Vài năm trước đây, dưới sự hướng dẫn của một vị hướng dẫn dòng Tên xuất sắc, tôi đi linh thao 30 ngày theo Các Bài Tập Linh Thao của Thánh I-Nhã. Vào tuần thứ ba của khóa kinh thao, có một bài suy niệm về nỗi thống khổ của Chúa Giêsu trong vườn Giếtsêmani. Với tất cả khả năng của tôi, tôi cố gắng suy niệm và đến gặp linh mục hướng dẫn để thảo luận về kết quả. Ông không hài lòng và yêu cầu tôi làm lại. Tôi làm theo, báo lại với ông, và lại thấy ông không vừa ý. Tôi bối rối không hiểu chính xác là ông muốn tôi đạt điều gì thông qua bài suy gẩm này, dù tôi thấy rõ ràng là mình đang còn thiếu điều gì đó. Ông cứ cố gắng giải thích cho tôi rằng Thánh I-Nhã có một khái niệm mà theo đó linh thao viên phải vận dụng những suy gẩm của mình và “áp dụng vào các giác quan”, cách nào đó, tôi không đạt được phần đó.

Cuối cùng ông hỏi tôi: “Khi suy gẩm, ông ngồi trong nhà nguyện có điều hòa dễ chịu phải không?” Câu trả lời của tôi là đúng vậy. “À” vị hướng dẫn dòng Tên thông thái này trả lời, “hèn gì ông không thể hình dung cho đúng các giác quan. Làm sao ông có thể thật sự cảm nhận như Chúa Giêsu cảm nhận nỗi thống khổ của mình trong vườn nếu ông ngồi ấm áp, dễ chịu, an toàn và thoải mái trong căn phòng có điều hòa?” Ông khuyên tôi làm lại, nhưng làm vào đêm khuya, ngoài trời, trong màn đêm lạnh giá, chịu các yếu t&77889; tự nhiên, và có lẽ thậm chí còn hơi sợ sệt với những gì tôi có thể gặp phải về mặt thực thể ở ngoài trời đó nữa. 

Ông đã nêu lên một điểm hay, không chỉ cho nỗ lực gắng gỗ chật vật của tôi với bài linh thao này, mà về một trong những khiếm khuyết cơ bản của linh đạo đương đại. Nói đơn giản: Những nỗ lực cầu nguyện và đi tìm con đường thiêng liêng của chúng ta không móc nối được với tự nhiên. Dù với tất cả thiện hướng và cố gắng hết mình, chúng ta vẫn quá lý thuyết suông, cố gắng quá nhiều để biến đổi tâm hồn trong khi thân thể thì ngồi ấm áp, an toàn và không góp phần vào. Các yếu tố thực thể của tự nhiên và thân thể đóng một vai trò quá nhỏ bé trong nỗ lực trưởng thành về mặt tâm linh của chúng ta. 

Đây là điểm phê phán chủ yếu mà Bill Plotkin, một tiếng nói quan trọng mới mẻ trong linh đạo, nêu lên về những gì ông thấy đang xảy ra trong phần lớn linh đạo Ki-tô ngày nay. Từ các chương trình ở nhà thờ đến các trung tâm tĩnh tâm, cho tới nỗ lực kiếm tìm linh đạo mà tín hữu chủ tâm theo đuổi hơn, Plotkin đều thấy có quá ít liên hệ với tự nhiên, với mặt trời, bão tố, thiên nhiên hoang dã, và sa mạc mà chính Chúa Giêsu tìm tới. 

Plotkin, người không nhìn từ một nhãn quan Ki-tô giáo rõ rệt nhưng đồng cảm với nhãn quan đó, điều hành một trung tâm hoang dã từ đó ông hướng dẫn những người đang tìm kiếm linh đạo. Một trong những điều mà trung tâm ông đem lại là  tìm kiếm sự hoang dã. Mọi người có quyền chọn đi ra thiên nhiên hoang dã một mình trong vài ngày, chỉ mang theo rất ít vật dụng cần thiết để tự bảo vệ mình khỏi những gì họ có thể gặp phải. Mặc dù tuân thủ những phép cẩn trọng khôn ngoan và sự thận trọng không phải bị bỏ qua một cách vô trách nhiệm, nhưng những người theo đuổi những cuộc tìm kiếm này thường vẫn thấy mình khá dễ bị tổn thương trước những yếu tố tự nhiên và chống chọi với một mức độ sợ hãi lành mạnh.

Và những nỗ lực kiếm tìm này hiệu quả chủ yếu bởi chính như vậy. Sự chuyển hóa thật sự thường xảy ra và phần nhiều là nhờ vào cuộc chiến đấu mà người đi tìm phải dấy lên trước nỗi sợ hãi và những yếu tố thực thể. Quyển Soulcraft (tạm dịch: Xảo thuật rèn luyện tâm hồn) của Plotkin ghi lại nhiều lời kể đầy thuyết phục của nhiều người, họ chia sẻ những gì họ đã trải nghiệm trong hoang dã – thật sự bị phơi ra và thật sự sợ hãi – điều đó đã dẫn tới sự chuyển hóa thật sự trong cuộc đời. Để điều gì đó thật sự thì nó phải là cái có thực!

Chúa Giêsu biết điều đó và thực hiện “cuộc kiếm tìm hoang dã” của mình, 40 ngày cô độc trong sa mạc, nơi mà như Phúc Âm nói cho chúng ta biết, Người một mình chiến đấu với “những quái vật hoang dã”. Chúng ta cũng đọc thấy những chuyện trong Phúc Âm kể lại Người đã thức cả đêm ngoài trời như thế nào, một mình, và cầu nguyện. Không phải tự nhiên mà cuộc vật lộn nội tâm của Người về chuyện hy sinh mạng sống diễn ra trong vườn chứ không phải trong nhà thờ có máy điều hòa. Những nhà thờ đẹp đẽ có năng lực chuyển hóa nhưng mặt trời, bão tố, thiên nhiên hoang dã và sa mạc cũng vậy. Tìm đến cả hai là điều tốt, vậy mà gần đây linh đạo Ki-tô đã quá xao lãng cái thứ hai. 

Và không chỉ những thứ trong thiên nhiên mới làm chúng ta tơi tả và làm chúng ta sợ hãi, một nỗi sợ hãi mà chúng ta cần tự phơi mình ra. Ít thứ trong đời có thể khơi dậy được niềm vui mà chúng ta có thể trải nghiệm bằng cách tận hưởng thiên nhiên. Như bài Chúc tụng trong sách Đanien (3: 57-88) đã dâng mừng một cách hết sức tuyệt vời, nhiều điều trong tự nhiên nuôi dưỡng tâm hồn và làm tâm hồn chúng ta tràn đầy sức sống: mặt trời, trăng sao, gió lửa, sức nóng, cái lạnh và giá rét, những hạt sương, cơn mưa, băng tuyết, ánh sáng và bóng tối, tia chớp và những đám mây, núi đồi, dòng sông và biển cả, cây cối và động vật. Mỗi một cái đó đều có thể khởi lên những ký ức đặc biệt và những niềm vui đặc biệt, nếu chúng ta tỉnh thức nắm bắt chúng. 

Chúng ta cần phải để tự nhiên chạm đến cơ thể và tinh thần của mình nhiều hơn, vừa cho sức khỏe tâm linh lẫn sức khỏe nói chung của chúng ta. Để điều gì đó thật sự thì nó phải là cái có thực!