Một trong những đặc tính tuyệt vời nhất của con trẻ là sự chân thật trong cảm xúc của chúng. Chúng không giấu diếm cảm xúc hay mong muốn của mình. Chúng không tinh vi. Khi muốn điều gì, đơn giản là chúng đòi. Chúng kêu la, chúng khóc thét. Chúng vồ lấy đồ từ tay người khác. Và chúng không hổ thẹn vì những hành động này. Chúng chẳng xin lỗi vì tính ích kỷ và cũng không che đậy nó.

Khi lớn lên, chúng ta điều khiển cảm xúc chuẩn mực hơn, và bỏ gần hết những kiểu cách trên. Nhưng chúng ta cũng trở nên thiếu chân thật hơn về cảm xúc. Sự ích kỷ và lỗi phạm của chúng ta bớt thô thiển hơn, nhưng, chúng là cố hữu vĩnh viễn, không bao giờ thật sự biến mất. Chúng chỉ trở nên tinh vi hơn mà thôi.

Từ xa xưa, giáo hội đã định danh cho những ích kỷ và lỗi phạm với cái tên “bảy mối tội đầu”: kiêu ngạo, ghen tỵ, nóng giận, lười biếng, tham lam, ham muốn và dâm dục. Khi ở dạng thô thiển nhất của nó, các tính xấu này thể hiện thật rõ ràng. Nhưng ở dạng tinh vi hơn thì sao? Ở những người được cho là trưởng thành, thì chúng thể hiện như thế nào? Chẳng phải là nhiều ngòi bút thiêng liêng lớn, đã viết nhiều khảo luận, với mức độ sắc sảo khác nhau, về cái mà họ gọi là những lỗi phạm tôn giáo của những người đã bước qua sự cải hoá ban đầu đó sao? Và chẳng phải đôi khi thật đáng để chúng ta chân thành nhìn lại mình, tự hỏi làm cách nào mà chúng ta đã biến những lỗi phạm thô thiển nhất thời trẻ con thành những lỗi phạm tinh vi hơn của người lớn, hay sao? Ví dụ như, trong đời sống của mình, tính kiêu ngạo biểu hiện theo những cách tinh vi hơn, như thế nào?

Cái cách mà tính kiêu ngạo tồn tại trong tuổi trưởng thành của chúng ta, được Chúa Giêsu mô tả rõ ràng nhất trong dụ ngôn nổi tiếng về người Biệt phái và người Thu thuế. Người Biệt phái, nhân vật xấu trong dụ ngôn này, tự hào mình trưởng thành về mặt thiêng liêng và nhân bản. Đó là kiêu ngạo tinh vi mà hầu như chúng ta không thể tránh khỏi. Khi chúng ta đã trưởng thành về mặt đạo đức và tôn giáo, thì gần như chúng ta không thể đem mình ra để so với những kẻ đang còn đấu tranh trong chuyện này và cũng không thể không rơi vào tình trạng thiển cận tự mãn, không thích họ, khinh thường họ đang ở trong tình trạng đó. Nhiều ngòi bút thiêng liêng đã thường mô tả lỗi phạm trên như thế này: Kiêu ngạo nơi những người trưởng thành nằm ở dạng chối bỏ sự nhỏ bé của mình trước mặt Chúa, và từ chối nhận thức cho đúng mối tương quan với tha nhân. Và đó chính là chối bỏ việc chấp nhận thân phận thấp hèn của mình, cụ thể là từ chối nhận thức rằng chúng ta đang đứng trước mặt Chúa và tha nhân với đôi bàn tay trắng và rằng tất cả những gì chúng ta có và đạt được đều là nhờ ơn Chúa, hơn là do nỗ lực riêng của chúng ta.

Khi chúng ta trưởng thành, tính kiêu ngạo thường trá hình dưới lớp vỏ khiêm tốn, vốn là một chiến lược để được đề cao nhiều hơn. Làm như vậy là áp dụng lời mời gọi của Chúa Giêsu: Bất kỳ ai muốn nên người đứng đầu phải làm người rốt hết và phục vụ cho tất cả anh em mình! Rồi khi chúng ta ở vị trí rốt hết và xắn tay phục vụ, chúng ta không thể thoát được cảm giác tự cho mình rất tốt, nuôi dưỡng trong lòng một nhận thức thầm kín, tính khiêm tốn của mình là yếu tố ưu việt và là cái gì đó, nhờ nó mà sau này mình sẽ được người khác nhận ra và  ngưỡng mộ.

Cũng vậy, khi chúng ta trưởng thành, kiêu ngạo có khuôn mặt tinh vi như sau: Chúng ta sẽ bắt đầu làm những điều đúng đắn cho những nguyên do đúng đắn, mặc dù thường thì đó cách chúng ta tự dối gạt mình, vì xét cho cùng, chúng ta bắt tay làm điều tốt là chỉ để phục vụ cho tính kiêu ngạo của mình mà thôi. Động cơ để chúng ta rộng lượng thường là do mong muốn được cảm thấy mình tốt, hơn là do tình thương đích thực dành cho tha nhân. Ví dụ, nhiều lần trong suốt thời linh mục của tôi, tôi đã nung nấu ý muốn dọn vào nội thành sống giữa những người nghèo, xem đó là dấu chỉ cho sự dấn thân của tôi với công bằng xã hội. Một cha linh hướng đã chỉ ra cho tôi rằng, ít nhất, trong trường hợp của tôi, việc dọn đến đó chắc chắn sẽ làm lợi cho tôi hơn là cho người nghèo. Dọn đến đó ở với họ sẽ làm cho tôi thấy tốt đẹp, nâng cao vị thế của tôi giữa linh mục đoàn, và là dấu ấn tuyệt vời trong lý lịch của tôi, nhưng sẽ chẳng sinh ích nhiều cho người nghèo, trừ phi tôi biết thay đổi tận căn bản thân mình. Xét cho cùng thì hành động đó của tôi sẽ phục vụ cho tính kiêu ngạo của tôi hơn là cho người nghèo.

Bà Ruth Burrows cảnh báo rằng động lực kiêu ngạo này có trong các động cơ cầu nguyện và sống độ lượng của chúng ta. Vì thế, bà viết: “Cái cách chúng ta lo lắng cho việc mất linh hồn, không biết cầu nguyện, cho những rối trí, những ý nghĩ ngu ngốc và những cám dỗ mà chúng ta không thể tránh được…., không phải vì sợ Chúa bị lừa dối, Ngài không thể bị lừa dối, lý do thật sự là chúng ta không được quá đỗi tốt đẹp theo mức mà chúng ta mong muốn.” 

Và sự kiêu ngạo tinh vi, luôn luôn kèm theo nó một phán định hạ giá về người khác. Điều này chúng ta thấy rõ nhất trong khoảng thời gian ngắn sau khi chúng ta trở lại; khi một người trẻ sốt sắng, vừa mới trở lại, mới bước đầu dấn thân phục vụ và công bằng, vẫn còn vương vấn cảm giác của thời kỳ nồng nhiệt ban đầu, sẽ nghĩ rằng chỉ có họ mới biết cách để nối kết với tha nhân, với Chúa Giêsu, và với người nghèo. Nhiệt tình này thật đáng ngưỡng mộ, nhưng sự kiêu ngạo luôn sản sinh ra hai thứ xấu xa cùng lúc, đó là kiêu căng ngạo mạn và cảm giác ưu việt.  

Kiêu ngạo gắn chặt bất phân với bản chất chúng ta, và phần nào nó là thứ lành mạnh, nhưng chúng ta buộc phải đấu tranh cả đời để giữ nó được lành mạnh.