Một trong những vấn đề cổ xưa nhất trong triết học là câu hỏi về “một và nhiều”, để biết liệu thực tại rốt cuộc là một thể thống nhất hay một thể đa số và những điều này liên hệ với nhau như thế nào. Chúng ta có thể hỏi cùng một câu hỏi liên quan đến sự đa dạng của tín ngưỡng, nhà thờ và các hình thức thờ phượng khác nhau trong thế giới chúng ta. Ở đó, có một đồng nhất cố hữu nào đó hay tất cả chỉ là đa dạng mà không có điều gì ràng buộc chúng ta với nhau, trong một loại cộng đồng nào đó vượt lên sự khác biệt của chúng ta không?

Sẽ có nguy cơ bị hiểu lầm, đây là quan điểm của tôi. Tất cả chúng ta trên thế giới, những người có niềm tin chân thành, chúng ta đều có một đức tin chung vì cuối cùng chúng ta có chung một Chúa. Hơn nữa, vì chúng ta có chung một Chúa nên chúng ta cũng có chung một vấn đề; cụ thể là, chúng ta đấu tranh như nhau khi cố gắng khái niệm hóa Thượng đế không thể khái niệm hóa này. Trong tất cả các tôn giáo xác thực, tín điều đầu tiên về Chúa, đó là Chúa thánh thiện và không thể diễn tả được, nghĩa là Chúa không bao giờ bị giới hạn và nắm bắt trong một khái niệm. Theo định nghĩa, không thể nắm bắt được sự vô hạn trong một khái niệm (chẳng hạn cố gắng có một khái niệm về con số cao nhất có thể đếm được). Vì Chúa là vô hạn nên mọi nỗ lực khái niệm hóa Chúa đều thất bại.

Tất cả các tín ngưỡng xác thực đều có chung vấn đề này, và điều này sẽ giúp chúng ta luôn khiêm tốn trong ngôn ngữ tôn giáo của mình. Hơn nữa, ngoài cuộc đấu tranh chung để có một khái niệm về Chúa, tất cả chúng ta cũng đấu tranh để hiểu Chúa là Đấng thực sự yêu thương phổ quát và vô điều kiện. Tất cả các tôn giáo và tất cả các giáo phái đấu tranh để không làm cho Thiên Chúa trở thành bộ lạc, thiên vị, thiếu tình yêu và không được hiểu biết đầy đủ. Chẳng hạn trong kitô giáo, do thái giáo và hồi giáo, nơi tất cả chúng ta đều tin cùng một Chúa, cùng có khuynh hướng quan niệm rằng Chúa là nam giới, độc thân và luôn nhíu mày khó chịu. Không chính xác, Chúa là Thiên Chúa không tả được, một Thiên Chúa của mạc khải yêu thương vô điều kiện.

Vậy nhiệm vụ của chúng ta là gì? Nhiệm vụ của chúng ta trong tư cách là tín hữu là hướng đến sự đồng cảm ngày càng sâu đậm với nhau qua tất cả các giáo phái và tôn giáo. Đó là con đường đích thực cho cuộc đối thoại đại kết và liên tôn. Có thể bị cho là dị giáo hoặc không trung thành với truyền thống đức tin của riêng tôi, tôi nói điều này. Nhiệm vụ của chúng ta không phải tìm cách hoán cải, cố gắng thuyết phục người khác theo đạo chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là ngày càng thâm nhập sâu đậm hơn, trung thành và yêu thương vào giáo hội và giáo phái của chính mình, ngay cả khi chúng ta cố gắng đồng cảm sâu đậm hơn với tất cả những ai thờ Chúa theo những cách khác cách chúng ta.

Nhà giáo hội học nổi tiếng Avery Dulles đã dạy, con đường tiến đến chủ nghĩa đại kết kitô giáo và đối thoại liên tôn không phải là con đường cải đạo, cố gắng làm cho người khác theo đạo của mình. Con đường phía trước (theo cách nói của ông) là con đường “tiến bộ từng bước”, nghĩa là mỗi chúng ta ngày càng trung thành với Chúa hơn trong truyền thống của mình để mỗi người chúng ta ngày càng gần Chúa hơn (với tín hữu kitô, đó là Chúa Kitô), chúng ta sẽ ngày càng gần gũi với nhau hơn và với tất cả những người có đức tin chân thành. Sự hiệp nhất mà chúng ta tìm kiếm không nằm ở một nhà thờ hay một cộng đồng đức tin cuối cùng sẽ hoán cải tất cả người khác cùng gia nhập, nhưng nằm ở việc những ai có đức tin chân thành ngày càng trở nên trung thành hơn với Chúa, để sự hiệp nhất chúng ta mong muốn có thể xảy ra một lúc nào đó trong tương lai, tùy thuộc vào chính chúng ta, vào lòng trung thành sâu sắc bên trong truyền thống đức tin của chính chúng ta.

Như thế nhiệm vụ chúng ta không phải là cố gắng làm cho người khác vào giáo hội của mình, nhưng là đi sâu hơn vào chính giáo hội của mình, dù chúng ta cố gắng có một đồng cảm ngày càng sâu sắc hơn với các giáo hội khác và các tín ngưỡng khác. Chúng ta cần là anh chị em của nhau, nhận ra chúng ta đã có chung một Thiên Chúa, một nhân loại chung và nỗi đau chung.

Tôi làm việc trong chương trình tiến sĩ về linh đạo, có nhiều sinh viên từ nhiều giáo phái kitô giáo khác nhau đến học. Trong suốt chương trình 5 năm, các sinh viên này học tập, giao lưu, chia sẻ và cầu nguyện chung với nhau (dù chỉ thỉnh thoảng trong một buổi lễ chính thức ở nhà thờ). Thật hạnh phúc, chúng tôi đã có chương trình này mười năm và chúng tôi chưa có một ai cải từ đạo này qua đạo kia. Thay vào đó, mỗi học viên tốt nghiệp của chúng tôi rời chương trình với một tình yêu và sự hiểu biết sâu sắc hơn về truyền thống của mình – và một tình yêu và hiểu biết sâu sắc hơn về các truyền thống tín ngưỡng khác.

Điều này không ngụ ý tất cả các tôn giáo đều ngang nhau, nhưng đúng hơn là không ai trong chúng ta sống theo sự thật trọn vẹn và con đường phía trước, là con đường hoán cải sâu đậm hơn của cá nhân trong chính đức tin của mình và mối quan hệ đồng cảm hơn với các đức tin khác.

Tôi xin gởi quý độc giả bài thơ của tôi – Một và nhiều

Các dân tộc khác nhau, một trái đất
Các niềm tin khác nhau, một Thiên Chúa
Các ngôn ngữ khác nhau, một trái tim
Các cách rơi ngã khác nhau, một định luật trọng lực
Các năng lượng khác nhau, một Thần khí
Các sách thánh khác nhau, một Lời
Các hình thức thờ phượng khác nhau, một khao khát
Các cuộc đời khác nhau, một số phận
Các sức mạnh khác nhau, một mong manh
Các ngành học khác nhau, một mục tiêu
Các cách tiếp cận khác nhau, một con đường
Các tín ngưỡng khác nhau – một Cha, một Mẹ, một trái đất, một bầu trời, một khởi đầu, một kết thúc.