Sau khi bị bắt lần đầu tiên, nhà hoạt động xã hội theo chủ trương hòa bình Daniel Berrigan bỏ trốn. Bốn tháng sau, cha bị bắt, nhưng trong những tháng lẩn trốn này, dù không làm hại ai, nhưng cha bị đưa vào danh sách 10 người bị truy nã gắt gao nhất của FBI. Chuyện này có cái mỉa mai không dễ bỏ qua. Có người đã làm bức poster hình của cha kèm dòng chữ:

Truy nã – Kẻ hiến thánh bánh rượu khét tiếng. Chuyên quấy rối chiến tranh và là tội phạm đốt giấy! Kẻ lẩn trốn được cho là cầm một quyển Kinh Thánh và phải cực kỳ thận trọng khi đến gần. Không vũ trang nhưng lại nguy hiểm.

Không vũ trang nhưng lại nguy hiểm! Nghe tức cười thật, nhưng nó thể hiện rõ mối đe dọa đối với bất công, bạo lực và chiến tranh. Không có vũ trang là nguy hiểm. Một người thật sự không có vũ trang cuối cùng lại là mối nguy lớn nhất cho hỗn loạn, vô luân và bạo lực. Bạo lực có thể chịu đựng bạo lực, nhưng sẽ bị triệt hạ dưới tay phi bạo lực. Đây là một số ví dụ:

Thế hệ chúng ta có tấm gương của linh mục người Pháp Christian de Cherge, một trong bảy tu sĩ dòng Xitô đã bị phiến quân hồi giáo bắt cóc và giết hại ở Algeria năm 1996. Hành trình của ngài và của các tu sĩ khác đã cùng chết với ngài, được thuật lại trong nhiều sách (gồm một vài lá thư và nhật ký của ngài) và còn trong bộ phim đoạt giải thưởng, Of Gods and Men (Của các vị thần và con người). Sống trong một cộng đoàn nhỏ gồm chín tu sĩ ở một ngôi làng hồi giáo hẻo lánh tại miền Bắc Algeria, các tín hữu kitô và cộng đoàn của ngài được dân chúng hồi giáo yêu mến. Là công dân Pháp và được hưởng sự bảo vệ nhờ có quốc tịch Pháp, sự hiện diện của các tu sĩ đem lại một sự bảo vệ nào đó cho dân làng trước quân khủng bố hồi giáo. Nhưng chuyện này không kéo dài được lâu.

Vào đêm Giáng Sinh năm 1995, quân khủng bố lần đầu tiên đến nơi các tu sĩ ở với lời cảnh báo rõ ràng, họ phải rời đi trước khi trở thành nạn nhân của chúng. Cả chính phủ Pháp và Algeria đều đề nghị hỗ trợ bảo vệ có vũ trang. Cha Christian, ban đầu hành động một mình, đi ngược lại ý kiến của đa số trong cộng đoàn, nhất quyết không nhận sự bảo vệ có vũ trang. Thay vào đó, cha cầu nguyện: Đối diện bạo lực này, lạy Chúa, xin hãy giải trừ vũ khí chúng con. Phản ứng của ngài trước mối đe dọa này là giải trừ vũ khí hoàn toàn. Cuối cùng, cả cộng đoàn hiệp cùng ngài trong lập trường đó.

Sáu tháng sau, họ bị bắt cóc và bị giết, nhưng vinh quang là của họ. Chứng tá trung tín của họ là món quà uy lực nhất họ có thể cho dân làng yếu ớt và tội nghiệp mà họ muốn bảo vệ, và chứng tá luân lý của họ cho thế giới sẽ nuôi dưỡng nhiều thế hệ về sau, khi con đường chủ nghĩa khủng bố này dữ dội vùng lên. Christian de Cherge và cộng đoàn của ngài không có vũ trang nhưng lại nguy hiểm.

Có vô số mẫu gương tương tự của những người không có vũ trang nhưng lại nguy hiểm. Bà Rosa Park, không vũ trang và dường như bất lực trước luật lệ kỳ thị chủng tộc thời đó, như mục sư Martin Luther, bà là một trong những nhân vật then chốt chấm dứt sự phân chia xã hội kỳ thị chủng tộc ở Mỹ. Danh sách những người nguy hiểm không có vũ trang còn dài: Mahatma Gandhi, Thomas Merton, Dorothy Day, Desmond Tutu, Oscar Romero, Franz Jagerstatter, Dorothy Stang, Daniel Berrigan, Elizabeth McAlister, Michael Rodrigo, Stan Rother, Jim Wallis, và nhiều người khác. Dĩ nhiên, không thể thiếu Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu không có vũ trang và quá sức nguy hiểm đến độ nhà cầm quyền thời đó buộc phải giết Ngài. Sự tuyệt đối phi bạo lực của Ngài đã tạo nên mối nguy hiểm tận cùng cho trật tự mà họ thiết lập. Hãy để ý cả nhà cầm quyền dân sự và tôn giáo thời đó đều không quá sợ hãi một kẻ giết người có vũ khí cho bằng sợ một Giêsu không vũ khí… Hãy thả Barabbas! Chúng ta thà đương đầu với một kẻ giết người có vũ trang còn hơn đương đầu với một người tuyên bố phi bạo lực và khuyên người khác hãy giơ má kia ra! Làm như thế đúng là khôn. Một cách vô thức, họ công nhận mối nguy hiểm thực sự là một người không vũ lực, phi bạo lực và giơ má kia cho người ta tát.

Tuy nhiên, phải hiểu chuyện “giơ má kia” một cách đúng đắn. Đây không phải là loại hành động tiêu cực và quy phục. Ngược lại thì đúng hơn. Khi khuyên như thế, Chúa Giêsu nói rõ là cả má kia. Tại sao lại nói cụ thể như vậy? Vì Ngài đang nói đến một việc làm theo văn hóa thời đó, một bề trên có thể theo nghi thức, đánh người cấp dưới vào má, không phải với ý định làm đau cho bằng làm cho người đó biết thân biết phận – Tôi là bề trên của ngươi, hãy biết chỗ của mình! Cái tát đó được thực hiện bằng cách vung mu tay phải với người đối diện, như thế sẽ đánh vào má phải của họ. Nếu làm như thế, bạo lực thật sự trong hành động đó vẫn ẩn đi, bởi vì nó trông gọn gàng, đẹp đẽ, là một việc được chấp nhận về mặt văn hóa.

Tuy nhiên, nếu người kia giơ má kia ra, má trái, thì bạo lực sẽ bị phơi bày. Như thế nào? Trước hết, cái tát giờ sẽ đánh một cách vụng về và trông bạo lực, thứ hai, người nhận cái tát đó đang gởi đi một tín hiệu rõ ràng. Sự thay đổi tư thế không chỉ phơi bày bạo lực mà còn nói rằng, anh vẫn tát tôi đấy, nhưng không phải như bề trên tát kẻ dưới, trật tự cũ hết rồi.

Không vũ trang nhưng lại nguy hiểm. Không trang bị vũ khí nào ngoài sự chính trực chính là mối đe dọa lớn nhất đối với những chuyện không đúng đắn.