Tôi vừa đọc xong quyển sách mới của tác giả John Mark Comer: Thực hành Con đường – Ở cùng Giêsu; Nên như Ngài; Làm như Ngài (Practicing the Way – Be with Jesus; Become like him; Do as he did). Khi giới thiệu, tôi muốn đưa ra một loạt câu trích trong sách mà tôi mong quý độc giả sẽ thấy thú vị về cả ngôn ngữ lẫn nội dung tinh túy của quyển sách.

  • Ân sủng không đối lập với nỗ lực, mà đối lập với sự kiếm được. Đáng buồn thay, sự hiểu lầm bi thảm này thường sinh sản ra những người tận dụng giá trị của Chúa Giêsu thay vì là môn đệ của đường lối Chúa Giêsu.
  • Không có Thiên Chúa, chúng ta không thể, không có chúng ta, Thiên Chúa sẽ không làm vậy. Và như Thomas Keating nói, hành động chính của ý chí không phải là nỗ lực mà là sự đồng ý.
  • Kẻ thù chính của đời sống thiêng liêng là vội vã. Chúng ta phải loại bỏ vội vã ra khỏi đời mình. Hầu hết chúng ta quá bận để sống lành mạnh về mặt cảm xúc và tâm linh. (Trong nỗ lực để sống chậm lại, tác giả Comer đã hai lần bỏ việc. Ông chỉ hối tiếc một điều là đã không làm sớm hơn).
  • Sự cứu rỗi là một trải nghiệm chung. Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ, chứ không gọi một môn đệ. Sống trong cộng đoàn không dễ nhưng đáng để sống. Khi đời sống cộng đoàn không ổn, ai cũng có thể thấy đó là chuyện kinh dị, nhưng khi đời sống cộng đoàn ổn, thì đó chính là một chút hé nhìn vào sự sống bất diệt.
  • Bạn muốn bài điếu văn trong đám tang của mình như thế nào?
  • Bạn có đang ngày càng yêu thương, không chỉ với bạn bè và gia đình mà còn với kẻ thù của mình không? Khi bị tổn thương, bị đối xử bất công (chúng ta đều vậy), bạn có thấy mình ngày càng dễ bộc lộ cay đắng, chịu đựng nỗi đau và không đáp trả bằng sự tử tế không? Bạn có thể cầu nguyện và thậm chí là chúc lành cho người nguyền rủa bạn không?
  • Điều tuyệt vời trong giáo huấn đạo đức của Chúa Giêsu là chúng ta không thể giữ luật bằng cách cố không phạm luật. Đừng đánh giá hành vi bằng “việc này có tội lỗi không?”, mà bằng câu hỏi “việc này đưa mình đến gần hay xa Chúa Giêsu”?
  • Về chữa lành: chỉ cần một điều duy nhất: cởi mở nỗi đau của mình với Thiên Chúa. Khởi đầu của sự cứu rỗi chính là thành thật đối diện với những yếu đuối của mình. Càng trốn tránh, càng khó chữa lành. Không phải đối diện mới có thể thay đổi được, nhưng không đối diện thì không bao giờ thay đổi được. Thường thì chúng ta phạm tội một mình, nhưng chữa lành thì chúng ta cùng nhau chữa lành.
  • Tại sao bạn phải đấu tranh? Vì có lẽ Chúa Giêsu ở trong lòng bạn, nhưng tổ tiên lại ở trong xương tủy bạn. Khi ma quỷ tìm đến ông A-dong và bà E-và trong vườn Địa đàng, nó không cầm theo cây gậy mà đến, nó mang theo một ý tưởng đến. Hãy chú ý đến sự ghen tị của bạn. Đẩy lùi những thế lực làm méo mó bạn.
  • Thế hệ chúng ta đang chứng kiến một sự đổi chiều khổng lồ trong lịch sử nhân loại, sự đổi chiều từ cuộc cách mạng công nghiệp sang thế giới kỹ thuật số. Thời đại kỹ thuật số làm chúng ta được kết nối hơn bao giờ hết. Nhưng các nhà xã hội học cho rằng, chúng ta là thế hệ cô đơn nhất. Con đường tiến tới liệu có thể nào đơn giản là gặp gỡ mọi người trong nỗi đau của họ không? Về việc dùng truyền thông điện tử: Hãy tự mình chọn những ràng buộc, hoặc chúng sẽ chọn mình.
  • Ảo tưởng văn hóa lớn của chúng ta chính là nghĩ sự tiến bộ của chúng ta có thể: Dễ dàng, Nhanh chóng và Trong tầm kiểm soát.
  • Khi chay tịnh là ta đang cầu nguyện bằng cơ thể.
  • Bạn không thể suy nghĩ theo cách của mình để nên giống Chúa Kitô.
  • Không thể nào học theo Chúa Giêsu mà không bị tác động lên cuộc sống của mình. Theo Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải để lại gì đó. Với Phêrô, là để lại lưới đánh cá. Còn với bạn là gì? Theo Chúa Giêsu sẽ làm cho bạn mất một cái gì đó, nhưng không theo Ngài thì bạn sẽ mất nhiều hơn, sẽ mất hạnh phúc và bình an. Trích lời nhà truyền giáo tử đạo Jim Eliot: “Người từ bỏ cái mình không thể giữ để đạt được cái mình không thể đánh mất, thì không phải là người dại”.
  • Hầu hết mọi người nghĩ rằng họ sẽ ngày càng nên giống Chúa Giêsu bằng cách cố gắng hết sức thay vì rèn luyện hết sức. Chúng ta không chạy marathon bằng cách cố gắng hết sức, nhưng bằng cách rèn luyện. Rèn luyện, chứ không phải cố gắng, mới là bí quyết để trở nên giống Chúa Giêsu. Các tu sĩ làm gì trong tu viện? Họ vấp ngã và đứng lên, lại vấp ngã và đứng lên.
  • Có bốn mức độ cầu nguyện: Nói với Thiên Chúa, chuyện trò với Thiên Chúa, lắng nghe Thiên Chúa, ở cùng Thiên Chúa.
  • Nếu muốn có thêm Thiên Chúa, hãy buông Ngài ra.
  • Chúng ta không thể chết trên mọi thập giá, và cũng không được kỳ vọng nên như thế.
  • Trích lời thánh Isaac người Syria: “Lời nói là cơ quan của thế giới hiện tại. Thinh lặng là bí ẩn của thế giới sắp đến”.
  • Chín quy tắc sống của ngài để thực hành Đạo là:
  1. Thực hành ngày Sabát trong một nền văn hóa hối hả và kiệt lực.
  2. Thực hành cô tịch trong một văn hóa ồn ào và bồn chồn.
  3. Thực hành cầu nguyện trong một văn hóa xao lãng và thoát ly thực tế.
  4. Thực hành tính cộng đồng trong một nền văn hóa cá nhân và hời hợt.
  5. Thực hành kinh thánh trong một nền văn hóa bị tiêm nhiễm và thỏa hiệp ý thức hệ.
  6. Thực hành chay tịnh trong một nền văn hóa buông thả.
  7. Thực hành quảng đại trong một nền văn hóa tiêu thụ.
  8. Thực hành phục vụ trong một nền văn hóa bất công và chia rẽ.
  9. Thực hành lòng hiếu khách trong một nền văn hóa thù địch.

Nhưng một loạt câu trích tôi đưa ra đây không thể nào thay thế được cho việc trực tiếp đọc quyển sách này.