường đẩy về tương lai vô định một số chuyện mà chúng ta cần làm ngay bây giờ: “Lạy Chúa, xin cho con nên một Kitô hữu ngoan đạo, nhưng khoan đã!”

Một vài người nói đến những người họ muốn gặp trên thiên đàng. Còn đây là năm người đã giúp tôi hiểu được ý nghĩa của con đường dương thế.